Thiền sư Thích Nhất Hạnh và 'thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới'

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
22/01/2022 13:47 GMT+7

Câu nói nổi tiếng 'Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới ' đã cho thấy sự quan tâm suốt cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh lớn như thế nào với giáo dục , với hạnh phúc tự thân của những thầy cô giáo.

Câu nói ấy đã bao quát rất rộng lớn tầm nhìn của thiền sư Thích Nhất Hạnh về giáo dục. Cũng như rất nhiều pháp thoại giản dị mà sâu xa ông nói ngày 27.10.2014 trong khóa tu chánh niệm dành cho thầy cô giáo và các nhà giáo dục được tổ chức tại Làng Mai (Pháp) năm 2014. Ông nói: "Nếu các giáo chức không có hạnh phúc, không có sự bình an và sự hòa hợp với nhau thì làm sao mà mình giúp được cho những người trẻ bớt khổ và thành công trong sự học hành".

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Kelvin Cheuk - làng mai

Tang lễ thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ diễn ra trong im lặng

Từ Trường Thanh niên phụng sự xã hội

Có thể nói, dấu ấn về giáo dục trong cuộc đời "dấn thân" của thiền sư Thích Nhất Hạnh bắt đầu từ khi ông đề xuất thành lập "Trường Thanh niên phụng sự xã hội", dù trước đó ông chính là một trong những người khai sinh và điều hành Viện đại học Vạn Hạnh nổi tiếng thời bấy giờ.

Trong bài viết “An lạc từng bước chân” của tác giả Andria Miller đăng trên tạp chí Shambhala Sun tháng 7.2010, ông thuật lại rằng tháng 12.1963, sau khi bay về Việt Nam, trước tình hình thực tế, thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa ra 3 điểm đề nghị. Trong 3 điểm ấy, có đề nghị thành lập Viện cao đẳng Phật học ứng dụng và một đề nghị khác là thành lập Trường Thanh niên phụng sự xã hội. Nhưng ban đầu, Viện Hóa Đạo chỉ chấp nhận ủng hộ Viện cao đẳng Phật học và sau này trở thành Viện đại học Vạn Hạnh. Viện Đại học này sau đó rất nổi tiếng với việc điều hành của Hòa thượng Thích Minh Châu, nhưng thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng là một trong những người góp tay thành lập.

Theo Andria Miller, mặc dù thời điểm này chưa được chấp thuận thành lập Trường Thanh niên phụng sự xã hội nhưng thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn rất kiên cường với ý tưởng này. Quan điểm của ông là nơi này trở thành trung tâm đào tạo những người đi làm công tác xã hội để lo cho hạ tầng cơ sở, giúp đỡ tầng lớp nghèo khó, chuyển hóa bất công xã hội bằng tinh thần tình thương, trách nhiệm và tự nguyện.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh bắt đầu gửi người về hai thôn làng làm thí điểm giúp dân quê, bắt đầu cuộc cách mạng xã hội. Dân quê được góp ý, tự đứng lên mở lớp học, lo y tế, vệ sinh công cộng, phát triển thêm kinh tế cho từng gia đình với sự góp sức của các tình nguyện viên đệ tử. Những người trẻ trong làng được huấn luyện để có thể tự mình học cách canh tác chăn nuôi hay trồng trọt, biết tự làm hố tiêu vệ sinh để làm mới vệ sinh cộng đồng.

Nhờ những thành công đó, Trường Thanh niên phụng sự xã hội mới được hậu thuẫn thành lập và trở thành một phân ban của Viện đại học Vạn Hạnh vào tháng 9.1965. Năm đầu tiên tuyển sinh, hơn 1.000 người trẻ ghi tên để thi tuyển vào Trường Thanh niên phụng sự xã hội, mặc dù trường chỉ nhận 300 người.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong bộ phim "Bước chân An Lạc" (Walk with me)

ảnh chụp màn hình

Theo lời kể lại trong bài viết của thiền sư Thích Nhất Hạnh trên website của Làng Mai, Trường Thanh niên phụng sự xã hội đào tạo những thanh niên, trong đó có cả các thầy và các sư cô trẻ, để đi về miền quê giúp những người nông dân tái thiết thôn làng. Họ hỗ trợ dân làng trong bốn lĩnh vực: giáo dục, y tế, kinh tế và tổ chức.

Các "tác viên" về thôn làng, chơi với trẻ em, dạy đọc, viết và múa hát. Đến khi dân làng bắt đầu quý mến các tác viên, họ mới đề nghị xây dựng trường học cho các cháu. Người góp tre, nhà góp lá dừa và thế là các cháu có một ngôi trường. Các tác viên đều làm việc không lương.

Sau khi dựng trường, trạm y tế lại tiếp tục được dựng lên để phát các loại thuốc chữa những căn bệnh thông thường cho dân làng. Ngoài ra, các tác viên còn tổ chức hợp tác xã, cố gắng hướng dẫn người dân những nghề thủ công để họ có thể cải thiện thu nhập cho gia đình.

