Thiếu nhân lực chất lượng cao: Trường ĐH phải thay đổi đào tạo

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
25/01/2024 05:18 GMT+7

Câu chuyện một nhà thầu của dự án sân bay Long Thành cần tuyển hơn 30 vị trí cấp trung và cấp cao với mức lương lên tới 300-400 triệu đồng/tháng nhưng không có ứng viên người Việt nộp hồ sơ cho thấy đang có thách thức lớn về cung-cầu lao động, nhất là lao động chất lượng cao.

Vừa qua, Công ty IC Ictas Insaat Sanayi Ve Ticaret Anonim Sirketi (Thổ Nhĩ Kỳ, nhà thầu chính gói thầu 5.10 xây dựng nhà ga sân bay Long Thành) cần tuyển 33 chuyên gia cho 31 vị trí như giám đốc dự án, phó giám đốc dự án, giám đốc thiết kế, đại diện nhà thầu, quản lý dự án, quản lý xây dựng, trưởng phòng hệ thống kỹ thuật xây dựng, quản lý thiết bị…

Nhiều trường ĐH thay đổi phương pháp đào tạo theo hướng giúp rút ngắn khoảng cách giữa giảng đường với thực tế ẢNH: PHẠM HỮU

Nhiều trường ĐH thay đổi phương pháp đào tạo theo hướng rút ngắn khoảng cách giữa giảng đường với thực tế

PHẠM HỮU

Mức lương thấp nhất mà công ty này đưa ra là 75 triệu đồng/tháng cho vị trí trợ lý dự án và cao nhất là 400 triệu đồng/tháng cho các vị trí trưởng phòng dự án, đại diện nhà thầu, giám đốc dự án. Tuy nhiên, sau nhiều ngày thông tin tuyển dụng này được Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai đăng tải, vẫn không có hồ sơ nào từ chuyên gia người Việt ứng tuyển.

Một vấn đề đặt ra là trường ĐH nên đào tạo những gì để sinh viên ra trường có thể đáp ứng nhu cầu nhân sự chất lượng cao cho doanh nghiệp?

TRƯỜNG ĐH TẠO NỀN MÓNG QUAN TRỌNG

Để có thể đảm nhận những vị trí nhân sự cấp trung và cấp cao, các chuyên gia cho biết kinh nghiệm làm việc về chuyên môn và trong các vị trí tương đương là yếu tố hàng đầu. Như vậy, một sinh viên (SV) mới ra trường sau 3-5 năm làm việc liệu có thể trở thành kỹ sư trưởng, trưởng phòng, giám đốc dự án?

Bà Đặng Trịnh Nhã Hương, Giám đốc Navigos Search khu vực miền Nam - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao, chia sẻ: "Trường ĐH có vai trò là nền móng quan trọng trong việc đem đến những kiến thức nền tảng, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng. Tuy nhiên, sau khi ra trường, năng lực và nỗ lực học hỏi của mỗi cá nhân cũng rất quan trọng để phát triển sự nghiệp và đạt được vị trí cao trong doanh nghiệp".

"Như vậy, việc tăng cường kiến thức và kỹ năng mềm cho SV là rất cần thiết trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện tại. Tuy nhiên, bạn trẻ cũng cần nỗ lực học hỏi và trải nghiệm hơn. Các bạn phải có mục tiêu, hiểu rõ mình muốn làm gì, để từ đó thực tập, tích lũy kinh nghiệm làm việc phù hợp", bà Hương phân tích.

SV TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI PHÁT TRIỂN BẢN THÂN NHANH HƠN ?

Ông Lê Hồng Phúc, Phó chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp VN (VACD), Chủ tịch Câu lạc bộ Nhân sự VN (VNHR), nhận định bất cứ ai muốn trở thành nhân sự cấp cao thì đều phải trải qua quá trình phấn đấu, phát triển đi lên từ các vị trí cấp thấp. Theo quan sát của ông, SV nước ngoài hay SV Việt tốt nghiệp các trường ĐH nước ngoài có xu hướng tiến bộ và phát triển bản thân nhanh hơn.

"Điều đó cho thấy chương trình đào tạo của nước ngoài thường xuyên được cập nhật để theo sát nhu cầu của thực tế, họ trang bị cho SV nhiều tình huống thực tế rất tốt, cách giải quyết vấn đề, tư duy lãnh đạo, tư duy phát triển bản thân... Để có được những tư duy này cần tính hệ thống, nghĩa là phải hình thành trong suốt thời gian dài chứ không phải chỉ lên bậc ĐH. Trong khi đó, bậc ĐH ở VN tuy có nhiều cải tiến nhưng những cập nhật chương trình đào tạo, khung đào tạo chưa theo kịp những thay đổi nhanh chóng trong giai đoạn hiện nay. Dù các trường hiện nay đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn chưa đủ", ông Phúc nhận định.

Theo ông Phúc, việc các trường ĐH cần làm là có những nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá hiệu quả công tác đào tạo qua mức độ được tiếp nhận (có công việc), khả năng hòa nhập với môi trường làm việc và thành công của SV sau khi ra trường.

