Theo Đài CNBC, lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu Brent ở Biển Bắc vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Khoảng 17 giờ ngày 24.2, giá dầu Biển Bắc giao tương lai tăng hơn 7,6% lên 104,22 USD/thùng trong phiên giao dịch ở thị trường London (Anh). Giá dầu thô WTI giao tương lai của Mỹ cũng tăng hơn 7,3% lên 98,83 USD/thùng, mức giá cao nhất từ năm 2014. Lần gần đây nhất cả hai giá dầu tăng lên ngưỡng này là vào thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Chỉ số chứng khoán ở Sở Giao dịch Jakarta (Indonesia) giảm mạnh hôm qua |
AFP |
Bên cạnh đó, giá khí đốt tăng lên 5,6% so với ngày hôm trước. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Ukraine, Ngân hàng Goldman Sachs vẫn dự báo giá năng lượng sẽ không ảnh hưởng đáng kể. “Trong khi châu Âu mua phần lớn khí đốt từ Nga, Mỹ vẫn là nhà xuất khẩu ròng về khí đốt cho khu vực này”, theo các nhà phân tích của ngân hàng Mỹ.
Thị trường biến động dẫn đến giá vàng tăng vì các nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ tài sản có giá trị ổn định hơn. Đến 18 giờ hôm qua, giá vàng giao ngay có lúc tăng 3,17% so với ngày hôm trước, đạt 1.968,1 USD/ounce (với 1 ounce khoảng 28,3 gr). Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ cuối năm 2020. Còn giá vàng Mỹ giao tương lai cũng tăng 3,08% lên 1.969,3 USD/ounce.
Ở thị trường hối đoái, giá yên Nhật tăng cao so với USD, và đồng franc Thụy Sĩ tăng giá cao nhất trong 5 năm so với đồng euro của Liên minh Châu Âu, theo Hãng tin AFP. Đồng rúp Nga cũng giảm đến mức thấp kỷ lục xuống còn 89,99 rúp đổi 1 USD. Trong khi đó, Sở Giao dịch chứng khoán Moscow chứng kiến đà lao dốc gần 14% sau khi giao dịch đột ngột bị ngưng trệ vào thời điểm Tổng thống Putin tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass. Ngân hàng Trung ương Nga cho hay đã kịp thời can thiệp để ổn định tình hình.
Các thị trường châu Á cũng bị ảnh hưởng vì tình hình Ukraine. Chỉ số các thị trường mới nổi (MSCI) giảm giá 4,1%, đánh dấu ngày tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Chứng khoán tại các thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Sydney (Úc), Mumbai (Ấn Độ), Singapore và Wellington (New Zealand) đều giảm ít nhất 3%. Còn chứng khoán tại Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok (Thái Lan) và Manila (Philippines) giảm gần 2%. Tình hình cũng xảy ra tương tự đối với các chứng khoán ở Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc) và Jakarta (Indonesia).
Ở Anh, thị trường London tổn thất hơn 2% giá trị vào thời điểm mở cửa phiên giao dịch đầu ngày 24.2, trong khi Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức) mất giá hơn 4% và đây chỉ là khởi đầu. Chỉ số chứng khoán tương lai của Mỹ giảm hơn 2% trong ngày, và chỉ số Nasdaq 100 giảm đến 20% nếu so với phiên giao dịch cao kỷ lục hồi tháng 11.2021.
Bình luận (0)