Thiết lập lại kỷ cương, kỷ luật trong thu chi ngân sách

30/10/2014 07:00 GMT+7

Thực trạng yếu kém trong quản lý thu, chi ngân sách từ trung ương xuống địa phương được phản ánh khá rõ nét trong những ý kiến phát biểu của nhiều ĐBQH khi góp ý dự án luật Ngân sách nhà nước sửa đổi tại phiên họp tổ hôm qua (29.10). Từ đó, nhiều giải pháp được các đại biểu đề xuất.

Đại biểu  Đặng Đình Luyến phát biểu thảo luận luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) tại phiên họp tổ
Đại biểu Đặng Đình Luyến phát biểu thảo luận luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) tại phiên họp tổ - Ảnh: Ngọc Thắng

Những nguyên tắc cần thiết

Theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, có rất nhiều vấn đề nảy sinh trên thực tế mà cần phải sửa luật Ngân sách nhà nước (NSNN) để xử lý. Ví dụ vấn đề ứng trước cho các khoản đầu tư, theo Phó chủ tịch, đây không phải những khoản dự toán ngân sách. “Chính phủ thường ứng trước cho kế hoạch năm sau khiến sau đó QH buộc phải cho làm. Thực tế nhiều tỉnh, thành phố cứ làm rồi xin tạm ứng, ứng trước... Cho nên, luật NSNN phải thiết lập lại kỷ cương, kỷ luật trong thu, chi ngân sách, đề ra những nguyên tắc cần thiết để quản lý chắc chắn hơn”, bà Ngân nêu quan điểm.

Một vấn đề thực tế khác nữa, theo bà Ngân là tình trạng chi chuyển nguồn hoặc sử dụng vốn dự phòng. “Hiện nay, nếu không cho chi chuyển nguồn thì được cho là cứng nhắc vì địa phương đôi khi cũng có lý do này, khác. Có dự án, công trình đã ứng vốn rồi, bố trí vốn rồi lại sử dụng vốn cho công trình mới. Còn dự phòng, lẽ ra chỉ chi cho phòng chống thiên tai, dịch bệnh… nhưng rồi cũng chi nhiều cho nội dung khác. Những điều này là bất cập nên Chính phủ đã phải chấn chỉnh lại trong chương trình tái cơ cấu đầu tư công”, bà Ngân nói.

ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cũng nhìn nhận “không thể không cho chi chuyển nguồn nhưng cho chuyển nguồn tràn lan như hiện nay thì khó phản ánh tất cả các khoản bội chi ngân sách” và đề xuất: “Ngay trong dự án luật lần này, cần phải có quy định cụ thể, trường hợp nào mới cho chi chuyển nguồn”.

Cũng về vấn đề trên, ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nêu ý kiến: “Có nơi xin ứng vốn trước 2 - 3 năm, có nơi ứng trước 2 - 3 tháng nhưng làm 6 tháng đã hết vốn. Nơi nào cũng làm như vậy thì quản lý không chuẩn. Cho nên, nếu còn chấp nhận việc ứng vốn thì phải quy định tỷ lệ phần trăm thế nào cho phù hợp nếu không cấp trên cũng không ứng vốn cho đủ”. ĐB này còn cho rằng dự phòng ngân sách không nên quá nhiều, chỉ để ở mức 1-3% vì “Nếu  để dự phòng ngân sách cao quá, dẫn đến tình trạng xin dự toán khó nhưng chuyển qua xin dự phòng lại dễ. Theo tôi, để mức dự phòng ngân sách như dự kiến 25% là quá cao”.

Ban hành luật Ngân sách nhà nước thường niên

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và ngân sách của QH về dự án luật NSNN (sửa đổi) đưa ra phương án xây dựng dự án luật Quản lý NSNN làm luật khung, quy định những nguyên tắc điều hành NSNN cơ bản và QH sẽ ban hành luật NSNN hằng năm như ở nhiều nước trên thế giới, thay cho việc ban hành nghị quyết về phân bổ NSNN hiện hành. Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến: “Xây dựng luật ngân sách theo hướng này là tiến bộ, làm rõ hơn thẩm quyền của QH, nhưng điều kiện ở VN đã thực hiện được chưa là một vấn đề phải bàn”.

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) dứt khoát: “Hầu như các nước đều làm ngân sách hằng năm, luật hằng năm, giá trị pháp lý cao và thực hiện tốt hơn. Ta năm nào cũng thông qua nghị quyết về ngân sách nhưng không năm nào thực hiện đúng nghị quyết. Ta mạnh dạn lên chứ cứ để mãi không biết bao giờ thay đổi. Rất nên làm các luật phân bổ ngân sách hằng năm”. ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) tán thành: “Để đảm bảo thực quyền cho ĐB dân cử, cần ban hành luật ngân sách thường niên”. Bà Minh lấy ví dụ: “Như Đan Mạch, mỗi năm QH của họ dành 10 ngày, bấm nút 300 lần để phân bổ ngân sách. Quản lý ngân sách muốn cho hiệu quả thì ta cũng nên làm luật như vậy chứ hiện nay, ban hành nghị quyết (phân bổ NSNN) là chưa đáp ứng được” và đề nghị: “Cần có luật riêng, vị trí pháp lý cao hơn, bài bản hơn, đảm bảo quản lý ngân sách tốt hơn, nâng cao vai trò của QH”.

