Ngành học còn mới mẻ ở VN
Công nghệ vũ trụ (CNVT) là ngành học còn khá mới mẻ và lạ lẫm ở VN. Hiện chỉ có 2 trường đào tạo nhân lực cho ngành này là: ĐH Công nghệ Hà Nội và ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (còn gọi là Trường ĐH Việt Pháp). Từ năm 2014 - 2016, ĐH Công nghệ mới chỉ đào tạo được 43 sinh viên. Còn ĐH Việt Pháp mỗi năm đào tạo từ 5 - 10 sinh viên. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tương lai, từ năm nay, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM cũng đã được phép thí điểm bậc ĐH chính quy ngành kỹ thuật không gian với 50 chỉ tiêu.
Mục tiêu đến năm 2020 nhu cầu nhân lực vào khoảng 2.000 lao động trình độ cao ngành này. PGS-TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm vệ tinh quốc gia (Viện Hàn lâm khoa học - công nghệ VN), cho biết nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực CNVT của VN rất lớn. Trong khi đó, tại VN mới chỉ đào tạo trong 3 năm trở lại đây dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực ở lĩnh vực này.
Ông Tuấn chia sẻ: “Trung tâm vệ tinh quốc gia hiện mới chỉ có 116 người, nhưng đến năm 2020 chúng tôi cần khoảng 350 nhân lực kỹ thuật cao cho các dự án Trung tâm vũ trụ VN, Trung tâm vũ trụ TP.HCM, Viện Hàn lâm khoa học - công nghệ VN, các đơn vị nghiên cứu và ứng dụng liên quan. Đặc biệt, theo chiến lược phát triển CNVT ở VN, chúng ta rất cần nhân lực để thực hiện một số dự án vệ tinh trọng điểm quốc gia. Dự kiến các dự án phát triển vệ tinh “made in VN” sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2018 và năm 2021”.
Rộng mở cơ hội nghề nghiệp
|
|
Về cơ hội nghề nghiệp trong tương lai, tiến sĩ Lê Xuân Huy, Trưởng phòng Thiết kế không gian (Trung tâm vệ tinh quốc gia), cho biết với những bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học và CNVT, cơ hội nghề nghiệp rất rộng mở. “Không chỉ làm việc tại các viện nghiên cứu, các bạn còn có cơ hội làm trợ giảng, giảng viên những trường đại học uy tín nhất VN; làm điều phối viên, quản lý dự án khoa học, công nghệ; trở thành các kỹ sư, nhà nghiên cứu trong các công ty công nghệ cao”, tiến sĩ Huy nói.
PGS-TS Phạm Anh Tuấn bày tỏ: “Chúng tôi đang rất cố gắng đảm bảo ít nhất đủ lực lượng để thực hiện dự án Trung tâm vũ trụ VN. Nhưng xa hơn nữa, sau 2020 chúng ta phải tính đến từ bây giờ để đào tạo nguồn nhân lực trẻ. Do đó, trung tâm hợp tác với các trường ĐH, không chỉ đào tạo kỹ sư, chúng tôi còn nhắm đến các học sinh THCS, THPT, đưa khoa học vũ trụ đến gần hơn với cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, để nuôi dưỡng ước mơ, khơi ngợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học và CNVT của thế hệ trẻ.
Ông Tuấn cho hay đào tạo đã khó, giữ được người tài còn khó hơn. Theo ông Tuấn, kinh phí đào tạo đội chuyên gia chế tạo vệ tinh vô cùng tốn kém. Trung tâm vệ tinh quốc gia cử 36 cán bộ trẻ đi đào tạo thạc sĩ tại Nhật Bản với mức kinh phí gần 300.000 USD (6 tỉ đồng)/người bao gồm: học phí, tiền ăn, kinh phí tham gia chế tạo... Nhưng hiện nay kỹ sư làm việc theo cơ chế ăn lương nhà nước, rất khó có thể giữ chân được người tài.
“Trung tâm đang làm tờ trình xin cơ chế tài chính đặc biệt cho các kỹ sư trong ngành CNVT. Ngoài ra, để giải bài toán nhân lực, Chính phủ cần xây dựng lộ trình phát triển CNVT đến năm 2030 và sau 2030 ”, ông Tuấn nói.
Bình luận (0)