Thị trường ô tô Việt Nam 2017: Tăng trưởng 'âm'

12/01/2018 13:26 GMT+7

2017 là năm đầy biến động với thị trường ô tô Việt Nam khiến doanh số giảm toàn diện, ảnh hưởng nhiều nhất tới mảng xe du lịch.

2017 - một năm đầy “run rẩy” của thị trường ô tô Việt Nam, người bán run mà người mua cũng run không kém. Những thay đổi trong chính sách, ưu đãi thuế, phí khiến người tiêu dùng bị xoay quanh câu chuyện giá cả. Việc này khiến các nhà sản xuất ô tô phải không ngừng “thi đua” giảm giá kích cầu góp phần không nhỏ vào việc duy trì doanh số chung của thị trường ở mức “ổn định”.

Cụ thể, tính đến hết tháng 12.2017 toàn thị trường tiêu thụ 272.750 xe, giảm 10% so với năm ngoái (304.427 xe). Trong số này, xe du lịch giảm 15% với 154.209 xe, xe thương mại giảm 2% với 104.672 xe và xe chuyên dụng giảm 12% với 13.869 xe. Như vậy, trong năm 2017 thị trường ô tô Việt Nam giảm đều trên tất cả các mảng đặc biệt là xe du lịch. Đây là kết quả đã được dự báo từ năm ngoái bởi 2017 là thời điểm chuyển giao giữa nhiều chính sách mới liên quan tới việc miễn, giảm thuế, phí nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt.

Người tiêu dùng Việt bị xoay quanh câu chuyện giá xe trong suốt năm 2017

Cũng trong năm 2017, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước chứng kiến mức sụt giảm nghiêm trọng tới 19%, còn 194.960 xe so với 228.964 xe bán ra vào năm ngoái. Ở chiều ngược lại, doanh số nhập khẩu tăng 9% lên 77.790 xe, cao hơn đáng kể so với 75.463 xe vào năm ngoái. Sở dĩ có sự thay đổi này là do nhiều nhà sản xuất ô tô như Toyota, Honda, Mitsubishi, Suzuki đã chuyển dần sang nhập khẩu thay vì lắp ráp trong nước như trước đây để đón đầu ưu đãi thuế và tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng.

Về thị phần, không khó hiểu khi Trường Hải (THACO) vẫn tiếp tục dẫn đầu khi sở hữu cùng lúc nhiều thương hiệu xe du lịch bán chạy và thành công trên cả mảng xe thương mại. Tuy nhiên, thị phần lẫn doanh số của tập đoàn này lại chỉ còn 89.602 xe chiếm 35,8% thị phần, giảm mạnh 21% so với 112.847 xe (chiếm 41,5% thị phần) mà nó từng có được trong năm 2016. Việc THACO mất thị phần là do hầu hết các thương hiệu mà tập đoàn này kinh doanh đều đang bị giảm doanh số từ Kia, Mazda, Peugoet tới xe thương mại.

Trong khi đó, dù là năm khó khăn khi đối thủ liên tục giảm giá sâu nhưng Toyota vẫn tăng trưởng nhẹ bất chấp hãng xe Nhật Bản khá “lười” hạ giá xe. Với 59.355 xe bán ra trong suốt 12 tháng, Toyota đã tăng trưởng 4% so với 57.036 xe bán được trong năm 2016. Dù doanh số không tăng mạnh nhưng với sự yếu thế của THACO, Toyota nghiễm nhiên chiếm 23,7% thị phần, tăng đáng kể so với 21% của năm 2016.

Nhờ sự bá đạo của mẫu xe bán tải Ranger, Ford cũng tăng trưởng thị phần từ 10,7% lên 11,4% nhưng doanh số lại giảm nhẹ còn 28.588 xe so với 29.011 xe vào năm 2016. Về phía Honda, dù thất thu vào cuối năm vì sự chậm trễ của CR-V mới nhưng hãng xe Nhật Bản vẫn tăng trưởng nhẹ với 12.134 xe bán ra so với 11.501 xe trong năm 2016. Nhờ vậy, thị phần của nó cũng tăng đáng kể từ 4,2% đến 4,8%.
Doanh số xe lắp ráp giảm mạnh, xe nhập khẩu tăng

Đứng ngay sau Honda là GM cũng tăng trưởng nhẹ 9% trong năm qua với 10.576 xe chiếm 4,2% thị phần. Mitsubishi cũng giữ mức tăng tương tự với 6.672 xe chiếm 2,7% thị phần, Isuzu gần như vẫn dậm chân tại chỗ với 7.965 xe bán ra. Trong mảng xe sang, Lexus chứng kiến đà lao dốc tới 43% còn 948 xe so với 1.665 xe bán ra vào năm 2016. Nhờ bê bối của đối thủ lớn nhất BMW, Mercedes-Benz tăng trưởng 20% trong năm 2017 với 7.108 xe.

Từ kết quả trên có thể thấy, 2017 là năm đầy biến động với các ông lớn, nhất là THACO. Ở chiều ngược lại những thương hiệu xe nhỏ hơn bất ngờ vươn lên khá mạnh mẽ. Với chiến lược chuyển dần sang nhập khẩu thay vì lắp ráp, doanh số xe nhập khẩu sẽ còn cao hơn nữa trong năm 2018.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.