Khởi nghiệp bằng tiền lương giáo viên
Chị Huyền hiện là giáo viên dạy địa lý tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng). Với tình yêu đặc biệt dành cho biển, cho những sản vật đặc trưng của vùng đất cảng quê nhà nên chị quyết tâm khởi nghiệp với dự án Bếp Một Nắng.
“Là người Hải Phòng, mình yêu thành phố mình và luôn khát khao được chia sẻ những giá trị tốt đẹp đến với mọi người. Từ đó, mình càng nhận thấy vai trò và lợi thế to lớn của vùng biển Hải Phòng trong phát triển ngành chế biến hải sản và mong muốn được chế biến ra sản phẩm sạch, tươi mới với giá tốt, quảng bá lan tỏa hải sản quê hương đến mọi người”, chị Huyền kể về cơ duyên đến với câu chuyện khởi nghiệp.
Thế là chị quyết định bắt tay vào xây dựng thương hiệu Bếp Một Nắng từ năm 2016.
Cơ sở chế biến hải sản của chị Huyền chuyên chế biến cá một nắng và chả cá chất lượng cao. Cơ sở đã đạt chứng nhận an toàn thực phẩm của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Hải Phòng, có bằng chứng nhận độc quyền nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Cũng như nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp khác, dịch Covid-19 xảy đến khiến DN của chị Huyền chịu nhiều tác động. Chị Huyền cho biết do dịch bệnh, thói quen mua hàng thay đổi từ trực tiếp chuyển sang trực tuyến là chủ yếu nên việc giao dịch trực tiếp với khách hàng giảm mạnh, dẫn đến kinh doanh trực tiếp ở cửa hàng giảm theo.
“Trước diễn biến tình hình mới, mình lên kế hoạch và chuyển ngay sang phương án mới để thích ứng và phát triển”, chị Huyền bày tỏ.
|
Giảm chi phí kinh doanh trực tiếp
Trong giai đoạn dịch bệnh, để giảm chi phí kinh doanh trực tiếp, chị Huyền đẩy mạnh hơn mảng trực tuyến. Thay vì cửa hàng lớn, với mức giá thuê mặt bằng cao, chị thuê cửa hàng nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí, dồn nguồn lực tập trung vào sản phẩm, nhân sự và giao dịch trực tuyến. Từ đó, sản phẩm làm ra không phải gánh nhiều chi phí nên chất lượng vẫn duy trì tốt nhất nhưng lại có giá tốt nhất đến tay người tiêu dùng.
“Về chuyển đổi số trong quản trị DN, mình đã bước đầu thiết kế quy trình, biểu mẫu, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng bộ phận trong chế biến và kinh doanh. Tại cửa hàng, bộ phận kế toán, tài chính, chăm sóc khách hàng và điều phối đơn có báo cáo tổng hợp hằng ngày thông qua phần mềm bán hàng và Excel trực tuyến; ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng Pos 365, rồi số hóa các dữ liệu và quy trình. Tại cửa hàng, mình số hóa các thao tác trong soạn hàng, giao hàng... cần thời gian bao lâu cho từng đơn hàng. Tại bếp chế biến thì số hóa về thời gian sơ chế, chế biến đối với từng sản phẩm, kết quả chế biến trong từng ngày. Số hóa danh sách khách hàng cụ thể bằng cách tận dụng sẵn có trong phần mềm bán hàng”, chị Huyền nói cặn kẽ về quy trình chuyển đổi số cho DN.
Bên cạnh đó, chị cũng cho biết trong thời gian dịch bệnh, chị đã đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ trong kinh doanh trực tuyến như khu vực chế biến đảm bảo số hàng cung cấp kịp thời, bộ phận chăm sóc khách hàng thường trực 15/24 giờ để trả lời nhanh và điều phối kịp thời các đơn đặt hàng online, nhân viên giao hàng tuân thủ nghiêm các quy tắc trong giai đoạn dịch bệnh. Hình thức thanh toán thì khuyến khích khách hàng chuyển khoản, thanh toán qua quét mã QR. Trường hợp khách hàng thanh toán trực tiếp, người giao hàng sẽ xịt tiền khử khuẩn.
Nhờ chuyển đối số thành công mà số lượng khách hàng trực tuyến của Bếp Một Nắng tăng nhanh và doanh thu sau 1 tháng tăng 140% so với 1 tháng trước dịch Covid-19.
“Dịch Covid-19 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các dự án khởi nghiệp thay đổi cách làm cũ hướng đến cách làm mới. Theo mình, việc chuyển đổi số là vấn đề cấp thiết và rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản lý dự án khởi nghiệp. Việc thay đổi một thói quen không dễ. Bản thân mình là một giáo viên địa lý, là dân tay ngang khởi nghiệp nhưng với sự đam mê và nỗ lực quyết tâm thay đổi, không ngại học hỏi, mình nghĩ chuyển đổi số trong khởi nghiệp không khó và mọi người đều có thể vận dụng để đưa DN vượt khó sau dịch bệnh”, chị Huyền chia sẻ.
Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam
Ngày 1.4 tại TP.HCM, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức phát động chương trình bình chọn, trao tặng giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh thành tựu chuyển đổi số xuất sắc của những cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Chương trình được tổ chức dưới sự chủ trì của VDCA và sự bảo trợ của Bộ Thông tin - Truyền thông. Giải thưởng năm nay có nhiều hạng mục. Những bạn trẻ, cá nhân hoặc doanh nghiệp có giải pháp, sản phẩm về chuyển đổi số có thể nộp hồ sơ đến hết tháng 7.2021, thông qua cổng tiếp nhận trực tuyến tại địa chỉ www.vda.com.vn. Sau đó, ban giám khảo sẽ lựa chọn ra những cái tên xứng đáng nhất vinh danh trong lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 10.2021.
|
Bình luận (0)