Thiếu điện vì dự trữ than không đầy đủ

Nguyên Nga
Nguyên Nga
15/07/2023 07:04 GMT+7

Than cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện không đảm bảo đủ, các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện duy trì tình trạng tồn kho thấp kéo dài ảnh hưởng đến hệ thống điện huy động… là những nhận xét của Bộ Công thương trong kết luận thanh tra về quản lý, điều hành, cung cấp điện của Tập đoàn điện lực VN (EVN).

Nhiều nhà máy nhiệt điện duy trì mức tồn kho thấp kéo dài

Liên quan công tác chuẩn bị nhiên liệu sơ cấp (than, dầu, khí) cho sản xuất điện tại các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ), kết quả kiểm tra, xác minh của đoàn thanh tra ghi nhận: Hằng năm, EVN có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các tổng công ty phát điện (GENCO) 1, 2, 3 rà soát, xác định nhu cầu và chuẩn bị than cho sản xuất điện; phê duyệt kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng; triển khai thực hiện thí điểm đốt than trộn tại NMNĐ than… Tuy nhiên, quá trình triển khai chuẩn bị nguồn than của một số NMNĐ Hải Phòng, Vĩnh Tân 2 và 4, Duyên Hải 1 và 3, Uông Bí và các GENCO thực hiện không kịp thời, không đầy đủ theo chỉ đạo, dẫn đến tình trạng một số NMNĐ than tồn kho thấp kéo dài, không đảm bảo đủ than cho phát điện cục bộ ở một số thời điểm.

Thiếu điện vì dự trữ than không đầy đủ  - Ảnh 1.

Tình trạng thiếu điện thời gian qua một phần xuất phát từ thiếu dự trữ than

Độc Lập

Đáng lưu ý, các NMNĐ ký hợp đồng hằng năm với Tập đoàn than - khoáng sản VN (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc hầu hết phải hoàn thành trong tháng 1 hoặc tháng 12 năm trước. Thế nhưng, đến ngày 2.3.2022, kế hoạch than cho năm 2022 về thống nhất giá than pha trộn mới được EVN ban hành, dẫn đến thiếu than cục bộ tại một số tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, tổng sản lượng nguồn nhiệt điện than năm 2021 - 2022 đạt thấp hơn so với kế hoạch dẫn đến nhu cầu sử dụng than tại các nhà máy thấp hơn so với dự kiến. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu than cục bộ vào những tháng đầu năm 2022 được chỉ ra là do EVN chậm thỏa thuận giá than khiến TKV và Tổng công ty Đông Bắc chưa có cơ sở nhập khẩu than để pha trộn và cung cấp cho các NMNĐ trực thuộc EVN.

Trong 5 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng nguồn nhiệt điện than vượt 2,3% so với phương thức huy động điện tháng kế tiếp của Trung tâm điều hành hệ thống điện quốc gia (A0). Tuy vậy, sản lượng điện phát thực tế của một số NMNĐ than có sự dao động tăng, giảm lớn, gây khó khăn trong điều hành, chuẩn bị nhiên liệu than của các nhà máy. Việc huy động điện giảm so với kế hoạch và được duy trì trong khoảng thời gian dài (năm 2021 - 2022) đã ảnh hưởng đến sự chủ động việc thu xếp nhiên liệu than cho các nhà máy.

Trong thực tế, EVN đã quy định về định mức than tồn kho cho các NMNĐ. Tuy nhiên, qua kiểm tra thống kê số than tồn kho theo tháng tại các nhà máy cho thấy, lượng than tồn kho năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 của nhiều nhà máy (bao gồm các GENCO) thấp hơn so với định mức. "Đặc biệt, một số NMNĐ duy trì mức tồn kho thấp kéo dài hoặc thấp đến mức báo động phải dừng tổ máy. Như vậy, các chủ đầu tư NMNĐ chưa chấp hành nghiêm quy định của EVN về định mức than tồn kho, ảnh hưởng đến việc đảm bảo dự phòng để vận hành nhà máy ổn định, an toàn, thể hiện ở việc không đủ than cho sản xuất điện tại một số thời điểm năm 2022 và các tháng đầu năm 2023", kết quả thanh tra của Bộ Công thương nêu.

