Thiếu hụt thuốc điều trị ung thư

08/05/2019 13:38 GMT+7

Thông tin từ Bệnh viện K T.Ư cho biết, đơn vị này đang thiếu hụt thuốc điều trị ung thư do nhà thầu không có thuốc cung ứng.

Theo Bệnh viện K T.Ư, việc thiếu hụt thuốc liên quan đến triển khai đấu thầu thuốc tập trung trong năm 2018.
Cụ thể, ngày 22.5.2018, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (trung tâm), Bộ Y tế đã có công văn số 106/TTMS-NVĐT về việc hướng dẫn xây dựng, tổng hợp nhu cầu thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2018, theo đó: “Trung tâm dự kiến tổ chức và công bố kết quả lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc trước ngày 31.12.2018”; đồng thời, trung tâm cũng cho biết “trường hợp kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 27.4.2018 thì cơ sở y tế chỉ được dự trù, trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức đấu thầu nhằm đảm bảo thuốc điều trị và cơ số tồn kho đến hết ngày 31.12.2018”.
Tuy nhiên, đến ngày 14.2.2019, trung tâm mới có Quyết định số 7/QĐ-TTMS phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu số 1: “Cung cấp thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị năm 2019 - 2020 cho các cơ sở y tế trên toàn quốc”.
Tiếp sau đó, đến ngày 23.4 vừa qua, trung tâm mới có Quyết định số 25/QĐ-TTMS và số 28/QĐ - TTMS phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 2: “cung cấp thuốc generic năm 2019 - 2020” và gói thầu số 5: “cung cấp thuốc generic năm 2019 - 2020 cho các tỉnh miền Bắc”; mã hiệu: ĐTTT.generic.05.2018.
Nguy cơ bỏ dở liệu trình điều trị 
Theo phản ánh từ một số bệnh viện, do có nhu cầu sử dụng ngay một số mặt hàng trong đó có mặt hàng chứa hoạt chất Pemetrexed (hoạt chất của thuốc điều trị ung thư phổi), Bệnh viện K T.Ư  và một số bệnh viện có nhu cầu sử dụng thuốc này điều trị cho bệnh nhân đã liên lạc với nhà thầu là Liên danh Codupha - An Thiên (đơn vị trúng thầu mặt hàng Pemehope 100mg) và Công ty TNHH dược phẩm và trang thiết bị y tế Hoàng Đức (trúng thầu mặt hàng Podoxred 500mg) để lên kế hoạch nhập hàng. Tuy nhiên, các nhà thầu thông báo chỉ có thể cung ứng hàng sau 2 - 4 tháng nữa.
Thiếu hụt thuốc generic điều trị ung thư khiến bệnh nhân tăng gánh nặng chi phí điều trị (ảnh minh họa) Ảnh Liên Châu
Một dược sĩ, trưởng khoa dược lo ngại: “Như vậy, đối với các thuốc có chứa hoạt chất Pemetrexed các bệnh viện hiện chỉ có thuốc biệt dược gốc (tên biệt dược là Alimta) để điều trị. Nhưng biệt dược giá thành cao, bên cạnh đó bảo hiểm y tế chỉ thanh toán 50% nếu sử dụng biệt dược, do đó số tiền mà bệnh nhân đồng chi trả chênh nhau rất nhiều khi sử dụng thuốc biệt dược gốc thay vì thuốc generic. Cụ thể, thuốc biệt dược gốc Alimta 500mg giá trúng thầu 24.217.800 đồng/lọ. Alimta 100mg giá trúng thầu 5.676.500 đồng/lọ; thuốc nhóm 2 Podoxred 500mg trúng thầu tại trung tâm với giá 2.617.500 đồng/lọ; thuốc nhóm 2 Pemehope 100mg trúng thầu giá 882.500 đồng/lọ.
Các bác sĩ điều trị cho biết thêm, trong phác đồ điều trị ung thư phổi, liệu trình điều trị ít nhất 6 chu kỳ, liều trung bình 800 mg/chu kỳ; nếu sử dụng điều trị bằng thuốc biệt dược gốc thì bệnh nhân phải đồng chi trả số tiền khoảng 20.000.000 đồng/chu kỳ với 6 chu kỳ sẽ đồng chi trả 120.000.000 đồng.
Nếu nếu điều trị bằng thuốc generic bệnh nhân chỉ phải đồng chi trả số tiền là 2.600.000 đồng/chu kỳ với 6 chu kỳ thì số tiền còn 15.600.000 đồng. Như vậy, số tiền bệnh nhân phải đồng chi trả chênh lệch giữa sử dụng thuốc biệt dược gốc và thuốc generic là khoảng 104.400.000 đồng.
“Với khoản tiền chênh lệch như vậy, nhiều bệnh nhân không có đủ tiền để sử dụng thuốc biệt dược gốc và phải dừng điều trị. Việc gián đoạn điều trị này sẽ dẫn tới hậu quả là các bệnh nhân đang sử dụng giữa chừng bị mất đi toàn bộ chi phí điều trị trước đó mà không mang lại kết quả”, một  chuyên gia về ung bướu lo ngại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.