Hỏi vì sao mà lại bày ra chuyện dạy những đứa trẻ mới từ hai tuổi rưỡi đến năm tuổi học chuyện phòng chống cháy nổ? Logic gì mà tiết học phòng chống cháy nổ lại được người quản lý chấp thuận thực hiện ở trường mầm non? Dù có thể mục đích của cô giáo, của nhà trường có tốt đẹp đến đâu đi nữa thì cũng phải cân nhắc sự phù hợp với lứa tuổi. Những đứa trẻ mới vài ba tuổi non nớt, đi đứng còn chưa vững mà đòi hỏi chúng thụ đắc kỹ năng phòng chống cháy nổ thì quả là hết sức vô lý.
Hỏi cô giáo có tâm ý dạy kỹ năng phòng chống cháy nổ cho các cháu có thật sự đã thụ đắc đủ mức về kỹ năng này để có thể trở thành người huấn luyện? Giảng dạy, đào tạo, huấn luyện là một nghề nghiệp, tấm lòng và ý tốt không chưa đủ, bản thân thầy cô giáo cũng phải được đào tạo bài bản, huấn luyện đầy đủ để nắm vững kiến thức, thụ đắc trọn vẹn kỹ năng mới mong đảm đương được nhiệm vụ đứng lớp.
Hỏi lý lẽ gì mà đem cồn ra đốt để thị phạm cho trẻ con? Chỉ riêng việc ấy thôi đã cho thấy ý tốt dạy trẻ con phòng chống cháy nổ bằng một cách thức không thể dễ gây cháy hơn không chỉ là thiếu chuyên nghiệp mà còn thiếu ý thức an toàn cháy nổ đến mức nghịch lý.
Càng hỏi càng khó trả lời, vì chẳng thể nào hiểu nổi những nghịch lý lạ kỳ đến thế. Nhưng cũng những câu hỏi ấy đặt ra chất vấn không hề đơn giản về cách mà người lớn phải lo cho sự an toàn của trẻ em, nhà trường phải lo cho sự an toàn của học sinh. Chuyện đau lòng về học sinh lớp 1 Trường Gateway (Hà Nội) còn mới nguyên đó, còn chưa ráo nước mắt của cha mẹ cháu, của nhiều người luôn dành trái tim mình cho con trẻ. Những tranh luận sau vụ việc đau lòng này cũng xoay quanh những câu hỏi liên quan đến cách mà người lớn quan tâm đến sự an toàn của con trẻ, đến cách mà người lớn muốn dạy cho trẻ những kỹ năng sinh tồn cần thiết.
Chúng ta đã chuẩn hóa được một khung chương trình giáo dục kỹ năng cho con trẻ ở nhà trường từ nhỏ đến lớn theo từng bậc lứa tuổi chưa? Chúng ta đã phát hành những tài liệu chỉ dẫn phụ huynh các bài huấn luyện kỹ năng cho trẻ mỗi ngày chưa? Chúng ta đã kiểm tra và xác nhận năng lực của giáo viên trong lĩnh vực giáo dục kỹ năng chưa?
Hay là chúng ta chỉ mới có khẩu hiệu “cổng trường em xanh, sạch đẹp và an toàn”? Hay chúng ta chỉ mới có những khóa học kỹ năng tiền triệu được bày ra khắp mùa hè như thể một cách kinh doanh hấp dẫn? Hay là chúng ta khoán trắng việc dạy trẻ em kỹ năng sinh tồn cho các giáo viên có lòng tốt, bất kể họ có dạy đúng cách hay không? Hay là chúng ta chỉ mới có “Tháng hành động vì trẻ em”, trong khi thực ra trẻ em cần chúng ta hành động vì chúng mỗi ngày, mỗi giờ?... Lại vẫn là hàng loạt câu hỏi dẫn đến những chất vấn chẳng hề đơn giản chút nào về trách nhiệm của người lớn với sự an toàn của con trẻ.
Bình luận (0)