Dễ dãi với tính mạng con trẻ

09/08/2019 05:29 GMT+7

Có một nghịch lý đang tồn tại. Đó là tuy ô tô được xem như một nguồn nguy hiểm nhưng dịch vụ ô tô được tổ chức để đưa đón học sinh đi học hằng ngày lại đang bị buông lỏng.

Bắt nguồn từ áp lực thời gian hằng ngày, các bậc phụ huynh phần nào đỡ vất vả hơn khi con cái được ô tô đưa đón đi học. Thế nhưng, dường như đâu đó là tâm lý “chỉ đi lại khá gần từ nhà đến trường”, nên nhiều phụ huynh không để ý nhiều đến phương tiện chuyên chở con mình mỗi ngày. Còn đơn vị vận hành xe đưa đón học sinh cũng có phần chủ quan, thậm chí thiếu trách nhiệm.
Thực tế đi trên đường, rất nhiều ô tô chở học sinh (HS) khá cũ kỹ, lại bố trí ghế ngồi dày đặc, và có cả trường hợp xe mang thiết kế tải hàng được hoán cải. Thế mà, những chiếc xe ấy vẫn vô tư đi lại trên đường.
Đáng sợ hơn, giữa năm ngoái, trong bài viết Gần 200.000 xe “hết đát” không biết ở đâu mà Báo Thanh Niên đăng giữa năm 2018, có cả trường hợp xe hết niên hạn sử dụng được đưa về một số tỉnh, thành chuyển đổi thành... xe đưa đón HS hằng ngày. Báo chí cũng đã phản ánh những thực trạng tương tự, có nơi lực lượng chức năng xử phạt cả trăm xe không đủ tiêu chuẩn vẫn được dùng để chở HS.
Thực trạng xe không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định được dùng để đưa rước HS đâu chỉ xảy ra tại các tỉnh, thành nhỏ mà xảy ra ở cả các đô thị lớn. Điển hình như trong vụ học sinh Trường Gateway (Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón, thì như Thanh Niên đã thông tin: Chiếc xe liên quan chưa có giấy phép về kinh doanh vận tải, chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh. Một trường “quốc tế” mà dùng phương tiện chưa có phù hiệu xe kinh doanh để đưa rước HS, thì khó có thể hình dung được mặt bằng chung về độ an toàn của các dịch vụ đưa rước HS có mức phí thấp hơn.
Tất nhiên, phụ huynh không nhiều người biết xe còn hạn sử dụng hay không, xe có phù hiệu hay không... Nhưng nhà trường, đơn vị tổ chức vận chuyển, cơ quan hữu trách phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát. Chưa dừng lại ở đó, một chiếc xe chỉ toàn chở trẻ em thì đòi hỏi nên có các biện pháp vận hành phù hợp, kết hợp cùng sự tham gia của người hỗ trợ mà ở đây có thể là bảo mẫu. Chẳng phải tự nhiên mà ở nhiều nước phát triển, tiêu chuẩn hoạt động của những chiếc xe như vậy, bao gồm cả người lái, được đòi hỏi rất khắt khe.
Chính vì thế, đừng để đến khi xảy ra những vụ việc đau lòng như trên, thì cơ quan chức năng mới tiến hành rà soát, xử lý theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Đã đến lúc, việc kiểm soát chất lượng ô tô đưa rước HS cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và chặt chẽ. Nếu không, chẳng khác nào chúng ta đang dễ dãi với tính mạng con trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.