Đa số là nhà trọ lụp xụp
Trong khi đó, đang có hàng triệu công nhân lao động sinh sống trong hàng trăm ngàn phòng trọ trong cả nước, chỉ có số ít công nhân lao động có chỗ ở trong các nhà lưu trú công nhân.
Góc nhìn thực tiễn tại TP.HCM cho thấy, chỉ có khoảng 15% công nhân lao động các khu công nghiệp được thuê chỗ ở trong các khu nhà lưu trú công nhân, phần lớn đang thuê phòng trọ của cá nhân, hộ gia đình.
Cụ thể, hiện nay TP.HCM có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với 1.062 doanh nghiệp, với tổng số lao động là 285.000 người. Trong đó lao động ngoại tỉnh (nhập cư) là 185.250 người (tỷ lệ 65%), lao động làm việc tại các doanh nghiệp vốn Việt Nam là 82.650 người (tỷ lệ 29%), lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI là 202.350 người (tỷ lệ 71%). Nếu tính cả các cụm công nghiệp thì còn có thêm 538 doanh nghiệp và khoảng 95.000 công nhân lao động. Như vậy, các khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp có tổng số khoảng 1.600 doanh nghiệp, với tổng số công nhân lao động lên đến khoảng 380.000 người.
Thế nhưng đến nay, TP.HCM chỉ mới có 6 khu chế xuất, khu công nghiệp xây dựng hoàn thành khu lưu trú công nhân (Khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung 1, Tân Bình, Tân Tạo, Hiệp Phước, Vĩnh Lộc). Bên cạnh đó, chỉ có một số lượng ít ỏi doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đã xây dựng nhà lưu trú công nhân như Công ty Nissei Electric (2 khối nhà 5 tầng: 1.520 chỗ), Công ty Palace (2 khối nhà 6 tầng: 1.012 chỗ), Công ty Đức Bổn (1 khối nhà 6 tầng: 416 chỗ)…
Một khu nhà trọ ở huyện Nhà Bè, TP.HCM |
ĐÌNH SƠN |
Những khu nhà lưu trú này mới giải quyết chỗ ở cho khoảng 15% công nhân lao động các khu chế xuất, khu công nghiệp và đa số công nhân lao động nhập cư thuê phòng trọ của cá nhân, hộ gia đình. Riêng Công ty giày Pou Yen có diện tích khoảng 100 ha tại quận Bình Tân (là doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp nhưng có quy mô tương đương một khu công nghiệp), với hơn 80.000 công nhân lại không có nhà lưu trú công nhân. Trong đó, có khoảng 16.000 người thuê phòng trọ tại các tỉnh lân cận được bố trí xe đưa đón hằng ngày, số còn lại thuê trọ trong các căn nhà trọ lụp xụp ở TP.HCM.
Cũng theo HoREA, TP.HCM có khoảng 60.470 công trình nhà trọ do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng cho công nhân, người lao động thuê để ở có thể đáp ứng chỗ ở cho 1.430.067 người. Đa số các khu nhà trọ dạng dãy phòng trọ cho thuê thường lụp xụp, không đảm bảo chất lượng, rất thiếu tiện ích, không đảm bảo an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy, cá biệt có khu nhà trọ là “vùng trũng” của tội phạm. Điều này dẫn tới hệ quả là không chống chịu được dịch bệnh như dịch Covid-19 vừa qua. Dịch bệnh đã bùng phát và lây lan dữ dội trong các khu nhà trọ.
Cho doanh nghiệp tham gia làm nhà trọ
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng với số lượng phòng trọ thuộc khu nhà trọ cho thuê rất lớn trong phạm vi cả nước nên rất cần thiết ban hành quy định về tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở, nhất là tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng trọ thuộc khu nhà trọ cho thuê để “chuẩn hóa” phòng trọ, góp phần cải thiện điều kiện ở, đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống dịch bệnh (tương tự dịch Covid-19 vừa qua) cho công nhân, lao động tại các khu nhà trọ do cá nhân, hộ gia đình đầu tư kinh doanh.
Theo ông Lê Hoàng Châu, mỗi phòng ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để cho thuê phải đảm bảo chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và các tiêu chuẩn tối thiểu như diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10 m2 (hoặc 15 m2), chiều rộng thông thủy không dưới 2,40 m, chiều cao thông thủy chỗ thấp nhất không dưới 2,70 m. Phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ đảm bảo yêu cầu thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Tường bao che, tường ngăn giữa các phòng phải được làm bằng vật liệu đáp ứng yêu cầu phòng cháy và chống thấm. Mái nhà không được lợp bằng vật liệu dễ cháy và phải đảm bảo không bị thấm dột.
Cần ban hành quy chuẩn để yêu cầu các chủ nhà trọ phải xây dựng đảm bảo các điều kiện về ăn ở, an toàn cháy nổ |
ĐÌNH SƠN |
Bảo đảm cung cấp nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn, tiêu chuẩn; có các thiết bị phòng chống cháy nổ theo quy định. Diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5 m2 (hoặc 7,5 m2) cho một người. Khu nhà trọ có từ 10 phòng ở trở lên phải có phòng sinh hoạt chung có tối thiểu 1 phương tiện nghe nhìn, kết nối Internet. Lối đi giữa hai dãy nhà trọ (hẻm) có khoảng cách tối thiểu không nhỏ hơn 2 m (hoặc 2,2 m)...
Người đứng đầu HoREA cũng cho rằng, thửa đất xây dựng nhà ở riêng lẻ trong các khu quy hoạch xây dựng mới phải có diện tích không nhỏ hơn 50 m2. Bộ Xây dựng xem xét cho phép doanh nghiệp được thực hiện dự án đầu tư xây dựng phòng trọ, nhà trọ để cung cấp chỗ ở chất lượng tốt hơn cho công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư. Đồng thời tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh để các hộ gia đình, cá nhân cũng phải nâng cao chất lượng, tiện ích, dịch vụ, an toàn, an ninh cho nhà trọ, phòng trọ của mình.
Bình luận (0)