Thị trường xe máy Việt Nam khởi nguyên của thời kỳ bùng nổ bằng những mẫu xe số đơn giản, dễ lái với giá bán chấp nhận được vào thời điểm đầu thế kỷ 21. Với Honda Wave Alpha, Yamaha Sirius người Nhật Bản đã đánh bay xe giá rẻ của Trung Quốc bằng chính giá bán lẫn chất lượng. Trong cuộc chiến sống còn này, không ai khác người tiêu dùng Việt được hưởng lợi nhiều nhất bởi họ được tiếp cận với một sản phẩm giá bình dân hơn nhiều nhưng cả chất lượng lẫn thương hiệu đều vượt trội hơn so với xe Trung Quốc.
Cho tới nay, giá bán của xe số ngày đó cũng đã “đi lên” theo thu nhập của người dân, quanh mức trên dưới 20 triệu đồng. Trong khi những cái tên từng một thời “trên cành vàng” như Honda Dream II, Suzuki Viva cũng được nội địa hóa đưa giá về gần gũi hơn với những người anh em xe số giá rẻ khác. Thị trường vắng bóng xe Trung Quốc nhưng bổ sung vào đó nhiều lựa chọn chất lượng hơn từ Suzuki đến SYM hay Kymco… Ngoài ra cũng có một vài thương hiệu ít tên tuổi tham gia vào thị trường hẹp hơn dành cho học sinh, sinh viên.
|
Tính đến thời điểm này, đếm sơ sơ cũng đã có khoảng 20 mẫu xe số tung hoành trên thị trường Việt Nam. Quen thuộc hẳn là Honda Wave Alpha/RSX, Yamaha Sirius, Honda Future/Super Dream, Yamaha Jupiter, Suzuki Viva hay cái tên mới nổi Honda Blade mới tham chiến cách đây vài năm. Xa lạ hơn là những mẫu xe đến từ Đài Loan như SYM Elegant/Angela 50/Galaxy hay Kymco K-Pipe. Đây đều là những mẫu xe số giá rẻ hơn dao động từ 16 triệu đồng đổ về, cố ý tránh phân khúc của hai ông lớn Honda và Yamaha.
Tại sao lại phải tránh? Dù đông vui nhưng rõ ràng thị trường Việt Nam không hề ưu ái cho tất cả, cuộc chiến trong phân khúc xe số phổ thông cũng vì vậy mà kém phần thi vị khi chỉ có Honda và Yamaha trong cuộc đua song mã. Bản thân hãng xe đồng hương Suzuki từng làm mưa làm gió với chiếc Viva một thời cũng phải dừng bước nhường chân khi khai tử Revo 110 và Viva 115 Fi vì không thể cạnh tranh. Cụ thể, ngay trước khi bị khai tử, doanh số 6 tháng đầu năm của Suzuki Viva 115 Fi chỉ đạt… 137 chiếc.
Chính vì vậy, bản thân hai hãng xe Đài Loan vốn yếu hơn về thương hiệu buộc phải tự tạo cho mình phân khúc riêng bằng cách đặt giá dưới tầm đối thủ tránh cuộc chiến về giá đồng thời bán ra xe dung tích nhỏ hơn, tránh cuộc chiến về đối tượng khách hàng mục tiêu. Đó là lý do tại sao SYM chỉ có duy nhất mẫu Galaxy có dung tích 115 phân khối còn lại những cái tên như Elegant, Angela đều chỉ dùng động cơ 50 phân khối có giá trên dưới 15 triệu đồng hướng tới đối tượng khách hàng đặc biệt không cần bằng lái. Người đồng hương Kymco cũng chẳng khá khẩm hơn khi hiện chỉ còn tập trung vào dòng K-Pipe với giá bán không rẻ nhưng bù lại ở kiểu dáng như những chiếc mô tô phân khối lớn.
|
Tất nhiên, cuộc chiến tưởng vui mà buồn trong phân khúc xe số phổ thông đã thể hiện hết ở những con số. Trong năm 2016 chỉ riêng Yamaha Sirius đã có 439.000 xe tới tay khách hàng, đối thủ Honda Wave Alpha là 368.500 xe kế đến là người anh em Wave RSX 227.000 xe và tân binh Blade 160.000 xe. Với giá bán tiệm cận mức 30 triệu đồng, cả Honda Future và Yamaha Jupiter vẫn đạt doanh số đáng nể trong thời đại xe ga lên ngôi, lần lượt là 118.500 và 40.000 xe.
Trong khi đó, mẫu xe có doanh số tốt nhất của SYM là Elegant cũng chỉ bán được 30.500 xe trong năm 2016, 13.000 xe với người anh em Angela 50. Tính tới tháng 10 năm 2017, phân khúc xe số phổ thông vẫn rất “ổn định” khi Yamaha Sirius tiếp tục dẫn đầu với khoảng 355.000 xe bán ra theo sau là Honda Wave Alpha (khoảng 310.000 xe), Honda Blade với gần 100.000 xe…
Từ những con số trên có thể thấy rõ thị phần trong phân khúc xe số phổ thông tại Việt Nam gần như chỉ tập trung duy nhất vào Yamaha Sirius và dòng Wave, Blade của Honda. Những tên tuổi còn lại chỉ như chút sắc màu vương trên một bức tranh ảm đạm mà thôi.
Bình luận (0)