Trường Thanh niên phụng sự xã hội được tổ chức trên tinh thần không chờ đợi, không dựa dẫm vào sự trợ giúp của chính phủ. Cuối cùng có tới hơn mười ngàn tác viên hoạt động từ Quảng Trị trở vào. Trong suốt thời gian hoạt động, trường này đã bảo trợ cho hơn mười ngàn trẻ em mồ côi.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng "người trẻ là một phần không thể thiếu của phong trào đạo Bụt nhập thế". Quan điểm giáo dục sư dấn thân ấy cũng là nguyên nhân để "dòng tu Tiếp Hiện" của ông ra đời, phát triển mạnh mẽ đến sau này, nhấn mạnh vào hạnh phúc tự thân của chính những tác viên để họ trở nên hạnh phúc hơn qua quá trình dấn thân, nhập thế.

Truyền thông quốc tế ca ngợi ảnh hưởng và công đức của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Đến "tăng thân" gồm những "thầy cô hạnh phúc"

Quan niệm rất quan trọng về giáo dục của thiền sư Thích Nhất Hạnh là tạo nên những thầy cô hạnh phúc để có những học sinh hạnh phúc. Trong pháp thoại của thiền sư Thích Nhất Hạnh ngày 27.10.2014 ở khóa tu chánh niệm dành cho thầy cô giáo và các nhà giáo dục, ông nói rất nhiều về việc thầy cô "chuyển hóa tự thân", sống hạnh phúc và giúp cho những người xung quanh và những đứa trẻ cũng hạnh phúc như mình.

Ông nói: "Chúng ta biết những đứa con và những học sinh trong thời đại của chúng ta có rất nhiều nỗi khổ niềm đau trong lòng tại vì cha mẹ chúng đau khổ. Cha mẹ không truyền thông được với nhau hay giữa cha mẹ và con cái không dễ dàng nói chuyện được với nhau. Trong đứa con có sự cô đơn, trống vắng và chúng tìm cách khỏa lấp chỗ trống bằng những trò chơi điện tử hay những thú tiêu khiển khác mà quý vị cũng đã biết. Trong những người trẻ có rất nhiều nỗi khổ niềm đau và điều này làm cho công việc giáo dục trở nên khó khăn hơn... Nếu những giáo chức, những đồng nghiệp không có hạnh phúc thì làm sao họ tạo được hạnh phúc cho những người trẻ? Đó là một vấn đề lớn!".

Để có thể trở nên hạnh phúc, thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng thầy cô cần một chiều hướng tâm linh giúp mỗi người chuyển hóa tự thân, rồi sau đó có thể giúp chuyển hóa những người chung quanh, mà đầu tiên là những thành viên trong gia đình hay người bạn hôn phối. Nếu thành công thì thầy cô sẽ trở nên dễ chịu hơn, tươi mát hơn, có tình thương nhiều hơn. Thầy cô sẽ có khả năng giúp cho những đồng nghiệp cũng làm được như mình và sẽ đem sự thực tập vào lớp học.

Bước đầu tiên, đó là trở về chăm sóc tự thân, sau đó là "chế tác được một năng lượng chánh niệm" để lắng dịu cảm xúc khổ đau mỗi lúc phát sinh, thực tập ái ngữ (lời yêu thương) và lắng nghe để tái lập truyền thông cùng đem đến sự hòa giải. Điều quan trọng sau đó là xây dựng tăng thân (đoàn thể) gồm "những thầy cô giáo hạnh phúc".

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Huế cùng các tu sinh

AFP

"Chúng ta không thể tiếp tục như hiện nay, tại vì nếu các giáo chức không có hạnh phúc, không có sự bình an và sự hòa hợp với nhau thì làm sao mà mình giúp được cho những người trẻ bớt khổ và thành công trong sự học hành. Xây dựng một tăng thân là công việc tối cần và mỗi giáo chức phải là một người dựng tăng. Sau khi giác ngộ, công việc đầu tiên Bụt làm là xây dựng một tăng thân. Ngài biết rất rõ là nếu không có tăng thân thì mình sẽ không hoàn thành được sự nghiệp của một vị Bụt. Giáo chức là một nghề rất cao quý, rất đẹp, rất đáng được kính trọng. Nhưng nếu không có một tăng thân thì mình cũng không làm được gì nhiều. Vì vậy xây dựng tăng thân là một việc tối cần!", thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói như vậy.

Trong lá thư gửi thầy cô giáo đăng trong cuốn sách "Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới" (Thích Nhất Hạnh - Katherine Weare), thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng nói rằng: "Chúng ta biết những người trẻ và các bậc phụ huynh trong thời đại chúng ta có rất nhiều nỗi khổ, niềm đau trong lòng. Cha mẹ không truyền thông được với nhau hay giữa cha mẹ và con cái không dễ dàng nói chuyện được với nhau. Trong lòng những người trẻ luôn có sự cô đơn, trống vắng và chúng tìm cách khỏa lấp nỗi cô đơn trống vắng ấy bằng những trò chơi điện tử, phim ảnh, nghiện ngập hay những thú tiêu khiển độc hại. Khổ đau trong lòng những người trẻ càng nhiều thì công tác giáo dục càng trở nên khó khăn. Là những thầy giáo, cô giáo, chúng ta cũng có những khó khăn. Chúng ta đã luôn cố gắng nhưng môi trường sống và làm việc của chúng ta quá nhiều khó khăn. Là những thầy giáo, cô giáo, nếu chúng ta không hạnh phúc thì làm sao chúng ta mong đợi con em mình hạnh phúc? Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.