Chấn chỉnh việc Thu phí, lệ phí tràn lan

Theo nhiều ĐBQH, hiện nay việc thu phí, lệ phí vẫn tràn lan và việc sử dụng quỹ tùy tiện nên luật NSNN (sửa đổi) cần phải quy định rõ hơn để chấn chỉnh tình trạng này. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) bức xúc: “Hiện nay tùm lum các quỹ để ngoài ngân sách. Ông thì bảo có 600 quỹ, ông thì bảo 400 quỹ mà mỗi quỹ bao nhiêu tiền không biết. Phân tán nguồn lực nhưng trình ra QH mà lại không có tài liệu để ĐBQH nghiên cứu những vấn đề bất cập như vậy”. Còn ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nêu thực tế: “Đưa báo cáo tài chính các đơn vị quốc phòng, an ninh vào kiểm toán là đúng. Cái gì cũng đưa bí mật nhà nước cả thì không ổn, phải phân loại. Tôi từng đi đoàn giám sát của HĐND các khoản thu của công an, tiền giao thông mà bảo là bí mật lực lượng vũ trang, cứ bảo không động được vào là thôi. Nếu cứ chốt là vấn đề liên quan đến bí mật nhà nước thì không kiểm toán được đâu”.

Theo ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa): “Hiện nước ta có trên 50 loại phí, lệ phí mà việc quản lý quỹ thu từ các khoản này không rõ, nhiều cơ quan có quỹ và sử dụng có nơi tùy tiện. Do đó, luật NSNN phải quy định rõ cách thức quản lý, sử dụng thế nào tránh trùng lặp, thất thoát, phân tán”. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị: “Các khoản thu, phí, lệ phí nên nộp 100% vào NSNN, hoàn toàn không nên để lại và cũng không nên ghi thu, ghi chi. Thu về xổ số và tiền sử dụng đất nên tính về thu NSNN rồi phân bổ”.

Chậm, hủy chuyến bay phải bồi thường hành khách

Đây là một trong những điều khoản được đưa vào dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Hàng không dân dụng (HKDD) VN.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH trình QH hôm qua (29.10), luật HKDD quy định về quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển về việc bồi thường thiệt hại, chăm lo hành khách trong trường hợp chậm chuyến, hủy chuyến. Tuy nhiên, luật hiện hành thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) về các điều kiện vận chuyển, duy trì chất lượng tối thiểu của dịch vụ, tiêu chuẩn tối thiểu mà DN phải bảo đảm cho hành khách.

Do vậy, dự thảo luật đã quy định trong trường hợp do lỗi của người vận chuyển, hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển hoặc chuyến bay bị hủy hoặc bị chậm kéo dài mà không được người vận chuyển thông báo trước thì người vận chuyển phải trả một khoản tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách. Các quy định cụ thể về thời gian phải thông báo trước, thời gian chuyến bay bị chậm kéo dài và khoản tiền bồi thường sẽ do Bộ trưởng Bộ GTVT quy định cụ thể sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị trong quy định chống uy hiếp an ninh hàng không cũng cần có điều khoản ràng buộc trách nhiệm của nhân viên phi hành đoàn, ví dụ như sự cố đáp nhầm sân bay vừa qua. Còn ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng khi xây dựng sân bay mới, có thể dùng các sân bay cũ cho hàng không giá rẻ. Cũng theo ĐB Lịch, hiện có tình trạng giá vé đường bay ngắn, ví dụ từ TP.HCM đi Côn Đảo và nhiều nơi khác rất đắt.

ĐB Lịch cho biết ở nhiều nước cơ quan quản lý bắt buộc các hãng hàng không phải bay kèm cả đường dài và đường ngắn. “Có nghĩa là các anh được đường bay tốt, đường bay dài thì phải bay kèm cái ngắn, nhà nước không bù gì hết, các hãng tự phải bù và minh bạch cái đó. Còn ta thì quy định ông thì chuyên môn đường dài, ông thì chuyên môn đường ngắn và bắt các tuyến đường ngắn chịu giá cao. Đây là quan điểm quản lý điều tiết của nhà nước chứ không phải chuyện của các hãng hàng không”.

Trường Sơn

Mạnh Quân - Trường Sơn - Tuyết Mai

>> Ngân sách sẽ gánh gần 1.000 tỉ làm đường tránh cho xe bauxite?
>> Chi trả nợ quá lớn gây khó khăn cho cân đối ngân sách
>> Ngân sách tốn ngàn tỉ, dân vẫn khổ vì ngập
>> Quỹ ngoài ngân sách làm phân tán nguồn lực quốc gia
>> Lãng phí ngân sách phải bồi thường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.