Chuyển khó cho khách hàng

14/08/2019 04:46 GMT+7

Dự thảo Nghị định về chống tin nhắn rác, email rác, cuộc gọi rác đang lấy ý kiến quy định, chủ thuê bao có quyền đăng ký không nhận cuộc gọi rác.

Khả thi hay không chưa biết nhưng ngược đời ở chỗ, nhiệm vụ của nhà mạng đã mặc nhiên được chuyển sang cho khách hàng.
Đầu tiên phải khẳng định, việc chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác là nhiệm vụ của nhà mạng. Thế nhưng trong cuộc chiến chống lại tin nhắn rác, cuộc gọi rác thì người dùng - khách hàng của các nhà mạng bị làm phiền, làm khó đủ điều.
Họ là nạn nhân bị khủng bố, dội bom các loại dịch vụ, sản phẩm hằng ngày, hằng giờ. Từ bán bất động sản, bảo hiểm, du học cho tới bán mật ong, bồn cầu, bưu phẩm trá hình, spa, mở thẻ tín dụng, chăm sóc sức khỏe... Họ bị móc túi đủ kiểu, từ vài ngàn đồng đến những tài sản giá trị lớn hơn do sập bẫy các chiêu lừa đảo qua tin nhắn - cuộc gọi rác. Con giun xéo lắm cũng oằn, đến khi dư luận bức xúc, Thủ tướng yêu cầu, các nhà mạng mới chịu vào cuộc loại bỏ SIM rác.
Thế nhưng ngay lập tức, phần khó bị đẩy cho khách thông qua chương trình "SIM chính chủ". Khách hàng mới, cũ; có đăng ký hay không đều phải mang CMND, hình ảnh đi đăng ký lại. Bao nhiêu người phải bỏ công bỏ việc, xếp hàng rồng rắn để thực hiện việc này dù để SIM rác hoành hành là chính các nhà mạng. Thế nhưng SIM chính chủ rồi vẫn không ăn thua vì giờ đây, đến lượt chính các nhà mạng xả rác. Mỗi ngày các thuê bao vẫn nhận 5 - 7 tin nhắn quảng cáo, khuyến mãi từ chính nhà mạng. Còn cuộc gọi rác thì dày đặc, thậm chí còn có cả tổng đài cài sẵn nội dung, mở máy là phát liên thanh. Và muốn chặn những phiền hà này như nói trên, khách hàng gánh luôn nhiệm vụ đăng ký chặn cuộc gọi rác.
Đã là rác thì tất nhiên chẳng ai muốn nhận. Từ trước đến nay cũng không có dịch vụ đăng ký nhận tin nhắn - cuộc gọi rác. Vậy tại sao người dân lại phải đăng ký để chặn các dịch vụ mà họ không hề đăng ký? Tại sao lại bắt họ phải thực hiện thủ tục này? Có lẽ trong quan hệ mua - bán, không ở lĩnh vực ngành nghề nào khách hàng, vốn được coi là thượng đế, lại khổ như là chủ thuê bao di động ở VN. Họ phải nhận những cái họ không muốn, bị tra tấn bởi những cuộc gọi rác khiến họ thường xuyên ức chế, nguy cơ bị lừa đảo luôn rình rập chỉ sau một tin nhắn, họ bị xâm phạm quyền riêng tư nhưng bất lực...
Chặn tin nhắn, đó là nhiệm vụ của nhà mạng. Nhà mạng không làm, phải có chế tài nghiêm minh chứ không thể đẩy sang cho khách hàng. Nên nhớ, giờ có rất nhiều ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí và không có hoặc rất ít rác. Đã không ít khách hàng chuyển sang sử dụng các ứng dụng này thay số di động truyền thống. Vì vậy, các nhà mạng cũng đừng ép khách hàng phải tự rời bỏ mình.
Quan trọng hơn, cơ quan có thẩm quyền phải kê đúng thuốc, trị đúng bệnh, đúng đối tượng chứ không thể quản chỗ này không được thì đẩy sang chỗ khác. Không thể để người dân vừa mất tiền sử dụng dịch vụ, vừa bị tra tấn bởi tin nhắn - cuộc gọi rác và giờ lại dọn rác thay nhà mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.