Thiếu SGK do học sinh tăng hay nhập 'cầm chừng' chờ thay sách?

21/08/2018 07:47 GMT+7

Suốt mấy ngày trước khi học sinh bước vào năm học mới, như Thanh Niên đã thông tin, phụ huynh và học sinh ở nhiều tỉnh, thành không tìm ra sách giáo khoa, đặc biệt ở các lớp đầu cấp.

[VIDEO] Sách giáo khoa khan hiếm, “cò” sách hét giá gấp 5 lần
“Sách lớp 1 hết từ lâu rồi” !
Trong sáng 20.8, ngày tựu trường của năm học mới, PV Thanh Niên đến đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), nơi tập trung nhiều nhà sách, để tìm mua sách giáo khoa (SGK). Câu trả lời của các nhân viên nhà sách đều là: “Sách lớp 1 hết từ lâu rồi, những lớp khác chỉ còn sách lẻ. Cứ có cuốn nào mua cuốn đó đi, chứ chờ thì chưa biết chính xác ngày nào có đủ”.
Trên kệ của các nhà sách này không thấy sách đóng bộ, mà chỉ còn từng cột sách riêng lẻ. Đặc biệt khu vực sách lớp 1 trống trơn. Một nhân viên cho hay: “Giờ có đi khắp các nhà sách cũng không có sách lớp 1. Mấy hôm trước, do thấy nhu cầu của phụ huynh còn nhiều, nhà sách đã đi gom khắp nơi mà vẫn không đủ để đáp ứng. Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục có nói sẽ cung ứng kịp thời nhưng chưa có cụ thể về thời gian”.
Phụ huynh Nguyễn Ngọc Hạnh (đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp) cho biết: “Hai ngày cuối tuần, tôi dẫn cháu đi khắp các nhà sách nhưng chỉ mua được sách toán và một số sách bài tập của lớp 1. Hôm nay là ngày tựu trường nên chắc chưa học gì và nghĩ lên trung tâm TP có các nhà sách lớn tìm cho đủ mà cũng... thua”.
Tại nhà sách Minh Khai, một phụ huynh đang tìm sách cho con học lớp 10 Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM, than thở: “Tôi đi 4 nhà sách, sau đó ra cả tiệm tạp hóa gần trường mà vẫn chưa đủ bộ sách lớp 10”.
Tương tự, PV còn gặp hai ông bà đang đi tìm sách cho cháu nội với nỗi lo lắng: “Các cô bán sách nói sách lớp 2 không có đủ bộ, thiếu sách đạo đức, hát và tập viết mà chưa biết khi nào mới có”.
Không nhận sách bán vì sợ tồn kho
Ông Phạm Tất Hùng, phụ trách nhà sách Tiền Phong trên đường Ngọc Hà (Hà Nội) cho rằng sở dĩ năm nay có tình trạng khan sách là do số lượng học sinh tăng đột biến. Nhà sách đã lường trước tình hình nhưng số lượng đăng ký vẫn không đáp ứng được. “Đối với sách SGK, các nhà sách khi đăng ký không được trả lại nên phải tính toán cẩn thận”, ông Hùng cho hay.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, việc cung ứng SGK qua các đơn vị trường học đã hoàn tất từ thời điểm học sinh nhập học các lớp đầu cấp và không xảy ra tình trạng khan hiếm. Tuy nhiên, một bộ phận phụ huynh cho hay họ không muốn đăng ký mua SGK qua kênh nhà trường vì phải mua theo bộ mà trong đó thường có bán “kèm” rất nhiều “sách bổ trợ”, vở bài tập... không thuộc danh mục bắt buộc, mua về không dùng rất lãng phí.
Sẽ có sách chuyển về các địa phương
Trước tình trạng còn nhiều học sinh chưa đủ SGK để bước vào năm học mới, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết trước mắt phụ huynh yên tâm vì tuần đầu tiên sau khi tựu trường, nhà trường dành thời gian để ổn định học sinh, rèn tập một số kỹ năng... Đến ngày 27.8 mới chính thức bước vào tuần học đầu tiên của chương trình. Sở GD-ĐT cũng đã liên hệ với NXB Giáo dục về vấn đề này; SGK sẽ nhanh chóng được chuyển về các địa phương. Để tránh mua phải sách in lậu, sách giả, NXB Giáo dục VN đề nghị phụ huynh và các học sinh mua sách tại cửa hàng, siêu thị của nhà xuất bản và của công ty sách - thiết bị trường học địa phương.
Việc xảy ra tình trạng thiếu SGK ở các cửa hàng sách được một số chuyên gia lý giải rằng, theo lộ trình, chậm nhất năm học 2020 - 2021 sẽ đổi mới chương trình, SGK lớp 1, nên vào thời điểm phát hành cận kề năm học mới, một số đại lý, cửa hàng sách tại các TP lớn có hiện tượng không nhận thêm SGK để bán vì sợ tồn kho. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ xảy ra cục bộ tại một vài thời điểm. Hiện tượng này cũng đã từng xảy ra vào các đợt thay SGK hiện hành theo hình thức “cuốn chiếu”.
Lo ngại nảy sinh in lậu SGK
SGK hiện nay vẫn thuộc độc quyền xuất bản của NXB Giáo dục VN, hệ thống phát hành SGK thuộc chức năng của các công ty sách - thiết bị trường học ở các tỉnh, thành. Tại Hà Nội, 2 công ty được NXB Giáo dục VN chọn làm nhiệm vụ cung ứng SGK là Công ty sách và thiết bị trường học Hà Nội và Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Hà Tây. Đầu tháng 4.2018, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có công văn gửi các trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện và các cơ sở giáo dục trực thuộc yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp để xây dựng kế hoạch, lựa chọn phương thức phát hành sách và các sản phẩm giáo dục khác phù hợp với tình hình thực tế, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhà trường, giáo viên và HS đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, phục vụ kịp thời năm học 2018 - 2019. Công văn này cũng nêu rõ các đơn vị cung cấp SGK có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị trường học, các phòng GD-ĐT quận, huyện để tổ chức triển khai thực hiện việc cung ứng kịp thời sách và các sản phẩm giáo dục khác theo quy định.
Nghiêm trọng hơn là tình trạng thị trường khan hiếm dễ làm nảy sinh việc in lậu SGK. Đại diện NXB Giáo dục VN cũng cho biết Ban chống in lậu của nhà xuất bản và tại các miền đã phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương phát hiện sách in lậu trên địa bàn một số tỉnh như Đồng Nai, Lâm Đồng, Tây Ninh, Nam Định, Nghệ An... Các cơ quan chức năng hiện đang tạm giữ trên 17.000 xuất bản phẩm có dấu hiệu in lậu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.