Câu chuyện tăng trưởng kinh tế thấp là chủ đề được đa số đại biểu đề cập khi Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách vào chiều qua (25.5).
tin liên quan
Thủ tướng tái khẳng định kiên trì mục tiêu tăng trưởng GDPChiều tối 22.5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về các kịch bản tăng trưởng năm 2017.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tỏ ra lo ngại trước việc kinh tế tăng trưởng chậm khi dẫn chứng, tăng trưởng GDP năm 2016 không bằng năm 2015. Còn quý 1/2017 thì lại không bằng quý 1/2016. "Quý 1 này đang bừng bừng khí thế vậy, tình hình thuận lợi hơn hẳn năm ngoái khi không bị thiên tai, sự cố Formosa thì đã cơ bản khắc phục... Thiên thời, địa lợi, nhân hòa vậy, mà sao tăng trưởng kinh tế vẫn thấp, sao GDP chưa chịu tăng theo?”, bà Ngân đặt câu hỏi và cho biết thêm đây là vấn đề mà khi thảo luận trong Ủy ban TVQH cũng đã được đặt ra.
Dẫn một số nhận định của chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng, tình hình kinh tế VN sẽ cải thiện dần lên song Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn không khỏi lo âu. "Quý 1 cứ 10 doanh nghiệp ra đời thì 9 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, trong khi sức lan tỏa của khối FDI chưa lớn, chuyển giao công nghệ còn chậm; tăng trưởng kinh tế vẫn dựa vào đầu tư theo chiều rộng và muốn đạt GDP thì lại đặt ra vấn đề khai thác thêm vài triệu tấn dầu, bán tài nguyên. Kinh tế muốn phát triển bền vững thì những biện pháp như giải cứu dưa hấu, giải cứu thịt heo vừa qua sao cứu được nền kinh tế", Chủ tịch QH bày tỏ.
Tại đoàn Quảng Ngãi, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng nhắc lại câu chuyện giải cứu thịt heo với một tinh thần không lấy gì làm thoải mái. Ông cho hay ngay từ đầu năm 2016, Bộ đã cảnh báo ngành nông nghiệp và các địa phương về việc tăng đàn trong khi xuất khẩu tiểu ngạch gặp khó, còn xuất khẩu chính ngạch chưa thể mở cửa với Trung Quốc do VN chưa công bố được là không có dịch lở mồm long móng.
"Đây là hệ quả của công tác tổ chức sản xuất", ông Tuấn Anh nói và cho biết cụ thể ngành công thương đã gửi tổng cộng 11 văn bản nhắc nhở các địa phương, đồng thời cảnh báo trong các cuộc họp của T.Ư, của Chính phủ. Bộ trưởng Công thương cũng nhấn mạnh, đặc điểm mới đáng chú ý nhất của thương mại thế giới là gia tăng bảo hộ nội địa nên tăng trưởng xuất khẩu sẽ khó khăn. Do vậy, nếu không tổ chức sản xuất tốt, nâng cao chất lượng sản phẩm thì dù có mở thêm thị trường, thuế suất giảm cũng chưa chắc vào được khi vấp phải hàng rào kỹ thuật, và câu chuyện trứng gà xuất khẩu là minh chứng tiếp theo.
Chính phủ sẽ điều hành đạt các chỉ tiêu
Tại đoàn Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành phần lớn thời lượng phát biểu để lý giải về các chỉ số tăng trưởng kinh tế. Theo người đứng đầu Chính phủ, một trong những nguyên do quan trọng đầu tiên khiến GDP quý 1 đạt thấp là việc giảm khai thác dầu thô. "Thứ hai, sự cố Galaxy Note 7 nổ nên không ai muốn mua đã khiến Samsung mất 1 tỉ USD, điều này tương đương GDP mất thêm 0,5%. Hai cái này làm ảnh hưởng đến tăng trưởng quý 1. Đây là nguyên nhân khách quan mà chúng ta cần có phân tích kỹ lưỡng", Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ nguyên nhân khách quan đến từ việc giải ngân vốn đầu tư chậm vì thủ tục phức tạp. "Tuy nhiên, vấn đề này đã được chỉ đạo mạnh mẽ hơn để giải ngân vốn là một yếu tố quan trọng góp phần tăng trưởng cùng với các kịch bản tăng trưởng khác", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đồng thời thông tin rằng, tại cuộc họp đưa ra các kịch bản tăng trưởng đầu tuần này, Chính phủ đã tính toán với từng yếu tố, mặt hàng cụ thể nhằm thúc đẩy kinh tế.
