Thiếu quy định xử lý 'xe dù, bến cóc'?

23/12/2022 12:30 GMT+7

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Công an TP.HCM mở các đợt cao điểm trong công tác kiểm tra và xử lý theo quy định đối với các hoạt động dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định, không đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn.

UBND TP.HCM yêu cầu UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra tình trạng đón, trả khách không đúng quy định tại các bến bãi, tuyến đường quản lý (xe dù, bến cóc).

Sở GTVT TP.HCM có trách nhiệm tăng cường thanh, kiểm tra về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô; việc chấp hành các quy định về vận tải của các đơn vị vận tải; xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Đồng thời tham mưu tổ chức vành đai hạn chế ô tô khách có giường nằm và quy định về xe trung chuyển khách; sửa đổi, bổ sung Nghị định xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần.

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở GTVT tiếp tục rà soát các vị trí có tình trạng “xe dù, bến cóc”, tập trung xử lý quyết liệt từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2023.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan tới “xe dù, bến cóc”

Tại công điện về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội xuân 2023 (ban hành ngày 19.12), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan tới tình trạng “xe dù, bến cóc”, tăng giá vé trái quy định.

Trước đó, trong tháng 11.2022, Bộ GTVT cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP về việc kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”… trên địa bàn địa phương.

Hiểu sao cho đúng về “lặp đi lặp lại hằng ngày”?

Theo UBND TP.HCM, thời gian qua, UBND TP.HCM đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch thực hiện kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn TP.HCM; nhất là hành vi đón, trả khách không đúng nơi quy định gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Đoàn kiểm tra liên ngành TP.Thủ Đức (TP.HCM) lập biên bản xe khách vi phạm lỗi “không chạy đúng hành trình vận tải quy định”

C.N

Cho rằng quy định hiện hành còn chưa rõ về xử lý “xe dù, bến cóc” nên UBND TP.HCM vừa đề nghị Bộ GTVT hướng dẫn về điều kiện, tiêu chí hoặc nội dung quy định cụ thể để lực lượng chức năng có đủ cơ sở thực hiện kiểm tra, xác định và xử lý hành vi vi phạm.

Theo đó, một số nội dung cần hướng dẫn, quy định rõ hơn. Cụ thể như: việc xác định rõ nội dung vi phạm lặp đi lặp lại hằng ngày trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch; về hành vi thành lập điểm giao dịch đón trả khách trái phép…

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, theo quy định hiện nay đã có đủ căn cứ để xử lý “xe dù, bến cóc”. Theo Điều 7, Điều 8 Nghị định 10 năm 2020 của Chính phủ (quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô) ghi rõ những hành vi đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch được làm hoặc không được làm.

Trong đó, đơn vị kinh doanh vận tải: “Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh”.

Vậy cơ sở nào xác định chủ thể và hành vi “lặp đi lặp lại hằng ngày” bao nhiêu lần mới được xem là vi phạm? Luật sư Hậu phân tích, căn cứ vào Điều 7, Điều 8 Nghị định 10 năm 2020, thì “trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp”.

Phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị. Do đó chủ thể là đơn vị kinh doanh vận tải có xe vi phạm trên 30%, thì bị xem là lặp đi lặp lại để làm căn cứ xử lý vi phạm.

Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) xử lý nhiều xe khách vi phạm phòng cháy chữa cháy, dừng đón trả khách sai quy định

C.N

Để xử lý việc “lặp đi lặp lại hằng ngày”, có thể trích xuất được từ dữ liệu giám sát hành trình (GPS) của đơn vị vận tải, bởi Tổng cục Đường bộ VN (nay là Cục Đường bộ VN, Bộ GTVT) đã phân cấp cho các Sở GTVT được truy cập trích xuất dữ liệu GPS của đơn vị vận tải. Và hiện nay hằng tháng Sở GTVT vẫn trích xuất dữ liệu để xử lý các xe vi phạm tốc độ 5 lần/1.000 km.

Ngoài ra việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lắp có thể căn cứ vào hợp đồng vận chuyển hành khách hằng ngày các đơn vị kinh doanh vận tải phải báo cáo về Sở GTVT. Do vậy, Sở GTVT cũng có thể dựa vào dữ liệu đơn vị vận tải báo cáo để xử lý vi phạm về trùng lắp điểm đầu, điểm cuối.

Liên quan vấn đề này, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ GTVT nâng cấp hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, để xử lý và khai thác trích xuất dữ liệu nhanh chóng hơn.

Khó xử lý bến cóc?

Về xử phạt hành vi thành lập điểm giao dịch đón trả khách trái phép, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, căn cứ Điều 28 Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), thì chủ thể nào đứng ra thành lập điểm giao dịch đón, trả khách trái phép (bến cóc) sẽ bị xử lý.

Theo luật sư Trạch, mặc dù pháp luật không quy định như thế nào là “bến cóc” nhưng tại Điều 3 và Điều 21 Nghị định 10 năm 2020 của Chính phủ quy định: “Bến xe ô tô khách (bến xe khách) là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thực hiện chức năng phục vụ xe ô tô đón, trả hành khách và các dịch vụ hỗ trợ vận tải hành khách”. Bến xe khách chỉ được đưa vào khai thác sau khi Sở GTVT các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư công bố.

“Do đó, nếu không đáp ứng được quy định trên thì các điểm đón, trả khách này đều bị xem là trái phép để làm căn cứ xử lý vi phạm”, luật sư Trạch phân tích.

Trường hợp xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đồng ý, thì có thể bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng đối với cá nhân và từ 30 - 40 triệu đồng đối với tổ chức (Điều 14, Nghị định 100).

“Việc kinh doanh vận tải đương nhiên phải có đăng ký kinh doanh, đây mới chỉ là điều kiện cần và còn phải đáp ứng điều kiện đủ về tuân thủ bến bãi. Nên theo tôi, chỉ cần vi phạm 1 trong 2 điều kiện này đều bị xử lý”, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.