Thiếu hụt 120.000 lao động tại phía bắc

Thu Hằng
Thu Hằng
11/05/2022 07:31 GMT+7

Hết quý 1/2022, tình hình thiếu hụt lao động cục bộ tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương phía bắc. Doanh nghiệp đang tìm mọi cách để thu hút lao động.

Thiếu lao động trình độ cao

Theo Bộ LĐ-TB-XH, báo cáo nhanh của các địa phương cho thấy, nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của doanh nghiệp gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021. Tuy nhiên, trong quý 1/2022 đã xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, với khoảng 120.000 lao động, cao hơn những năm trước khoảng 2 - 3%. Tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông chủ yếu ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục

Doanh nghiệp tuyển dụng lao động qua sàn giao dịch việc làm online

T.Hằng

Anh Nguyễn Đình Tuệ, phụ trách tuyển dụng của Công ty TCVina, cho biết thông thường sau tết khoảng tầm 1 tháng là các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ổn định nhân sự. Tuy nhiên, năm nay do dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía bắc những tháng đầu năm khiến sản xuất bị đình trệ, sang đến tận quý 2, nhiều doanh nghiệp mới tăng cường tuyển dụng lao động. Theo anh Tuệ, từ cuối tháng 3 đến nay, đơn vị này đang tuyển công nhân cho một doanh nghiệp lắp ráp điện tử ở Khu công nghiệp Đồng Văn 4 (Hà Nam), cần 5.000 người nhưng đến nay mới chỉ tuyển được hơn 1.000 người.

“Các doanh nghiệp cạnh tranh tuyển dụng khá gay gắt, đôi khi lương chỉ chênh nhau đến 100.000 - 200.000 đồng/tháng là đã hút được. Công ty mà chúng tôi đang tuyển người họ trả thu nhập cho người lao động từ 8,5 - 11 triệu đồng/tháng; ngoài ra công nhân còn được hỗ trợ 2 bữa ăn và hỗ trợ tìm nhà ở. Dù đã vào tận Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình… để tìm lao động, nhưng chắc có lẽ phải chờ cuối tháng 5, đầu tháng 6 mùa học sinh, sinh viên ra trường, may ra mới có thể tuyển dụng đủ số lượng”, anh Tuệ nói.

Không chỉ thiếu lao động phổ thông, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cũng đang tăng cao. Ông Tạ Đức Cảnh, chuyên viên tuyển dụng Công ty cổ phần kỹ thuật Sigma (Hà Nội), cho hay trong quý 2/2022, đơn vị này cần tuyển dụng từ 200 - 400 công nhân kỹ thuật cơ điện để thi công các hệ thống điện nước, điều hòa thông gió, phòng cháy chữa cháy trong các công trình.

“Việc tuyển dụng các lao động kỹ thuật, đặc biệt là công nhân có tay nghề, rất khó khăn. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng đưa ra các chế độ về lương thưởng rất cạnh tranh để thu hút lao động. Chúng tôi đang tìm kiếm nguồn lao động sinh viên đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các tỉnh, thành phố; đăng tin ở các trang tuyển dụng, diễn đàn, hội nhóm để tìm kiếm các ứng viên có kinh nghiệm”, ông Cảnh nói.

Đại diện Công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Search, cho biết đến hết quý 1/2022, xu hướng tuyển dụng nhân sự biết tiếng Trung vẫn đang nóng hổi và dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới ở các khu công nghiệp phát triển. Đặc biệt, một số địa phương như Phú Thọ, Tuyên Quang - là các tỉnh, thành đang phát triển trong lĩnh vực điện tử, rất “khát” nhân sự biết tiếng Trung. Đối với các khu công nghiệp như: Bắc Ninh, Bắc Giang hay các khu vực gần khu công nghiệp lớn, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được với nguồn lao động lớn, nhưng bị cạnh tranh gay gắt về chế độ, thời gian làm việc. Còn đối với các doanh nghiệp sẵn sàng đi tới các khu vực xa hơn như: Phú Thọ, Quảng Ninh… thì sẽ ít bị cạnh tranh hơn trong việc tuyển dụng lao động phổ thông. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại có khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng và trình độ cao”.

Thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đang có nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến công nghệ, dữ liệu và tư vấn sản phẩm, bán hàng... Tác động của đại dịch Covid-19 khiến các ngân hàng phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần phải tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Những vị trí này đặc biệt tập trung vào nguồn nhân sự chất lượng cao nhưng lại rất khó tìm kiếm và cần đầu tư nhiều chi phí do tính cạnh tranh trên toàn thị trường.

Không tăng lương khó thu hút lao động

Lý giải tình trạng thiếu hụt lao động, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều lao động đã chọn lập nghiệp tại quê hương, không quay trở lại nơi làm việc hoặc đã chuyển đổi nghề. Bên cạnh đó, người lao động chưa được đào tạo để đáp ứng được tiêu chí mới của nhà tuyển dụng về trình độ, tay nghề… trong bối cảnh Vuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số. Ngoài ra, các chính sách thu hút, tuyển dụng của doanh nghiệp chưa hấp dẫn; chi phí sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố lớn ngày càng cao, trong khi lương của người lao động thấp; công tác thông tin, kết nối cung - cầu lao động, dự báo tình hình thị trường lao động còn hạn chế…

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động thời gian tới, ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang, cho biết giữa tháng 5, đơn vị này sẽ phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc online kết nối với các tỉnh, thành phía bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Kạn

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cũng cho hay hiện Hà Nội đã cho phép mở cửa trở lại hết các hoạt động dịch vụ, du lịch. Bên cạnh đó, nhóm lao động sản xuất trong các doanh nghiệp khối sản xuất cũng sẽ tiếp tục tăng tuyển lao động để đáp ứng quá trình phục hồi kinh tế.

“Trong quý 1 chúng tôi dự báo Hà Nội cần tuyển dụng từ 80.000 - 100.000 lao động, với tình hình hiện nay, quý 2 dự kiến các chỉ tiêu tuyển dụng sẽ tăng lên khoảng từ 10 - 15%, tập trung vào những ngành, nghề dịch vụ thương mại, sản xuất, xây dựng, ngân hàng, du lịch... Hà Nội sẽ tổ chức 66 phiên giao dịch việc làm, trong đó có ít nhất 1 phiên chuyên đề, 1 phiên giao dịch việc làm trực tuyến... Trước mắt, chúng tôi sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại H.Mê Linh - nơi tập trung đông các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang rất cần tuyển dụng lao động”, ông Thành chia sẻ.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho rằng một trong những giải pháp cấp thiết để ổn định thị trường lao động là sớm tăng lương tối thiểu cho người lao động.

Ông Quảng bày tỏ: “Qua nắm bắt của tổ chức công đoàn, rất nhiều doanh nghiệp do áp dụng mức lương thấp đã không thu hút được lao động, dẫn đến thiếu hụt lao động rất lớn. Việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ ngày 1.7.2022 nhằm kịp thời thu hút lao động quay trở lại làm việc, phục hồi thị trường lao động, giải quyết bài toán thiếu hụt lao động hiện nay cho doanh nghiệp”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.