Công nhân tâm tư về chính sách nhà ở xã hội

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
25/04/2022 08:52 GMT+7

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM, sau 15 năm TP.HCM đã đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội với 1,55 triệu m 2 sàn, tương ứng 18.800 căn hộ.

Sáng qua 24.4, HĐND TP.HCM tổ chức buổi tiếp xúc cử tri về chủ đề chính sách nhà ở cho công nhân, viên chức, lao động. Hội nghị được kết nối trực tuyến 4 điểm cầu khác trên địa bàn TP.HCM với sự tham gia của hơn 400 công nhân, người lao động.

Theo khảo sát của Ban Đô thị HĐND TP.HCM, Liên đoàn Lao động TP.HCM và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM với khoảng 41.000 cử tri nữ công nhân, người lao động, thì có đến 41% người tham gia khảo sát hiện đang ở nhà thuê; 36% ở chung với gia đình; chỉ có 17% có nhà ở tại TP.HCM.

Đáng lưu ý, có tới 36% người được khảo sát lựa chọn mua nhà từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng; hơn 33% lựa chọn mua nhà từ 1 tỉ đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng; gần 20% mua từ 1,5 tỉ đồng đến dưới 2 tỉ đồng; hơn 10% mua nhà trên 2 tỉ đồng.

Vấn đề nhà ở xã hội được nhiều cử tri quan tâm kiến nghị. Trong ảnh: Chung cư - nhà ở xã hội Topaz City ở Q.8, TP.HCM

NGỌC DƯƠNG

Công nhân than không thể mua nhà

Cử tri Hà Thị Trang, đại diện công nhân lao động, Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vina, cho biết với tình hình thực tế hiện nay 2 năm qua nhà nước không tăng lương, nhưng vật giá gia tăng liên tục nên đồng lương ít ỏi của công nhân không thể mua được nhà ở. “Chưa kể ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn hàng tại các doanh nghiệp ít, thời gian tăng ca giảm, làm cho lương công nhân không đủ chi trả các khoản phí phát sinh như ăn uống, đi lại, nuôi con nhỏ”, chị Trang phát biểu.

Cử tri Nguyễn Thị Thu Phương, nghiệp đoàn xe ôm công nghệ (Liên đoàn Lao động Q.7), cũng trải lòng: “Tôi là tài xế Grab xe máy, là lao động nhập cư, có 1 con trai đang học tiểu học, đang ở nhà trọ. Với mức thu nhập hiện nay khoảng 7 triệu đồng/tháng, tôi chỉ đủ thuê 1 phòng trọ nhỏ với mức 1,5 triệu đồng/tháng. Số còn lại phải tiết kiệm lắm mới đủ cho cuộc sống của 2 mẹ con nên rất khó có tiền dư để mua nhà tại TP.HCM”.

Theo cử tri Phương, mỗi quận, huyện cần xây dựng các chung cư có diện tích căn hộ phù hợp cho gia đình có 2 - 4 người, với giá cả phù hợp thu nhập của công nhân, người lao động, bán trả góp với giá cả ưu đãi hoặc cho thuê giá rẻ.

Cần gỡ vướng với nhà cho thuê

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM, sau 15 năm TP.HCM đã đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội với 1,55 triệu m2 sàn, tương ứng 18.800 căn hộ. Trong đó, giai đoạn từ năm 2016 - 2020 có 19 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng, tương ứng 14.900 căn hộ. Ngoài ra, TP.HCM cũng có 16 dự án nhà lưu trú công nhân đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với khoảng 21.400 chỗ ở cho công nhân, người lao động tại 11/17 khu chế xuất, khu công nghiệp.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho hay cơ quan này vừa thực hiện một khảo sát quy mô và trực tiếp tại nhà trọ trên địa bàn TP.HCM, thấy rõ nhu cầu nhà ở của công nhân, đặc biệt là nữ công nhân rất lớn. Những bức xúc liên quan chính sách nhà ở, các vấn đề pháp lý cần gỡ vướng để thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp đã được lãnh đạo TP.HCM thấy và đau đáu. “Các chính sách nhà ở cho công nhân phải tính đến giá, tính đến đối tượng và xây dựng nhà cho thuê cũng như có chính sách hỗ trợ cho chủ nhà trọ và cả người thuê trọ để nâng cao chất lượng tại nơi ở lên. Điều này là căn cơ, cốt lõi và dễ giải quyết hơn đối với việc mua nhà ở xã hội”, bà Thúy nói.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trước năm 2019, giá bán nhà ở xã hội không quá 16 triệu đồng/m2 thì hiện nay giá căn hộ ở mức từ 20 đến dưới 25 triệu đồng/m2. Tính ra mỗi căn hộ nhà ở xã hội có giá trên 1 - 1,6 tỉ đồng.

“Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đặt chỉ tiêu 47 dự án nhà ở, tập trung chủ yếu ở Q.7, Q.Bình Tân và TP.Thủ Đức; còn các quận nội thành chỉ có 2 dự án. Ngoài ra, TP.HCM cũng khuyến khích các địa phương ngoại thành đẩy mạnh dự án nhà ở xã hội, đáp ứng trên 35.000 căn hộ”, ông Khiết nói.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận các chính sách liên quan nhà ở xã hội như chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay thực hiện dự án; các dự án kéo dài và thủ tục pháp lý phức tạp... khiến việc thu hút các nhà đầu tư tham gia còn hạn chế.

Hoạch định chính sách phải đảm bảo phúc lợi xã hội

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện và TP.Thủ Đức có văn bản trả lời đầy đủ các kiến nghị, vấn đề mà cử tri nữ công nhân, viên chức, người lao động TP đặt ra. Qua đó, tiếp thu đầy đủ, chọn lọc, hiện thực hóa các đề xuất, giải pháp mà cử tri đóng góp, hiến kế để xây dựng và hoạch định chính sách phù hợp nhằm đảm bảo phúc lợi xã hội đối với công nhân, người lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.