TP.HCM, nơi việc dạy và học tiếng Anh được xem là thuận lợi nhất cả nước nhưng nhiều năm trở lại đây khi có quy định giáo viên (GV) tiếng Anh phải tốt nghiệp từ các trường ĐH sư phạm và có bằng B2 trở lên thì việc tuyển dụng GV tiếng Anh trở nên khó khăn. Hầu hết quận huyện ở TP này đều thiếu GV tiếng Anh.
Đơn cử, như trong năm tuyển dụng vừa qua, Q.Gò Vấp có nhu cầu tuyển GV tiếng Anh riêng ở bậc tiểu học là 30 người nhưng chỉ tuyển được 1 người, cũng cấp học này Q.Tân Phú có tới 34 chỉ tiêu nhưng chỉ có 7 hồ sơ đăng ký, và có 6 ứng viên trúng tuyển. Nhiều quận huyện khác thậm chí không tuyển được GV nào.
Chỉ tiêu có nhưng không tuyển được
Thiếu 4 GV tiếng Anh theo mức định biên cho phép, bà T.H, hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM, cho biết ngoài việc ký hợp đồng với GV tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ thì trường bà còn ký hợp đồng “mượn” GV của 2 trường tiểu học công lập bên cạnh dưới dạng GV thỉnh giảng.
Về thủ tục “mượn” GV trường khác, theo bà T.H, một số trường tiểu học số lượng học sinh bán trú ít, không dạy theo chương trình tiếng Anh tăng cường nên một số GV tiếng Anh chỉ cần dạy đủ số tiết theo quy định của trường mình, số thời gian còn lại họ chấp nhận dạy thỉnh giảng ở những trường xung quanh. Trường sẽ tìm những “ứng viên” này để ký hợp đồng làm GV thỉnh giảng.
Về mức thuê, bà T.H cho biết với GV biên chế ở trường khác, mức chi trả thù lao mỗi tiết khoảng 50.000 - 60.000 đồng/tiết. Số tiền này được trích từ quỹ thu của chương trình tiếng Anh tăng cường (được phép thu 80.000 đồng/học sinh/tháng).
“GV đã thuộc biên chế của trường khác khi ký hợp đồng dạy ở những trường xung quanh phải xin phép hiệu trưởng trường mình. Còn ở phương diện là trường đi thuê, chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc xếp lịch tiết dạy, sao cho lịch dạy của những GV thỉnh giảng này không trùng với lịch dạy của họ ở trường. Do vậy đây chỉ là giải pháp tạm thời, hằng năm chúng tôi đều có chỉ tiêu được tuyển dụng 4 - 5 GV nhưng 2 năm nay chưa tuyển được người nào”, bà T.H nói thêm.
Nữ hiệu trưởng này cũng cho biết biện pháp “mượn” GV được khá nhiều trường thực hiện nhưng chủ yếu là ở những trường ngoại thành, nơi việc thuê GV ở các trung tâm ngoại ngữ gặp khó khăn. Hơn nữa, mức chi trả cho GV thỉnh giảng hiện chỉ dao động 50.000 - 60.000 đồng nên nhiều GV dù có thời gian cũng không mặn mà với việc dạy thêm ở trường khác.
Các trường tự chi trả khi mượn giáo viên
Thừa nhận thực trạng thiếu GV tiếng Anh, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT H.Bình Chánh, cũng cho biết những năm gần đây gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng GV bộ môn này. Giải pháp được các trường đưa ra chủ yếu là hợp đồng với các trung tâm Anh ngữ, một số ít trường cũng chọn cách “mượn” GV của trường bên cạnh.
“Nếu GV ở trường nào rảnh tiết, họ đồng ý dạy thỉnh giảng thì sẽ “chi viện” cho trường khác. Chỉ có điều, ở huyện tôi thì nhiều khi các trường ở cách nhau khá xa nên số trường chọn phương án mượn GV của trường khác cũng hạn chế”, ông Dũng chia sẻ và cho rằng đây chỉ là thỏa thuận giữa các trường, còn về ngân sách không có khoản chi nào cho các trường để thuê GV dưới dạng thỉnh giảng như thế này. Do vậy để có kinh phí thuê GV, chủ yếu các trường tiết kiệm và trích một phần khoản thu từ nguồn thu học 2 buổi/ngày hay từ chương trình tiếng Anh tăng cường.
Cũng theo ông Dũng, mức chi trả khi mượn GV của trường khác là do thỏa thuận giữa trường với GV được ký hợp đồng, chủ yếu tính theo tiết: dạy tiết nào tính tiền tiết đó.
Ở H.Bình Chánh, những trường thiếu GV tiếng Anh nhiều nhất là Phạm Văn Hai, Bình Lợi hoặc những trường nằm ở các xã xa trung tâm TP.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng GD-ĐT H.Hóc Môn cũng cho biết các trường nếu thiếu 1 - 2 GV thì có thể ký hợp đồng thỉnh giảng với GV của các trường lân cận.
“Ví dụ, giáo viên trường A chỉ dạy 19 tiết theo quy định, những giờ trống khác họ có thể thỉnh giảng ở những trường gần đấy. Việc chi trả cũng được thỏa thuận giữa hai bên. Còn dạy tiếng Anh thì các trường hợp đồng với GV tiếng Anh ở các trung tâm”, ông Hiệp nói.
Bình luận (0)