Chưa giải quyết thiếu điện về lâu dài

Từ một số thực tại trên, Bộ Công thương nhấn mạnh việc để xảy ra tình trạng tồn kho than thấp hơn so với định mức, trong đó có nhiều NMNĐ tồn kho thấp kéo dài đã ảnh hưởng đến việc sẵn sàng tổ máy khi hệ thống điện huy động. Trách nhiệm này thuộc về EVN, các GENCO và chủ đầu tư NMNĐ. Trong kiến nghị các biện pháp xử lý trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các tập đoàn EVN, TKV, Tập đoàn dầu khí VN, GENCO 2 và 3; các đơn vị quản lý trực thuộc Bộ Công thương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định.

Nhiều sự cố các tổ máy phát điện kéo dài gây ảnh hưởng đến cung cấp điện: Tổ máy S2 (300 MW) của NMNĐ Cẩm Phả; tổ máy S1 (600 MW) của Vũng Áng 1; tổ máy S6 (300 MW) của Phả Lại 2. Trong 5 tháng đầu năm, các nguồn nhiệt điện than miền Bắc xảy ra 88 sự cố tổ máy, ảnh hưởng lớn đến công suất khả dụng của toàn hệ thống miền Bắc. Trong đó, số tổ máy các NMNĐ thuộc EVN và các GENCO chiếm tỷ lệ 51% (45/88).

Theo chuyên gia năng lượng, TS Ngô Đức Lâm - nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường (Bộ Công thương), việc kiểm tra, thanh tra vừa qua đối với tình hình cung ứng điện chỉ nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện ngắn hạn đã và đang xảy ra. Nhưng thiếu điện được dự báo còn kéo dài đến năm sau, năm sau nữa. Thiếu than thì các tổ máy phát điện không thực hiện được và thiếu than để phát điện trong một số thời điểm, trách nhiệm không chỉ ở EVN, TKV hay các đơn vị liên quan. Nên thẳng thắn nhìn nhận, một phần trách nhiệm từ công tác dự báo, điều hành. Bộ Công thương phải có dự báo trước nhu cầu sử dụng than tăng đột biến, ngoài số liệu từ các hợp đồng 2 bên đã ký kết, phải đề nghị than cấp nhiều hơn. Khi than thiếu rồi mới tổ chức họp chỉ đạo là quá trễ. Phải có kế hoạch trước và kiểm tra, nắm số liệu liên tục chứ không chờ đến khi điện bị thiếu nhiều, Thủ tướng chỉ đạo Bộ thanh tra việc cung ứng điện, lúc đó mới nói các NMNĐ dự trữ thấp kéo dài. 

"Thiếu đây là thiếu do chủ quan. Với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ Công thương yêu cầu EVN, TKV, GENCO và các cục trực thuộc Bộ kiểm điểm là đúng, nhưng liên quan đến thiếu điện kéo dài thế này, kiểm điểm phải ở cấp cao hơn. Tôi nghĩ sau kết luận của Bộ Công thương, Chính phủ sẽ có những xem xét trách nhiệm của Bộ quản lý và các bộ ngành liên quan nữa. Thiếu điện không chỉ dừng lại ở trách nhiệm mỗi "ông" điện lực, "ông" than, hay "ông" phát điện…", TS Ngô Đức Lâm nhấn mạnh.

Ông Ngô Đức Lâm cũng cho rằng thanh kiểm tra chỉ là giải pháp cấp bách, giúp nhà quản lý, ngành rút được kinh nghiệm và có giải pháp trong ngắn hạn. Song về dài hạn, còn rất nhiều việc cần đẩy nhanh hơn nữa, không thể để chậm trễ nữa. "Chẳng hạn, đã có tổng sơ đồ Quy hoạch Điện 8, trong đó, "át chủ bài" được đề cập là điện khí (chiếm 25%), điện gió, điện mặt trời… Thế nhưng, đến nay, kế hoạch để thực hiện Quy hoạch điện 8 vẫn chưa có. Quy hoạch đã chậm, nhẽ ra phải có từ năm 2021, nay kế hoạch triển khai cụ thể vẫn đang soạn, đang trình. Quay đi quay lại hết năm 2023 vẫn chưa triển khai được các dự án điện được đặt ra từ năm 2021. Chậm mất 3 năm, đồng nghĩa với vấn đề thiếu điện kéo dài từng ấy năm", ông Lâm nhấn mạnh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.