'Thiếu niên và chim diệc': Lá thư tạm biệt ngây ngất lòng người của cha đẻ Ghibli

13/12/2023 16:31 GMT+7

Lấy tiếng nhạc thay ý thơ, nét họa thay câu chữ, Hayao Miyazaki sáng lập hãng phim hoạt hình Ghibli và vẽ nên giấc mơ của nhiều thế hệ khán giả. Trong 'Thiếu niên và chim diệc', người hâm mộ dễ nhận ra những cấu tứ quen thuộc từng xuất hiện trong các phim hoạt hình trước đây của hãng.

* Bài viết tiết lộ nội dung phim

Theo truyền thông Nhật Bản, Thiếu niên và chim diệc (tựa tiếng Anh: The Boy and the Heron) ra mắt năm nay sẽ là phim điện ảnh cuối cùng của Hayao Miyazaki trước khi giải nghệ. Tựa tiếng Nhật, Kimi-tachi wa Dō Ikiru ka (Các bạn có khỏe không?) lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên mà vị đạo diễn rất yêu thích. Đây cũng có thể xem là tâm thư, được nhà làm phim 82 tuổi nắn nót từng ý nguyện muốn gửi gắm khán giả.

Phim lấy mốc thời gian năm 1943, khi nước Nhật còn lầm than vì đại chiến Thái Bình Dương. Mất đi người mẹ trong một vụ hỏa họa ở bệnh viện Tokyo, cậu bé 12 tuổi Mahito Maki và cha trở về vùng ngoại ô, sinh sống cùng người dì Natsuko và những bà cụ giúp việc lẩm cẩm.

Tại đây, Mahito bắt gặp hình ảnh kỳ lạ: một con diệc xanh luôn tìm cách tiếp cận cậu. Ngày nọ, chim diệc bí ẩn bỗng cất tiếng, nói rằng Mahito có thể gặp lại mẹ nếu chịu bước chân vào một tòa tháp cổ bên trong khu rừng. Cuộc phiêu lưu kỳ lạ vượt không gian, thời gian của cậu bé bắt đầu.

'Thiếu niên và chim diệc': Lá thư tạm biệt ngây ngất lòng người của cha đẻ Ghibli - Ảnh 1.

Thông điệp chính của bộ phim: "Đâu là giới hạn của trí tưởng tượng? Một người sẵn sàng đánh đổi điều gì để níu giữ giấc mơ?"

Ghibli

'Tạm biệt những ngày hè'

Nhắc đến các bài hát kinh điển của Ghibli, không thể không kể đến Sayonara no Natsu (Ngày hè biệt ly) - nhạc phim From Up on Poppy Hill (Ngọn đồi hoa hồng anh - 2011). Giai điệu du dương ấy không thực sự xuất hiện trong Thiếu niên và chim diệc, nhưng phảng phất qua cách kể, cùng hành trình nhân vật. Cả Mahito và cô bé Umi trong From Up on Poppy Hill đều là những đứa trẻ thời chiến, dùng trí tưởng tượng và sự mạnh mẽ vượt tuổi để tồn tại trước nỗi đau mất mát. Mùa hè cũng là thời điểm trẻ em Nhật được thỏa sức cùng trí tưởng tượng, nên tạm biệt những ước mơ trẻ thơ hay tạm biệt cha đẻ Ghibli cũng không mấy khác biệt.

Thứ mới mẻ ở The Boy and the Heron, có thể nhìn thấy bằng mắt thường, chính là những nét vẽ tay đặc trưng đã được trộn lẫn hài hòa với kỹ thuật 3D hiện đại. Hình ảnh bé Mahito chạy vào giữa biển lửa gây đau đớn, kinh hãi, cũng đầy cảm xúc. Hay như thế giới khi Mahito đi vào trong tòa tháp cổ là một địa đàng vĩ đại, được tô điểm bởi những đại cảnh thiên nhiên trù phú, cùng các tạo vật kỳ lạ, mê mẩn.

'Thiếu niên và chim diệc': Lá thư tạm biệt ngây ngất lòng người của cha đẻ Ghibli - Ảnh 2.

Tông màu sáng tối biến chuyển linh hoạt, hình họa biến thiên đầy cảm xúc tiếp tục là thế mạnh của Ghibli trong The Boy and the Heron

Ghibli

Giữa một thời đại mà ngành đồ họa đứng trước nguy cơ "AI - hóa", Hayao Miyazaki cùng The Boy and the Heron chứng minh nghệ sĩ chân chính sẽ không bao giờ bị thay thế. Có lẽ không phải Hayao Miyazaki cùng đội ngũ họa sĩ ở xưởng Ghibli, hiếm ai có thể dùng nét vẽ để tạo ra “độ chậm” cần thiết, dồn nén cảm xúc của người xem đến hết cỡ qua những cảnh sinh hoạt đời thường, rồi khiến chúng vỡ òa ra bởi loạt hình ảnh siêu thực đầy ma thuật - ví như ai đó nói ngửi được mùi nắng, cảm nhận được gió mát trong phim của Ghibli thì đó cũng không phải quá phóng đại.

