Thiết kế - mỹ thuật - kiến trúc: Không phải là ngành học để làm ngày 8 tiếng

16/03/2022 07:15 GMT+7

Thiết kế - mỹ thuật - kiến trúc là ngành có những đặc thù và ngày càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Tuy nhiên, ngoài đam mê, để theo học khối ngành này, còn cần những yếu tố gì?

Chia sẻ cụ thể hơn thông tin về ngành học này, chiều 15.3, Báo Thanh Niên đã tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Chọn ngành học cho tương lai: Học kỹ thuật thiết kế - mỹ thuật - kiến trúc có cần năng khiếu?”. Chương trình diễn ra ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.

Không có năng khiếu, học được không ?

Thạc sĩ nghệ thuật thị giác Đào Chí Đắc, Phó trưởng khoa Truyền thông - thiết kế Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết đây là ngành học đặc thù liên quan nhiều đến yếu tố thị giác, sự sáng tạo. Trong đó có nhiều ngành nghệ thuật ứng dụng như nội thất, thiết kế công nghiệp, thời trang… Nhưng theo ông, vẫn còn nhiều phụ huynh nghĩ con mình phải có năng khiếu mới theo những ngành này. “Năng khiếu là yếu tố chúng ta khó nói được một người có bao nhiêu phần trăm nhưng đam mê lại là yếu tố quyết định rất lớn”, ông Đắc chia sẻ và cho rằng sáng tạo, sự tự tin… cũng là một trong những yếu tố mang tính “chìa khóa” khi theo học khối ngành đặc thù thiết kế - mỹ thuật - kiến trúc.

Các chuyên gia cung cấp nhiều thông tin cần thiết cho thí sinh theo học khối ngành kỹ thuật thiết kế - mỹ thuật - kiến trúc

LÊ THANH HẢI

Dưới góc nhìn của một người chuyên ngành về thiết kế công trình, PGS-TS Nguyễn Trọng Phước, Trưởng khoa Xây dựng, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng để hình thành được một công trình sẽ cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, ý tưởng thiết kế đồ họa được xem là bước đầu tiên. Khối ngành đặc thù thiết kế - mỹ thuật - kiến trúc như một công trình vừa có yếu tố kỹ thuật vừa có mỹ thuật.

PGS-TS Phạm Thành Dương, Phó khoa kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, nêu ra những yếu tố cần thiết để học khối ngành này: “Đầu tiên phải là người yêu thích cái đẹp. Ngoài ra người học cần có kiến thức về toán, vật lý. Bên cạnh đó còn cần tư duy tổng hợp khác nữa”.

Theo thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm thông tin - truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, khi theo học khối ngành đặc thù thiết kế - mỹ thuật - kiến trúc thì khả năng tiếp nhận hình ảnh, màu sắc rất quan trọng. “Đây là ngành học đặc thù, do vậy khi theo đuổi ngành này bạn đừng chấp nhận việc ngày làm 8 tiếng… Ngành không có giới hạn nào cả. Có thể bạn sẽ phải thức thâu đêm để hoàn thành một bản vẽ, thiết kế. Cũng có thể mất rất nhiều thời gian để làm ra một sản phẩm, và thường thì mỗi thiết kế sẽ có một đặc trưng riêng”, thạc sĩ Ngọc Bích chia sẻ.

Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay sự kiên trì và cần cù trong học tập, rèn luyện là rất quan trọng để theo học khối ngành này.

Thạc sĩ, kiến trúc sư Từ Phú Đức, Trưởng khoa Thiết kế và nghệ thuật Trường ĐH Hoa Sen, cũng cho rằng năng khiếu quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định. “5 năm trước chúng tôi có thi xét tuyển năng khiếu, nhưng hiện tại đã không còn. Vì chúng tôi nghĩ ai cũng có tiềm năng, thông qua xét tuyển, phỏng vấn, chúng tôi nhận thấy điều đó sẽ đào tạo vì triết lý giáo dục của chúng tôi là tôn trọng sự khác biệt, giáo dục khai phóng”, ông Đức nói.

Đồng quan điểm này, thạc sĩ Lương Xuân Hiếu, quyền Trưởng khoa Kiến trúc và mỹ thuật ứng dụng Trường ĐH Duy Tân, chia sẻ năng khiếu là điều kiện cần. Hiện nhiều ĐH lớn ở châu Âu, Mỹ cũng không còn thi năng khiếu môn vẽ đầu vào nữa. “Tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất, để học và thành công với ngành này, đó chính là sự đam mê, nhiệt huyết”, ông Hiếu nói.

Các trường đào tạo thế nào ?

Khi theo học nhóm ngành này, thạc sĩ Đào Chí Đắc cho biết những năm đầu sinh viên được tiếp cận những môn mỹ thuật cơ bản, các môn học đại cương… để nắm bắt chung được kiến thức xã hội, ngôn ngữ. Sau đó ở năm 3, 4 các em có thể chọn theo học chuyên ngành như thiết kế nội thất, đồ họa, âm nhạc, truyền hình…

Còn tại Trường ĐH Việt Đức, theo PGS-TS Phạm Thành Dương, có khoảng 80% môn học của trường ứng dụng chương trình học của ĐH Khoa học ứng dụng Anhalt (Đức) và do giáo sư đến từ trường này giảng dạy.

Khi theo học tại trường, sinh viên sẽ được thi đầu vào và học bằng tiếng Anh, toán, vật lý… trong năm đầu tiên. Những năm sau đó, khi sinh viên đã có khả năng tiếng Anh vững thì học theo sát chương trình và nhận bằng của ĐH Anhalt bên Đức.

Ý kiến

“Năng khiếu là yếu tố chúng ta khó nói được một người có bao nhiêu phần trăm nhưng đam mê lại là yếu tố quyết định rất lớn khi theo học khối ngành thiết kế - mỹ thuật - kiến trúc”.

Thạc sĩ nghệ thuật thị giác Đào Chí Đắc

“Những yếu tố cần thiết để học khối ngành này là phải yêu thích cái đẹp. Ngoài ra người học cần có kiến thức về toán, vật lý. Bên cạnh đó còn cần tư duy tổng hợp khác”.

PGS-TS Phạm Thành Dương

“Đây là ngành không có giới hạn nào cả. Có thể bạn sẽ phải thức thâu đêm để hoàn thành một bản vẽ, thiết kế. Cũng có thể mất rất nhiều thời gian để làm ra một sản phẩm, và thường thì mỗi thiết kế sẽ có một đặc trưng riêng”.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích

“Để theo học thì người học phải có những tố chất nhất định, trong đó kiến thức toán học, vật lý… khá quan trọng”.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.