Thiết thực vì môi trường

18/08/2022 04:09 GMT+7

Có những việc giản dị, dễ làm nhưng có thể mang ý nghĩa rất thiết thực, đóng góp hiệu quả cho công cuộc bảo vệ môi trường .

Ví như chuyện Vũng Tàu cấm sử dụng xà bông, dầu gội, hóa chất tại các trụ tắm nước ngọt công cộng xả nước ra biển.

Cứ nghĩ chút xà bông, dầu gội xả ra biển cả mênh mông có gì mà phải bận tâm. Cứ nghĩ mỗi người ném một mẩu rác nhỏ thì có đến nỗi gì cho môi trường đâu. Cứ nghĩ ném một túi rác nhỏ không phân loại vào thùng thì có vấn đề gì lắm đâu về xử lý rác. Nhưng rồi chính lối suy nghĩ đó đã dẫn đến những hệ lụy về ô nhiễm môi trường đến mức không thể cứu vãn.

Thử nhìn riêng hoạt động du lịch biển, mức độ xả thải gây áp lực lên môi trường khiến chúng ta giật mình. Kết quả khảo sát các tàu du lịch biển trên vịnh Bắc bộ cho thấy có tới 77% số tàu thải chất thải trực tiếp ra vịnh, chỉ có 20% số tàu mang chất thải vào bờ để xử lý. Tính riêng lượng chất thải phát sinh từ các tàu du lịch trên vịnh Bắc bộ đã ở mức trung bình 11,3 kg rác thải/tàu/ngày đêm.

Đó là chuyện rác có thể nhìn thấy để mà lo. Còn có những thứ “vô hình” mỗi ngày đầu độc biển chẳng khác gì “sát thủ âm thầm”. Nước thải ra biển mang theo dòng chảy của nó không ít chất gây ô nhiễm, gây hại nghiêm trọng cho môi trường. Kiểm soát tiêu chuẩn nước thải ra biển đang là vấn đề nóng của nhiều đô thị.

Chưa kể, nếu muốn có môi trường biển đạt tiêu chuẩn của bãi tắm du lịch thì còn phải khắt khe hơn. Vũng Tàu ra quy định cấm sử dụng xà bông, dầu gội và hóa chất ở các trụ tắm nước ngọt công cộng là rất có trách nhiệm với xã hội, với môi trường.

Trách nhiệm với xã hội là không đợi ai gây áp lực, không đợi ồn ào dư luận thì mới nghĩ tới chuyện giữ gìn môi trường biển sạch, biển đẹp cho người dân, cho du khách. Trách nhiệm với môi trường là dù những nguồn ô nhiễm “vô hình” như lượng hóa chất trong xà bông, dầu gội xả ra thì vẫn chủ động nhận biết để có biện pháp ngăn chặn.

Có quy định ban hành để ngăn chặn nguồn gây ô nhiễm rồi thì phải có biện pháp kiểm tra, kiểm soát, xử phạt để quy định được triển khai và đạt hiệu quả trong thực tế. Đó cũng là việc tiếp theo không quá khó để làm điều tốt cho môi trường.

Luôn có những điều rất giản dị, dễ làm, dễ triển khai từ ngay trong cung cách quản lý môi trường của cơ quan chức năng để gìn giữ môi trường sống chung. Chỉ cần các nhà quản lý sâu sát thực tế, đặt tâm ý của mình vào việc giữ gìn môi trường sẽ dễ dàng nhận ra điều cần làm. Chẳng phải lúc nào cũng cần đến lời hô hào “đao to búa lớn” rồi lại vì to lớn quá nên sau đó “đánh trống bỏ dùi”. Chính quyền hành động thiết thực như thế thì người dân cũng sẽ dễ noi theo để làm điều thiết thực cho môi trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.