Nhưng hiện nay giá cả đều tăng lên thì giá trị căn hộ ở mức trên 20 triệu đồng/m2 tương đương khoảng từ 1 tỉ đến 1,6 tỉ đồng/căn.
Giá nhà ở xã hội “leo thang”, công nhân, lao động nghèo khó mua được nhà |
Đình Sơn |
Trong buổi tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức lao động năm 2022 với chủ đề “Chính sách an sinh xã hội - nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động” do Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức mới đây, đa số các công nhân đều cho rằng với thu nhập của họ sẽ khó mua được nhà ở xã hội khi không có hỗ trợ từ các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, chia sẻ người lao động chỉ có thể để dành khoảng 20 - 25% thu nhập (tương ứng 1,5 - 1,8 triệu đồng/tháng), nếu giá cả một căn hộ mà từ 1 tỉ - 1,6 tỉ đồng thì thời gian trả sẽ kéo dài, trong khi quy định pháp luật hiện nay chỉ cho phép trả góp 1 căn hộ tối đa được 15 năm và chính sách nhà ở xã hội chỉ tối đa 5 năm, số tiền vay tối đa 900 triệu đồng. Do đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng phải có chính sách cho vay tương ứng với giá trị thật của căn hộ đã tăng như vậy.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định từ thực tiễn phòng chống dịch Covid-19 cho thấy sự cần thiết xây dựng các khu nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho chuyên gia phục vụ trực tiếp cho từng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, thậm chí phục vụ cho từng nhà máy.
Đó là điều mà TP đã theo đuổi thực hiện trong hơn 20 năm qua. Để làm được điều này, khoảng 25 ha (2 khu đất) tại Khu công nghệ cao (Q.9); 39 ha tại xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh)… được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội; phần đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại mà chủ đầu tư dành để làm nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật cần được tận dụng để xây nhà xã hội, nhà lưu trú công nhân. Đặc biệt, theo ông Châu, việc các doanh nghiệp tự thương lượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tự giải phóng mặt bằng và tự đầu tư phát triển nhà ở xã hội rất cần khuyến khích và hỗ trợ tạo điều kiện.
Ông cũng cho rằng Chính phủ nên xem xét ban hành Nghị quyết về đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp theo đề xuất của Bộ Xây dựng. Các dự án này có thể áp dụng các chính sách ưu đãi bằng khoảng 1/3 hoặc 1/2 mức ưu đãi nhà ở xã hội hiện nay, để phát triển được các dự án nhà ở thương mại giá thấp có mức giá khoảng không quá 25 triệu đồng/m2 tại đô thị đặc biệt và TP trực thuộc T.Ư, không quá 23 triệu đồng/m2 tại đô thị loại 1, không quá 20 triệu đồng/m2 tại các đô thị còn lại, cùng với chính sách nhà ở xã hội để thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đông đảo người có thu nhập thấp đô thị.
Kỳ vọng nhà lưu trú cho công nhân, nhà ở xã hội
Để xây nhà ở lưu trú cho công nhân, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết Bộ Xây dựng đề xuất 2 gói tín dụng với tổng số tiền là 65.000 tỉ đồng. Trong đó, gói thứ nhất là 15.000 tỉ đồng theo hướng cấp vốn cho ngân hàng chính sách và cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để phát triển nhà ở xã hội. Gói thứ hai 50.000 tỉ đồng đề xuất Ngân hàng Nhà nước thông qua hình thức tái cấp vốn với lãi suất, thời hạn phù hợp để cho chủ đầu tư xây nhà lưu trú công nhân, chủ đầu tư xây nhà ở xã hội và cho các công nhân trong khu công nghiệp vay.
Bình luận (0)