Thứ chỉ có thể nhìn thấy bằng "linh hồn", là tinh thần mà Hayao Miyazaki mang lại. Ông khéo léo cài cắm những cử chỉ, nét vẽ, hay trang phục quen thuộc; để người hâm mộ nhìn vào là sẽ thấy ngay tuổi thơ ùa về. Các nhân vật hay đồ vật trong tác phẩm trước như Vùng đất linh hồn, Người hàng xóm Totoro, Mộ đom đóm, Dịch vụ giao hàng Kiki... lần lượt trở lại trong hình hài và thân phận mới. Nhưng người ta quên đường về nhà, chứ dễ gì quên được cố nhân! Từng “cố nhân” cứ thế xuất hiện, mang cả những người lớn cứng cỏi nhất qua từng cảm xúc vui, buồn, mãn nguyện và tự hào.

Thật tình cờ là trong năm 2023, người hàng xóm Disney (Ghibli thường được ví là Disney của châu Á) cũng ra mắt phim điện ảnh tri ân Wish, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập. Cùng chủ đề "kiến tạo giấc mơ", nếu Wish đưa người xem chạm đến những vì sao, thì The Boy and the Heron lại khiến ta "chạm đất", suy ngẫm về cái giá của những viễn cảnh tươi đẹp.

'Thiếu niên và chim diệc': Lá thư tạm biệt ngây ngất lòng người của cha đẻ Ghibli - Ảnh 3.

The Boy and the Heron là phép ẩn dụ cho những giấc mơ đã mất, và những giấc mơ ai đó mãi kiếm tìm

Ghibli

'Và gió vẫn thổi'

Hình tượng chủ đạo của The Boy and the Heron là một ngọn tháp, có lõi là thiên thạch huyền bí. Tại đây, khái niệm không - thời gian hoàn toàn bị bóp méo: Chim vẹt là những kẻ thống trị, hoa nở từ trời, còn những tinh linh dễ thương Warawara sẽ bay lên không trung, trở thành con người ở kiếp sống tiếp theo.

Theo nhiều khán giả quốc tế, Warawara còn là lối ví von của Hayao Miyazaki dành cho những ý tưởng sáng tạo của con người. Có những Warawara "thành nhân" - trở thành sản phẩm được công chúng biết đến, số khác bị đám bồ nông nuốt chửng - chỉ những dự án mãi mãi chỉ tồn tại trên trang giấy. Cứ như thể đó là tiếng lòng của Hayao Miyazaki, qua bao thập kỷ phải chọn lựa giữa những kịch bản ông thích, và những kịch bản số đông sẽ thích. Warawara là lời tri ân cho những giấc mơ còn dang dở của chính Miyazaki, cũng là sự kỳ vọng của ông dành cho những thế hệ họa sĩ tiếp theo.

'Thiếu niên và chim diệc': Lá thư tạm biệt ngây ngất lòng người của cha đẻ Ghibli - Ảnh 4.

Warawara - tạo vật đáng yêu, tích cực trong The Boy and the Heron

Ghibli

Thông thường, nhà làm phim sẽ muốn đặt cuộc đời của mình vào nhân vật chính. Ngược lại, Hayao Miyazaki thổi tâm tư vào nhân vật "phản diện" - Tháp chủ. Ông là vị thần đã sáng tạo nên thế giới kỳ diệu bên trong tháp, giờ đây tìm kiếm người có thể kế nhiệm mình. Thế nhưng, cậu bé Mahito quyết định chọn con đường riêng, khiến Tháp chủ đau xót. Thế giới thần tiên ấy đẹp thật, nhưng nó quá gò bó và thủ cựu. Chỉ bằng việc lựa chọn con đường mới, bước qua bóng tối xưa cũ, cậu mới trở thành con người đích thực (Mahito trong tiếng Nhật là "chân nhân").

Trong quá khứ, Hayao Miyazaki cũng từng muốn hai người con trai tiếp quản "gia tài" Ghibli danh giá. Song, ông đành phải chấp nhận khi họ tự tìm lối đi riêng để vượt qua cái bóng quá lớn của cha mình. Nếu dùng câu chuyện này để xem lại The Boy and the Heron, khán giả dễ nhận ra Hayao Miyazaki đang cố kể những câu chuyện cá nhân nhất của ông. Hayao Miyazaki vào đời bằng sự tận tâm, tạm biệt bằng sự chân thành.

'Thiếu niên và chim diệc': Lá thư tạm biệt ngây ngất lòng người của cha đẻ Ghibli - Ảnh 5.

Người hâm mộ dễ nhận ra những trăn trở, thăng trầm của Hayao Miyazaki được khéo léo cài cắm trong phim

Ghibli

Tựa gốc của phim Các bạn có khỏe không? còn là lời đáp của Hayao Miyazaki đối với những người hâm mộ lâu năm. Nhiều năm liền, ông dùng những câu hỏi, lời tỏ bày của khán giả làm nguồn cảm hứng cho phim của mình. Miyazaki ở tuổi 82 đặt câu hỏi cho người xem: "Các cố nhân quá đỗi yêu thương ơi, các bạn giờ ra sao rồi? Có còn là những cô cậu bé mà tôi từng biết hay không?".

Giống với tựa phim ra mắt cách đây một thập kỷ của Ghibli, The Wind Rises (Gió vẫn thổi, ta phải sống - 2013), những giấc mơ nhiệm màu của Hayao Miyazaki không có điểm dừng. Trái lại, giấc mơ ấy còn được chia sẻ, thổi bùng lên thành ngọn gió mạnh mẽ, vượt trùng khơi để tìm đến đầu giường của những cô cậu bé thơ ngây.

Trailer Thiếu niên và chim diệc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.