"Ví dụ nông nghiệp phải đạt tăng trưởng 3,5%, du lịch phải tăng 30%, đặc biệt, sản xuất công nghiệp, trong đó, điện tử đang tăng trên đà tốt. Tháng 4, 5 tình hình tăng trưởng tốt hơn quý 1, hy vọng là trừ yếu tố bất khả kháng thì năm nay Chính phủ sẽ điều hành đạt các chỉ tiêu mà T.Ư Đảng, QH giao", Thủ tướng nói.
Câu chuyện sự cố của Samsung cũng được chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân dẫn ra để lý giải một phần nguyên nhân khiến GDP quý 1 không đạt mục tiêu. "Đây là một cảnh báo về việc nền kinh tế dựa vào các tập đoàn lớn của nước ngoài. Khi họ có rủi ro, lập tức tác động GDP đến kinh tế vĩ mô của VN. Đồng tình việc cần nâng cao độc lập tự chủ trong kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân", đại biểu Ngân lưu ý.
Ông Ngân cũng cho rằng, có những nguyên nhân có thể khắc phục được. "Đó là việc giải ngân đầu tư công chậm, chỉ đạt 19,2% dự toán. Con số này là mức rất thấp vì trước nay giải ngân đầu tư công thường rất nhanh. Dự án metro đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên của TP.HCM đang cần 5.400 tỉ đồng nhưng vừa qua chỉ có hơn 2.100 tỉ đồng được giải ngân là một ví dụ", ông Ngân dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, câu hỏi cần đặt ra là có nhất thiết quá tập trung vào chỉ số GDP hay không. "GDP muốn tăng 8% cũng được nhưng cái giá phải trả là gì? Ví dụ như vấn đề môi trường, con người. Trung Quốc đã phải trả giá đắt cho suốt 30 năm tăng trưởng cao, vậy ta có nên bình tĩnh đánh giá lại", ông Nghĩa đặt vấn đề và đề nghị Chính phủ cần giải trình thêm về sự lựa chọn tăng trưởng của mình. "Nếu tăng trưởng 6,3% nhưng hiệu quả cao, hiệu quả tốt, chăm sóc về mặt xã hội tốt hơn, bảo vệ tài nguyên, môi trường thì người dân cũng hoan nghênh", ông Nghĩa nói.
Tốc độ tăng nợ công gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP
Sáng 25.5, báo cáo trước phiên họp toàn thể của QH khi trình bày Tờ trình về dự luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trong giai đoạn 2010 - 2016, Chính phủ đã phát hành trên 1.277 nghìn tỉ đồng trái phiếu với tốc độ tăng bình quân 36%/năm; huy động được khối lượng lớn vốn ODA, ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài với tổng trị giá cam kết đạt 36,6 tỉ USD. Chính phủ cũng đã thực hiện bảo lãnh cho các doanh nghiệp, ngân hàng chính sách huy động 632,8 nghìn tỉ đồng.
Ngoài ra, chính quyền địa phương đã huy động 139 nghìn tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu, vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Báo cáo cho hay đã có sự gia tăng đáng kể dư nợ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài khi đến năm 2015 đã tăng 6,5 lần so với năm 2001.
Trong khi đó, tại Tờ trình dự kiến chương trình giám sát báo cáo QH, Ủy ban Thường vụ QH cũng lo ngại nợ công có xu hướng tăng nhanh cả về quy mô và tốc độ. Nợ công tính đến năm 2015 là 2.608 nghìn tỉ đồng, bằng 62,2% GDP. Tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18,4%/năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP; tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP tăng từ 39,3% năm 2011 lên 50,3% năm 2015.
Đặc biệt, chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP năm 2015 là 50,3% đã vượt giới hạn trần cho phép (50%). Ủy ban Thường vụ QH cảnh báo các chỉ số về nợ công tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cho phép nếu tính cả các khoản nợ khác của ngân sách nhà nước, các khoản nợ có khả năng chuyển đổi thành nợ công, có nguy cơ ảnh hưởng tới tính bền vững của nợ công, tác động tiêu cực đến cân đối ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Mức dư nợ công được tính theo báo cáo chưa bao gồm các khoản nợ có tính chất nợ công, các khoản nợ khác của ngân sách nhà nước như nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho 2 ngân hàng chính sách, nợ khối lượng xây dựng cơ bản...
Nếu tính đủ các khoản này thì thực chất dư nợ công sẽ tiệm cận hoặc vượt giới hạn cho phép. Ngoài ra, các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước về nguyên tắc thuộc nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của doanh nghiệp song trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ rất có thể sẽ chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ chuyển thành nợ chính thức của Chính phủ, tạo thêm áp lực cho ngân sách.
Chí Hiếu
|
Bình luận (0)