Thi ứng xử Hoa hậu VN: 'Chọn 60 phút hay 15 phút nói chuyện với bố mẹ?'

24/12/2022 08:38 GMT+7

Câu hỏi: “Giữa 60 phút nói chuyện với bố mẹ qua điện thoại và 15 phút nói chuyện với bố mẹ trực tiếp bạn chọn cơ hội nào, tại sao?”, trong phần thi ứng xử Hoa hậu Việt Nam 2022 khiến người trẻ phải suy ngẫm?

Đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam năm 2022 đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả bởi những màn trình diễn ấn tượng và kết quả vô cùng xứng đáng khi vương miện thuộc về Huỳnh Thị Thanh Thủy (19 tuổi) sinh viên (SV) Trường ĐH Đà Nẵng. Phần thi ứng xử của cuộc thi năm nay cũng để lại dư âm trong lòng nhiều khán giả trẻ bởi các câu hỏi hay và thực tế, trong đó câu hỏi dành cho Á hậu 2 Lê Nguyễn Ngọc Hằng khiến nhiều người trẻ phải suy ngẫm vì gợi nhớ đến tình yêu thương gia đình. Cụ thể, Ngọc Hằng nhận được câu hỏi: “Giữa 60 phút nói chuyện với bố mẹ qua điện thoại và 15 phút nói chuyện với bố mẹ trực tiếp bạn chọn cơ hội nào, tại sao?”.

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2022 đã tìm ra được 3 ngôi vị cao nhất

CHỤP MÀN HÌNH

Ngọc Hằng trả lời: “Xã hội đang ngày càng phát triển, cuộc sống đang diễn ra ngày càng nhanh. Chính vì điều này chúng ta đang dần chìm đắm vào công việc nhiều hơn, dần dần chúng ta mới nhận ra đang ngày càng xa cách với bố mẹ, người thân. Tôi muốn nói rằng cuộc sống rất vô thường, chúng ta hãy trân trọng nó. Đối với tôi dù là 60 phút hay 15 phút nói chuyện với bố mẹ đều đáng quý. Bố mẹ là người luôn bên cạnh nên chúng ta hãy dành thật nhiều thời gian cho bố mẹ mình”.

Lê Nguyễn Ngọc Hằng cho biết dù là 60 phút hay 15 phút nói chuyện với bố mẹ đều đáng quý

CHỤP MÀN HÌNH

Hãy dành thời gian quan tâm đến bố, mẹ!

Đồng cảm với phần trả lời của Ngọc Hằng, Ngô Thị Trà My (26 tuổi), ngụ tại 228 Thạch Lam, P.Phú Trung, Q.Tân Phú, TP.HCM, bày tỏ: “Mình cần nhiều hơn 15 phút để có thể nói chuyện trực tiếp với mẹ bởi hơn nửa năm rồi mình chưa về quê. Nhớ khi còn nhỏ ngày nào cũng quấn quýt bên mẹ, kể cho mẹ nghe đủ thứ chuyện trên đời, vậy mà giờ lớn lên lại ít có thời gian để quan tâm. Đôi lúc guồng quay cuộc sống còn khiến mình quên gọi điện về hỏi thăm mẹ, hay những lúc mẹ gọi điện cho mình thì mình chỉ nói qua loa rồi vội tắt máy khi mẹ chưa nói hết câu. Câu hỏi trên như thức tỉnh một đứa con vô tâm như mình”.

Nghẹn ngào khi nghe được câu hỏi về gia đình, Nguyễn Trung Kiên, SV Trường ĐH Cần Thơ, cho biết anh không còn có cơ hội để nói chuyện với ba của mình nên dù là “60 phút gọi điện thoại” hay “15 phút trực tiếp” đều xa xỉ. Ba của Trung Kiên mất hồi năm Kiên mới học năm nhất đại học vì bạo bệnh, trong ký ức của Kiên lần cuối cùng anh được trò chuyện với ba cũng là giây phút ông nằm trên giường bệnh, gắng gượng những hơi nói cuối cùng để dặn dò Kiên và em trai sống tốt.

“Những ai còn cha, còn mẹ thì hãy cố gắng dành thời gian để trò chuyện, quan tâm đến họ. Chúng ta còn trẻ, còn nhiều sự lựa chọn nhưng ba mẹ già thì chỉ trông ngóng về những đứa con. Dù cuộc sống hiện tại có quá nhiều khó khăn, bạn đang ở xa nhà… hay vì bất kỳ một lý do nào khác thì mình tin rằng bạn sẽ không bận đến nỗi không có được 15 phút để gọi về nhà hỏi thăm cha, mẹ”, Kiên chia sẻ.

Nguyễn Thị Vân Anh, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết từng có thời gian không muốn nói chuyện với bố vì: “Bố mình là người khá nóng tính và mình cũng thừa hưởng tính cách đó nên hai bố con rất khó hòa hợp. Trước đây mình rất ít khi trao đổi với bố vì sợ cả hai xảy ra tranh cãi, gây ồn ào và người đứng giữa là mẹ sẽ khó xử. Vì vậy, khi có vấn đề gì cần giải quyết, mình thường chọn cách gọi điện vì điều đó giúp mình có không gian để giải tỏa cảm xúc, mà chỉ nói chuyện khi bản thân thật sự sẵn sàng”, Vân Anh chia sẻ.

Vân Anh kể từ khi lên đại học, ít có cơ hội gặp nhưng trong những lần gọi điện về nhà nữ sinh viên càng hiểu bố mình hơn. Theo Vân Anh, khác với mẹ bố thường giấu sự yêu thương ở bên trong để dạy dỗ con cái nên đôi khi chúng ta nhầm lẫn rằng bố không quan tâm hay lúc nào cũng la mắng. Nữ sinh viên cho biết bố, mẹ nào cũng thương và mong muốn con của mình được sống hạnh phúc và dù những đứa con có đi xa đến đâu thì vẫn có họ làm chỗ dựa tinh thần vững chắc:

“Đừng ngần ngại chia sẻ, bày tỏ nguyện vọng hay sự quan tâm đối với bố, mẹ của mình. Vì bằng tình thương vô bờ bến thì họ cũng sẽ là người đầu tiên tha thứ cho những lỗi lầm của bạn hay là người đầu tiên dang đôi tay ôm lấy bạn mỗi lúc khó khăn, vấp ngã”, Vân Anh chia sẻ.

Bày tỏ quan điểm về câu hỏi: “Giữa 60 phút nói chuyện với bố mẹ qua điện thoại và 15 phút nói chuyện với bố mẹ trực tiếp bạn chọn cơ hội nào, tại sao?”, Nguyễn Hoàng Anh, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: “Bản thân mình nghĩ bằng cách nào không quan trọng, mà quan trọng là chúng ta luôn nghĩ về bố mẹ và dành cho họ sự quan tâm nhiều nhất có thể. Bố, mẹ đã dành cả đời để yêu thương, lo lắng chúng ta nên hãy dành thời gian chăm sóc họ nhiều nhất có thể”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.