Tết Nguyên đán Ất Mùi, công chức, viên chức được nghỉ 9 ngày, lễ 30.4 và 1.5 tới đây sẽ được nghỉ 6 ngày. Mấy năm gần đây, chuyện cho phép nghỉ lễ, tết dài ngày luôn được khuyến khích. Nhưng ở một góc độ khác, việc này lại khiến không ít người đau đầu…
Bến xe Miền Đông TP.HCM chật như nêm ngày nghỉ lễ - Ảnh: Trung Hiếu
|
Người viết từng nhiều lần bàn về tác hại của các kỳ nghỉ lễ, tết dài ngày, nhưng vì không có số liệu nên nhiều bạn phản bác là chúng ta không thiệt hại gì do nền kinh tế được kích cầu. May thay, mới đây, một tờ báo nước ngoài đã phân tích và đưa ra những số liệu cụ thể về số tiền thế giới mất đi vì những ngày nghỉ dài ngày (1).
Theo tờ báo này, nước Anh mất tới 19 tỉ bảng, tức là gần 28,5 tỉ USD mỗi năm vì kỳ nghỉ Bank Holiday kéo dài 9 ngày. Nhà nghiên cứu kinh tế Douglas McWilliams phân tích: "Khoảng 45% thành phần trong nền kinh tế sẽ chịu tác động. Các văn phòng, nhà máy, công trường đều bị ảnh hưởng khi người dân nghỉ làm dịp Bank Holiday. Chỉ khoảng 15% nền kinh tế, trong đó có các cửa hiệu, bar, nhà hàng hay điểm du lịch là hoạt động tốt”.
Nước liền kề chúng ta là Trung Quốc, quốc gia có số ngày nghỉ lễ khá tương đồng Việt Nam, với hai kỳ nghỉ dài là Tết Nguyên đán và Quốc khánh. Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney đã nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này cho thấy, GDP Trung Quốc giảm 25% quý I mỗi năm do Tết Nguyên đán. Phó giám đốc viện là ông James Laurenceson, người trực tiếp nghiên cứu đã thốt lên: "Khi nói đến Trung Quốc, chẳng gì có tác động mạnh hơn Tết Nguyên đán đâu".
Số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Điện tử và Bán dẫn Philippines (SEIPI) cho biết năm 2014, các ngày nghỉ lễ của Philippines đã khiến ngành điện tử thiệt hại 1,2 tỉ peso (26,7 triệu USD) mỗi ngày. Tổng cộng năm ngoái, ngành này mất 533,9 triệu USD cho 20 ngày nghỉ lễ. "Những thiệt hại này là rất đáng quan tâm, do ngành điện tử tạo ra hơn 1,89 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đóng góp hơn 40% xuất khẩu của cả nước", tổ chức phi lợi nhuận Makati Business Club (MBC) của nước này cho biết.
Ông Hans Sicat - Tổng giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán Philippines cũng đề nghị Chính phủ nước này ngừng bổ sung nghỉ lễ, do số ngày giao dịch giảm đi sẽ "gây ra rất nhiều vấn đề về logistics", các công ty sẽ chịu chi phí lớn hơn và khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ cũng giảm sút.
Tôi chưa có số liệu của các nước khác nhưng tôi tin rằng bất cứ quốc gia nào cũng đều bị thiệt hại bởi các kỳ nghỉ dài ngày. Các nước công nghiệp lẫn các nước đang phát triển hay chưa phát triển.
Nhiều nhà làm luật trên thế giới đang tìm cách làm giảm số ngày nghỉ của quốc gia họ nhằm giữ nhịp phát triển của nền kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam liên tục tìm cách tăng thêm các ngày nghỉ. Trong khi kinh tế chưa phát triển, nhiều năm trước chúng ta đã áp dụng nghỉ làm việc vào ngày thứ bảy, sau đó kéo dài ngày nghỉ tết Nguyên đán, từ 4 ngày lên 5, rồi lên 6-7-8 và mới đây là 9 ngày. Tương tự như thế, kỳ nghỉ 30.4 và 1.5 cũng luôn bị tìm cách gộp lại để tăng thời gian nghỉ cho công chức, viên chức.
Đất nước chúng ta còn nghèo, kinh tế nhiều vùng vẫn còn khó khăn, thậm chí nhiều nơi vẫn còn thiếu lương thực. Vậy phải chăng chúng ta đã có tư tưởng hưởng thụ quá sớm, luôn muốn kéo dài các kỳ nghỉ và ngụy biện rằng nghỉ để kích cầu tiêu dùng? Kích cầu được chừng 15 - 20% nhưng ảnh hưởng đến 40 - 50% nền kinh tế thì kích cầu để làm gì?
Bình luận (0)