Trang ScienceDaily ngày 18.2 đưa tin các nhà khoa học tại Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ) vừa chế tạo thiết bị dùng các protein tự nhiên để tạo điện năng từ hơi ẩm trong không khí, công nghệ có thể ứng dụng trong tương lai nhằm phát triển nguồn năng lượng sạch và giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Thiết bị được 2 chuyên gia Jun Yao và Derek Lovley chế tạo có tên là “Air-gen” từ những sợi nano dẫn điện từ vi khuẩn Geobacter. Thiết bị kết nối các điện cực với những sợi nano theo cách có thể tạo ra dòng điện khi đưa vào môi trường có hơi ẩm tự nhiên. “Căn bản chúng tôi tạo ra điện từ không khí. Air-gen tạo ra dòng điện sạch 24/7, đây là ứng dụng kỳ diệu và thú vị nhất của sợi nano protein cho đến nay”, theo ông Loveley.
Công nghệ mới không gây ô nhiễm, có thể tái tạo, chi phí thấp và có thể tạo ra dòng điện tại những nơi có độ ẩm cực thấp như sa mạc Sahara. Bên cạnh đó, nó còn vượt trội hơn điện mặt trời và điện gió vì có thể hoạt động ngay trong nhà. Air-gen gồm một lớp mỏng các sợi nano protein chưa đến 10 micron, bên dưới tiếp xúc hoàn toàn với một điện cực và bên trên tiếp xúc một phần với điện cực khác, giúp sản sinh ra dòng điện khi đặt vào môi trường không khí có hơi ẩm.
Các chuyên gia cho biết Air-gen hiện có thể cấp điện cho các thiết bị điện tử nhỏ và họ hy vọng sẽ sớm thương mại hóa phát minh này. Bước tiếp theo là phát triển tấm Air-gen có thể cấp nguồn cho các thiết bị điện tử di động như đồng hồ thông minh và thiết bị theo dõi sức khỏe cá nhân. Nhóm nghiên cứu còn hy vọng sẽ ứng dụng để chế tạo điện thoại di động không cần sạc pin.
Bình luận (0)