Sự kiện một thiên thạch có đường kính 15 m nổ tung trên bầu trời Chelyabinsk thuộc Nga hôm 15-2, làm bị thương 1.200 người và gây thiệt hại đến 33 triệu USD (khoảng 688 tỉ đồng) đã nhanh chóng trở thành chủ đề nóng của các nhà nghiên cứu thiên văn và dư luận xã hội. Đặc biệt, báo chí vào cuộc với các thông tin nhiều chiều, làm dư luận càng nóng hơn. Nhưng thái độ lo ngại mà giới truyền thông vô tình mang đến cho công chúng càng làm cho dư luận lo âu không phải là một thái độ đúng để đối phó với hiểm họa thiên thạch rơi. Đừng hiểu lầm, dĩ nhiên mối hiểm họa này là có thực, đáng quan tâm và cần phải có biện pháp phòng chống nhưng phải được xem xét kỹ càng và bình tĩnh dưới góc độ khoa học.
Dễ gây choáng
Cũng dễ hiểu thái độ lo âu thái quá của nhiều người đối với sự kiện này. Vụ thiên thạch rơi ở Chelyabinsk tình cờ xảy ra vào đúng thời điểm và vị trí để có thể dễ dàng trở thành một tâm điểm của dư luận. Và nếu nói một cách khoa học, sự kiện này thật sự rất đáng sợ.
|
Thiên thạch này nổ tung trên không, ở độ cao 30-50 km nhưng có lực công phá tương đương 300-500 kilotons TNT (theo NASA), tương đương một đầu đạn hạt nhân hiện đại. So với sức công phá chỉ khoảng 20 kilotons của 2 quả bom hạt nhân từng thả xuống Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II thì vụ nổ Chelyabinsk rất đáng sợ. Trong khi đó, so với vụ nổ tự nhiên lớn nhất từng được ghi lại trong lịch sử, cũng là do thiên thạch rơi, sự kiện Tunguska ở Serbia (cũng thuộc Nga) hồi 1908, với sức công phá chỉ 50 kilotons thì sự kiện Chelyabinsk cũng dễ dàng lập nên một kỷ lục mới.
|
Tuy nhiên, vụ nổ Chelyabinsk cũng chỉ là vụ nổ nhỏ so với vụ nổ nhân tạo lớn nhất từng được ghi nhận trong thời chiến tranh lạnh, do Liên bang Xô viết tiến hành. Đó là vụ nổ bom hydro (Tsar bomba) với sức công phá 57 megatons. Nhưng có thể nói, thật may mắn là vụ nổ Chelyabinsk đã không phát nổ trên mặt đất, nếu không nó đã có thể san bằng vài vùng dân cư lân cận. Tuy chưa đạt đến mức đe dọa toàn cầu như sự kiện thiên thạch Chicxulub làm tuyệt chủng loài khủng long (với sức công phá khoảng 100 triệu megatons) nhưng đối với người bình thường, chỉ nghe qua các con số trên, vụ nổ Chelyabinsk dễ gợi lên nhiều lo ngại.
Khác với vụ nổ Tunguska, vụ nổ Chelyabinsk xảy ra vào thời kỳ bùng nổ công nghệ mạng internet/mạng xã hội, lại xảy ra ngay ở Nga, quốc gia có rất nhiều xe hơi phải gắn camera để đối phó với thời tiết diễn biến phức tạp. Do vậy, nó được thông tin rất nhanh chóng trên các mạng xã hội, trên TV và trên nhiều phương tiện thông tin khác. Với điều kiện thông tin đó, vụ nổ Chelyabinsk nổi tiếng ngang với một ngôi sao nhạc pop trên YouTube (và cũng sẽ nhanh chóng trở nên lu mờ!).
Sự kiện càng trở nên giật gân hơn nữa khi thiên thạch này hoàn toàn không được các nhà khoa học hay biết cho đến khi nó bất ngờ rơi xuống ở mức độ gần hành tinh xanh nhất, cùng thời điểm khi mà giới khoa học đang quan sát một thiên thạch khác là 2012 DA 14! Và thế là nó biến thành một hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan nghiên cứu khoa học, lãnh đạo các quốc gia. Các chính trị gia liền nhảy vào kêu gọi tìm kiếm các biện pháp phòng thủ thiên thạch. Nên nhớ rằng trước đó rất nhiều lần giới khoa học cũng đã từng cảnh báo hiểm họa thiên thạch nhưng chẳng ai thèm để ý.
Xác suất vô cùng nhỏ
Những vụ nổ thiên thạch có sức công phá đáng sợ nhưng nó không phải là một “tên sát nhân”. Một phần là vì những thiên thạch với kích thước chừng 10 m như thế chỉ rớt xuống trái đất mỗi 10 năm và hầu hết đều bốc cháy dưới bầu khí quyển, vỡ thành từng mảnh nhỏ, rớt xuống biển hay các vùng hoang vắng. Hiếm khi chúng rớt xuống và nổ tung dưới mặt đất. Trong toàn bộ lịch sử loài người thì những sự kiện như Chelyabinsk xảy ra chỉ mỗi 100 năm.
Một bằng chứng xác thực hơn là trong toàn bộ lịch sử loài người, chưa bao giờ có cái chết nào bởi thiên thạch được ghi lại, kể cả trong vụ nổ ở Tunguska. Khi một thiên thạch va chạm vào trái đất (chứ không phải phát nổ trên không), nó cũng chỉ san bằng một khoảng rừng Serbia và không làm ai bị thương. Chính vì thế, hiểm họa thiên thạch nên được xem như một tai nạn mang tính tự nhiên với xác suất còn nhỏ hơn xác suất bị sét đánh, sóng thần hay động đất. Thậm chí, tỉ lệ tử vong bởi thiên thạch rớt xuống còn nhỏ hơn tỉ lệ tai nạn giao thông đến vài ngàn lần.
Theo Xuân Hạo / Người Lao Động
>> Đối phó hiểm họa thiên thạch
>> Tại sao radar Nga không phát hiện thiên thạch?
>> Thiên thạch Nga lớn hơn dự đoán
>> Phòng thủ thiên thạch: không dễ!
>> Phát hiện mảnh vỡ thiên thạch ở Nga
>> Nga giải quyết hậu quả vụ nổ thiên thạch
>> Mỹ bị tố gây mưa thiên thạch
Bình luận (0)