Dùng robot để phẫu thuật
TS-BS Lê Tuấn Anh - Phó giám đốc Trung tâm ung bướu, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết để đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng cao của người bệnh, trung tâm đã áp dụng robot trong phẫu thuật điều trị nhiều loại bệnh ung thư (UT): gan, tiêu hóa, tiền liệt tuyến, phổi...
Năm 2018, BV Chợ Rẫy đưa vào vận hành hệ thống máy gia tốc xạ trị - xạ phẫu đa năng lượng VERSA HD điều trị nhiều loại UT, mỗi ngày xạ trị từ 120 - 150 lượt bệnh nhân (BN).
TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân TP.HCM, cho biết BV cũng áp dụng thành công phẫu thuật bằng robot điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có UT tuyến tiền liệt, UT đại trực tràng, UT gan....
Trước đây để điều trị UT ở vị trí 1/3 giữa hoặc 1/3 trên của dạ dày, bác sĩ (BS) sẽ cắt toàn bộ dạ dày, ảnh hưởng lớn chất lượng cuộc sống của BN sau mổ.
Gần đây, Khoa Ngoại tiêu hóa của BV Đại học Y Dược TP.HCM đã áp dụng hai phương pháp mới điều trị UT dạ dày là: cắt bán phần trên dạ dày (với khối u nằm ở vị trí 1/3 trên dạ dày) và cắt gần toàn bộ dạ dày (với khối u nằm ở vị trí 1/3 giữa dạ dày), giữ lại một phần dạ dày giúp BN bảo tồn chức năng hấp thụ dinh dưỡng.
|
BV Đại học Y Dược cũng ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị UT dạ dày, giúp vết sẹo mổ nhỏ và thẩm mỹ, ít mất máu khi mổ, thời gian nằm viện ngắn, phục hồi nhanh.
BV Đại học Y Dược cũng là đơn vị tiên phong trong nước ứng dụng chất nhuộm màu ICG trong phẫu thuật điều trị UT đại trực tràng. Kỹ thuật này làm tăng tỷ lệ xác định chính xác đối với các hạch di căn và giúp chẩn đoán giai đoạn bệnh chính xác hơn, giúp nạo hạch triệt để hơn.
TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết thời gian qua, BV áp dụng nhiều kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt BV phẫu thuật ghép xương bằng vật liệu thay thế tức thì trong điều trị UT cắt đoạn xương hàm, giúp BN sau mổ vừa ăn uống tốt hơn vừa đạt thẩm mỹ hơn...
Tiến bộ trong điều trị ung thư xương
Mẹ BN T.H.T (14 tuổi, quê Hà Tĩnh, đang điều trị tại Khoa Nội nhi, BV K T.Ư, Hà Nội) cho biết, khoảng giữa năm 2018 T. kêu đau mỏi, nhức chân nên gia đình đưa đi khám BS tư và được chẩn đoán viêm khớp, kê thuốc uống.
Uống hết đợt thuốc nhưng không lui bệnh, T. đau nhiều hơn nên đến BV ở Hà Tĩnh khám, sau đó chuyển lên BV K T.Ư điều trị. Tại đây, kết quả sinh thiết u xương cho thấy T. bị UT xương và được chỉ định truyền hóa chất điều trị.
Sau hai đợt, khối u di căn phổi hiện đã ngưng phát triển. Phần khối u nơi đầu gối cũng sẽ được xem xét để phẫu thuật sau khi đã kiểm soát sự phát triển của u tại chỗ và di căn.
TS-BS Trần Văn Công, Trưởng khoa Nội nhi, BV K T.Ư, cho biết trước đây phẫu thuật cắt cụt chi hoặc tháo khớp là phương pháp cơ bản điều trị UT xương, tuy nhiên kết quả BN sống thêm 5 năm sau phẫu thuật đơn thuần chỉ đạt 5 - 20%; tỷ lệ di căn sau điều trị là 33 - 47%.
Qua thời gian nghiên cứu áp dụng phác đồ hóa chất kết hợp phẫu thuật trong điều trị UT xương tại BV cho thấy mang lại hiệu quả rõ ràng về tỷ lệ BN sống thêm toàn bộ 5 năm là 62,6%; sống thêm mà không có bệnh (không tái phát) lên đến 58,1%.
Theo TS-BS Công, phác đồ điều trị này nên áp dụng rộng rãi tại các cơ sở chuyên khoa UT.
Tuy nhiên TS-BS Trần Văn Công lưu ý một số yếu tố làm ảnh hưởng các yếu tố tiên lượng ảnh hưởng xấu đến kết quả sống thêm cho BN: tuổi dưới 10, kích thước u lớn trên 15 cm và mức độ hoại tử.
Bình luận