Thiên tai và nhân tai

15/08/2019 04:51 GMT+7

Phú Quốc ngập kỷ lục ; núi rác Cam Ly đổ sập “nuốt chửng” đất đai, hoa màu của người dân; nhiều tuyến đường, kênh thủy lợi, đập ở một số tỉnh Tây nguyên bị vỡ, hư hỏng do trận lũ kéo dài hơn 3 ngày trước gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Nguyên nhân bắt đầu từ thiên tai, nhưng góp một phần không nhỏ cũng từ chính con người.
Vụ núi rác Cam Ly đổ sập là minh chứng điển hình. Chẳng phải đến bây giờ, khi nhiều hộ dân có hoa màu bị rác vùi lấp, nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng... núi rác Cam Ly mới được biết đến. Bãi rác Cam Ly từng bị đóng cửa năm 2015 do gây ô nhiễm nghiêm trọng. Kết quả phân tích các mẫu không khí, nước thải và nước ngầm cho thấy các thông số đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.
Thế nhưng vào năm 2016, bãi rác này lại tái hoạt động do TP.Đà Lạt thiếu cơ sở xử lý rác. Mỗi ngày khoảng 200 tấn rác thải được tập kết về đây. Nhưng cũng chẳng phải đến năm 2015 hay 2016 mà thực tế gần 1 thập niên nay, thác Cam Ly đã nhiều lần kêu cứu vì ô nhiễm. Chỉ cần gõ dòng chữ “thác Cam Ly kêu cứu” thì nhận được hơn 6 triệu kết quả về nội dung này.
Tình trạng xả rác thải vô tội vạ xuống suối Cam Ly và thác Cam Ly đã được phản ánh nhiều lần, nhưng không được cải thiện. Đặc biệt, do được đặt trên cao, tận đỉnh đồi nên khi sập đổ đã khiến rác “chảy” tràn xuống phía dưới, vùi lấp hệ thống đường giao thông, suối nước, hoa màu cho thấy, vị trí đặt bãi rác Cam Ly là không phù hợp... Thế nên, Đà Lạt “đồi núi trập trùng” mà giờ đây cũng chìm trong mưa ngập cũng chẳng phải điều gì bất ngờ, xa lạ nữa.
Chẳng riêng gì Đà Lạt, tình trạng ngập lụt ở khắp nơi đều có đóng góp một phần không nhỏ từ “nhân tai”. Chuyện nén cao ốc vào nội đô khiến hạ tầng không đáp ứng nổi dẫn đến kẹt xe, ngập nước được nói đến hàng chục năm nay nhưng phố xá ngày càng biến thành sông ngay cả mưa không lớn; tình trạng xả rác vô tội vạ vẫn diễn ra tràn lan; rác thải nhựa, vật liệu khó tiêu hủy nhất được sử dụng phổ biến ở khắp các ngõ ngách từ thành thị tới nông thôn; phân loại rác tại nguồn để tái chế nói tới nói lui vẫn chưa thể triển khai trên diện rộng...
Trong khi chúng ta còn chậm trễ thì biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nhanh chóng. Những hiện tượng thiên nhiên “hiếm gặp” ngày càng “gặp” nhiều hơn; mưa - nắng năm nào cũng lập kỷ lục mới với thiệt hại nghiêm trọng hơn.
Chúng ta đã làm quen với những cụm từ như: sống chung với lũ, sống chung với hạn mặn... Nhưng nếu không thay đổi, không bắt tay vào tự cứu mình bằng những hành động thiết thực và đơn giản như không xả rác bừa bãi, nói không với đồ nhựa xài một lần cho tới những việc lớn hơn là bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên thay vì đổ lỗi cho thiên tai thì sẽ đến lúc, không phải là sống chung mà chúng ta sẽ bị nhấn chìm bởi lũ, bởi rác, bởi ô nhiễm môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.