Thiết bị khai thác Bitcoin dồn dập chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ

23/06/2021 21:04 GMT+7

Các hãng vận chuyển của Trung Quốc đang bận rộn với những chuyến hàng nặng hàng tấn thiết bị khai thác Bitcoin khi Bắc Kinh tiếp tục đẩy các nhà khai thác ra khỏi nước.

Fenghua International Transportation, một công ty hậu cần có trụ sở tại Quảng Châu, chuyên vận chuyển hàng tấn hàng hóa đi khắp thế giới, đang sẵn sàng vận chuyển 3 tấn thiết bị khai thác Bitcoin. Gần đây, công ty đăng một video trên WeChat cho thấy cảnh đang chất hàng trăm thùng đựng máy khai thác Bitcoin lên một chiếc xe tải hướng đến một sân bay ở Trung Quốc. Trong video, công ty này nói rằng lô hàng sẽ đến Mỹ sau 4 đến 6 ngày. Một nhân viên bán hàng của Fenghua tiết lộ đoạn video đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, nhưng công ty đã tự nguyện xóa nó khỏi internet vào hôm 22.6.
Mặc dù luôn có quan điểm cứng rắn chống lại tiền điện tử, coi chúng là yếu tố có khả năng gây bất ổn, nhưng Trung Quốc đã chấp nhận việc khai thác Bitcoin một thời gian. Cho đến gần đây, nước này mới bắt đầu tăng cường đàn áp, do hoạt động khai thác phụ thuộc quá nhiều vào nguồn điện giá rẻ và gây ảnh hưởng đến môi trường, điều vốn mâu thuẫn với cam kết của Trung Quốc là giảm ít nhất 65% lượng khí thải carbon vào năm 2030 so với mức năm 2005, và sau đó đạt được trung hòa carbon vào năm 2060.
Khai thác tiền điện tử đòi hỏi lượng điện khổng lồ để chạy các máy chủ lớn có chức năng thực hiện những tính toán phức tạp cần thiết cho các giao dịch tiền điện tử, cũng như điều hòa không khí để làm mát các máy chủ này. “Trong khi Trung Quốc luôn tỏ quan điểm tiêu cực rõ ràng của họ đối với việc mua, bán và giao dịch Bitcoin, thì việc khai thác Bitcoin lại luôn được chấp nhận. Tuy nhiên, điều đó giờ đã thay đổi. Hoạt động khai thác tiền điện tử đang được chuyển ra nước ngoài”, Henri Arslanian, lãnh đạo tiền điện tử toàn cầu tại công ty kiểm toán PwC, nói.
Trung Quốc là nơi khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới tính theo tỷ lệ băm (hash rate), một thước đo tổng công suất tính toán được sử dụng để hỗ trợ mạng Bitcoin, với tổng công suất chiếm khoảng 65% vào tháng 4.2021, dựa theo ước tính mới nhất từ Chỉ số tiêu thụ điện Bitcoin của Cambridge. Tuy nhiên, cuộc đàn áp hoạt động khai thác Bitcoin của Bắc Kinh đã khiến sức mạnh toàn cầu của mạng Bitcoin giảm 50% kể từ tháng 4.2021.
Một số nhà phân tích cho rằng đây là điều đáng lo ngại. “Từ việc tập trung khai thác quá nhiều ở Trung Quốc, cho đến không khai thác ở Trung Quốc đều diễn ra rất quyết liệt”, David Lee Kuo Chuen, Giáo sư tài chính tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, nhận xét.

Bitcoin lại rớt giá sau khi Trung Quốc kiểm soát chặt

Theo Reuters, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm 21.6 ra lệnh cho các ngân hàng, bao gồm bốn ngân hàng thương mại quốc doanh và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động hàng đầu đại lục Alipay, cắt đứt tất cả giao dịch liên quan đến Bitcoin.
Những người ủng hộ tiền điện tử tuyên bố việc khai thác có thể được thực hiện bằng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nhưng theo ông Pete Howson, giảng viên cấp cao tại Đại học Northumbria ở Anh, các thợ đào sẽ có xu hướng luôn tìm kiếm nguồn năng lượng rẻ nhất để duy trì sức cạnh tranh với các thợ đào khác.
Ở diễn biến khác, một số người ở Mỹ xem cuộc đàn áp của Trung Quốc là cơ hội. Thị trưởng Miami Francis X Suarez đã thuyết phục các công ty tiền điện tử, nói rằng Miami có thể là trung tâm cho các trại khai thác tiền điện tử với nguồn năng lượng hạt nhân dồi dào. Theo ông Francis X Suarez, sự tập trung trước đây của các cơ sở khai thác tiền điện tử ở Trung Quốc là mối đe dọa đối với Mỹ và việc di cư hiện tại của các thợ đào Bitcoin là cơ hội để bắt kịp.
Nhà đầu tư Balaji S Srinivasan ở Thung lũng Silicon gần đây viết trên Twitter rằng cuộc đàn áp ở Trung Quốc chỉ đơn giản là cho phép các cơ sở khai thác Bitcoin chuyển đến các quốc gia khác, điều này thích hợp hơn trước khi một cuộc phong tỏa tiềm năng Great Firewall của Trung Quốc diễn ra.
“Tôi nghĩ rằng một cuộc tấn công Great Firewall vẫn có khả năng xảy ra vào một thời điểm nào đó. Và sẽ tốt hơn rất nhiều nếu hầu hết, hoặc tất cả, hoạt động khai thác thoát khỏi Trung Quốc trước khi điều đó xảy ra”, Balaji S Srinivasan viết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.