Ông Phúc cho rằng lâu nay các trường vẫn có khảo sát tỷ lệ việc làm của SV tốt nghiệp, tuy nhiên chưa có sự nghiên cứu đánh giá sâu sắc. "Ví dụ như bao nhiêu phần trăm SV có việc làm, bao nhiêu phần trăm thất nghiệp, lý do vì sao không tìm được việc, những người tìm được việc thì sau 1 đến 5 năm phát triển bản thân ra sao? Có bao nhiêu phần trăm SV được thăng tiến và nhờ các yếu tố nào? Nếu có thể, nên có mối liên hệ với những doanh nghiệp tuyển dụng nhiều SV của mình, trao đổi với doanh nghiệp xem SV đáp ứng được bao nhiêu phần trăm yêu cầu, có phải đào tạo thêm nhiều không... Từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo, trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng cần thiết để SV không những dễ dàng tìm được công việc mà còn có khả năng phát triển lên những vị trí cao hơn trong tương lai", ông Phúc chia sẻ.

Thiếu nhân lực chất lượng cao: Trường ĐH phải thay đổi đào tạo - Ảnh 2.

Trường ĐH có vai trò là nền móng quan trọng trong việc đem đến những kiến thức nền tảng, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng

ĐÀO NGỌC THẠCH

ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH THEO HƯỚNG TIẾP CẬN THỰC TẾ

PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết từ năm 2009 trường đã thí điểm xây dựng chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO cho khoa cơ khí và đến năm 2014 thì toàn bộ các chương trình đào tạo của trường đều được xây dựng theo hướng này.

Đây là phương pháp có nhiều ưu điểm giúp rút ngắn khoảng cách giữa giảng đường với thực tế. Nếu như trước đây trường xây dựng chương trình đào tạo trước rồi mới xác định chuẩn đầu ra, thì khi tiếp cận CDIO trường sẽ xây dựng chuẩn đầu ra trước và dựa vào chuẩn đó để thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng chương trình và triển khai các hoạt động đào tạo cùng chuẩn đầu ra. 30% môn học được xây dựng dựa trên dự án thực tế và có doanh nghiệp chấm điểm. Bên cạnh đó, thời gian thực tập của SV sẽ được tăng cường thành 3 kỳ trước khi tốt nghiệp. Hằng năm, trường cũng tập huấn phương pháp giảng dạy cho giảng viên để phù hợp với chương trình đào tạo này", PGS-TS Phúc cho hay.

Ngoài ra, theo ông Phúc, để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, trường cũng đẩy mạnh quốc tế hóa trong đào tạo. Theo đó, tại 17 chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, 10% trong số 50 môn học có giáo sư của các trường danh tiếng trên thế giới tới giảng dạy.

"Trường cũng đưa 2 môn học về quản lý doanh nghiệp vào chương trình cứng cho các ngành. Một số khoa cũng sẽ đưa kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn", PGS-TS Phúc thông tin thêm.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) từ năm 2018 cũng đã điều chỉnh chương trình đào tạo với mục tiêu tiếp cận thực tế, giúp SV có nhiều trải nghiệm nghề nghiệp hơn.

"Chúng tôi bổ sung các môn học mới có sự tham gia của doanh nghiệp, điều chỉnh một số học phần, theo đó, đưa các môn quản trị, quản lý vào. Bên cạnh đó, trường còn phối hợp với doanh nghiệp để được hỗ trợ trang thiết bị và tiếp nhận SV thực tập, nhất là mảng đang rất hấp dẫn hiện nay là vi mạch bán dẫn", PGS-TS Nguyễn Hồng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), chia sẻ. Theo ông Hải, từ năm 2020, trường cũng đã đưa các môn quản trị, quản lý vào chương trình đào tạo kỹ sư, dạy các kỹ năng về lãnh đạo.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ trong tất cả chương trình đào tạo các ngành của trường đều trang bị các kỹ năng lập luận, phân tích và đề xuất, đánh giá bằng các giải pháp sáng tạo cho các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin…

"Đặc biệt, chương trình đào tạo bổ sung thêm các kỹ năng về lãnh đạo và quản lý, khởi nghiệp kinh doanh, ngoài ra còn các kiến thức về tâm lý để sinh viên có đủ tự tin về khả năng làm việc cũng như khả năng lãnh đạo của bản thân. Các kỹ năng về đọc, hiểu, trình bày và trao đổi bằng ngoại ngữ cũng được trường chú trọng trang bị cho SV", tiến sĩ Minh Khang thông tin thêm.

5 yếu tố hàng đầu doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng

Theo khảo sát báo cáo Lương và thị trường lao động 2024 do Navigos Group thực hiện, ứng viên có kinh nghiệm làm việc, đáp ứng khả năng thích ứng, giải quyết vấn đề... được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng hơn cả.

Cụ thể, 5 yếu tố hàng đầu mà doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng gồm: kỹ năng giải quyết vấn đề, có kinh nghiệm làm việc, kỹ năng giao tiếp hiệu quả, khả năng ngoại ngữ và thích ứng với thay đổi. Cũng theo kết quả khảo sát, có không ít yếu tố khác của ứng viên được nhà tuyển dụng quan tâm và ưu tiên khi tuyển dụng như kỹ năng hợp tác, tư duy phân tích, tư duy sáng tạo, khả năng phục hồi, linh hoạt và nhanh nhẹn...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.