Giá mua tăng, bán giảm
Thị trường vàng ngày 13.8 khá yên ắng khi các giao dịch sụt giảm mạnh, giá cũng ít biến động. Các đơn vị kinh doanh có xu hướng tăng giá mua và giảm giá bán vàng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC giảm giá bán vàng miếng SJC 600.000 đồng/lượng, xuống còn 55,78 triệu đồng/lượng, giá mua vào tăng lên 920.000 đồng/lượng, lên 53,18 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji cũng giảm giá bán khoảng 700.000 đồng/lượng, xuống còn 55,15 triệu đồng/lượng nhưng lại tăng giá mua 750.000 đồng/lượng, lên 53,65 triệu đồng/lượng… Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng của các đơn vị kinh doanh kéo xuống còn 1,5 - 2,8 triệu đồng/lượng thay vì lên 4 triệu đồng/lượng của ngày 12.8.
Giá bán vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới 1,3 triệu đồng/lượng nhưng giá mua lại thấp hơn 1,4 triệu đồng/lượng.
Đại diện Công ty SJC cho biết mãi lực thị trường vàng ngày 13.8 sụt giảm mạnh so với ngày trước đó, chỉ còn khoảng 30%. Lực mua bán tương đối cân bằng nên các đơn vị cũng rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và bán vàng, đưa về trạng thái “bình thường cũ”, nhưng giới đầu tư đa số chưa “hoàn hồn”.
Chiều 13.8, giá vàng thế giới giữ ổn định ở mức 1.930 USD/ounce, mức giá kỷ lục cách đây 9 năm. Thế nhưng chỉ trong 4 ngày qua, kim loại quý đã bị thổi bay hơn 150 USD/ounce sau thành quả đẩy giá lên 300 USD/ounce trong 20 ngày, đạt mức kỷ lục 2.082 USD/ounce trước đó.
Dù giá vàng đang giảm nhưng ông Joe Foster, Giám đốc danh mục đầu tư của VanEck International Investors Gold Fund, mới đây cho rằng đợt giảm vừa qua là điều chỉnh để củng cố giá và về dài hạn sẽ còn tăng khi lãi suất thực âm và giữ mức dự báo kim loại quý sẽ tăng lên 3.400 USD/ounce. Trước đó, Ngân hàng đầu tư B.Riley FBR dự báo giá vàng sẽ tăng lên 2.500 USD/ounce (tương đương 71 triệu đồng/lượng) vào quý 3 và giao dịch quanh mốc này đến quý 4.
Dự báo chỉ là “bánh vẽ”
Thực tế, các dự báo giá vàng tăng đã được rất nhiều cá nhân, tổ chức trong nước và thế giới đưa ra thời gian qua. Và không thể phủ nhận, lực cầu trên thị trường vàng có một phần không nhỏ đến từ các ngưỡng dự báo hấp dẫn này, bất chấp các cảnh báo về lịch sử lao dốc của vàng năm 2011. Và cuối cùng, điều này đã xảy ra.
Tháng 9.2011, vàng thế giới tăng lên mức kỷ lục 1.923 USD/ounce do các nhà đầu tư đổ xô vào kim loại quý tìm nơi trú ẩn cho những ảnh hưởng từ tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế. Thời điểm đó, các chuyên gia Ngân hàng J.P. Morgan Chase dự đoán giá vàng sẽ chạm mức 2.500 USD/ounce vào cuối năm 2011, nhưng sau khi lên đến 1.923 USD/ounce, vàng lao dốc liên tục nhiều năm sau đó. Thành quả tăng hơn 1.000 USD/ounce trong 3 năm từ 2008 đến 2011 đã bị thổi bay hoàn toàn, có lúc kim loại quý về xuống dưới giá thành sản xuất của các mỏ vàng là 900 USD/ounce.
Trong nước, giá vàng miếng SJC bị đẩy lên 49,4 triệu đồng/lượng vào năm 2011 rồi lao dốc về 35 triệu đồng/lượng năm 2015. Mất 9 năm sau, những người mua vàng với giá 49 triệu đồng/lượng mới “về được tới bờ”. Không chỉ vượt qua mức cũ, đà tăng liên tục đã đưa giá vàng lên đến hơn 62 triệu đồng/lượng vào ngày 7.8, mức kỷ lục mọi thời đại. Thế nhưng khi cả thị trường đang chộn rộn, thì cách đây 2 ngày, sóng thần chính thức xuất hiện, chỉ trong một buổi sáng, vàng giảm tới 6 triệu đồng/lượng, gây tổn thất cho rất nhiều nhà đầu tư.
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, phân tích: Các dự báo chỉ mang tính chính xác trong xu hướng trung hạn tính theo 6 tháng - 1 năm, còn trong ngắn hạn và nhất là thị trường biến động mạnh thì rất khó tin cậy. Những dự báo thông thường có hai dạng là theo cảm tính, phân tích theo xu thế và số liệu trong quá khứ để nhận định một xu thế. Thứ hai là những dự báo dựa theo thuật toán máy tính khi cho chạy biểu đồ dựa trên số liệu để đưa ra xu hướng mới.
Những dự báo sau này cho rằng vàng sẽ lên giá 2.500 hay 3.000 USD/ounce là sau khi vàng đã lên từ 1.700 USD/ounce sau đó lên 1.800 USD/ounce… và đồ thị có xu hướng tăng dần càng mạnh hơn. Bất kỳ dự báo theo mô hình nào cũng có ưu điểm và nhược điểm. Nhìn chung thời gian qua giá vàng được dự báo tăng cũng giống như “sóng” cách đây 9 năm đều xuất phát từ nguyên nhân kinh tế thế giới gặp khủng hoảng.
Nhưng quy luật chung là sau khi tăng mạnh sẽ quay đầu đi xuống, đặc biệt đối với những tài sản mang tính đầu cơ cao như vàng, chứng khoán thì tốc độ thay đổi càng nhanh. “Những tài sản như vàng và chứng khoán thì yếu tố tâm lý của nhà đầu tư rất quan trọng, đôi khi chi phối lấn át hành động và tác động lên cả thị trường khiến mọi dự báo chỉ mang tính tham khảo hên xui mà thôi”, TS Đinh Thế Hiển chia sẻ thêm.
Bình luận (0)