Thịt heo được chọn làm nhân bánh chưng hay các món ăn truyền thống ngày tết không phải chỉ vì hợp hương vị mà còn mang ý nghĩa biểu tượng. Việt Nam là nước thuần nông, hình ảnh con heo gắn liến với nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước. Xuyên suốt từ Bắc vào Nam đều thống nhất một nền văn hóa như vậy nhưng mỗi vùng miền lại có thêm những biến thể, đa dạng văn hóa khác nhau. Người Bắc dùng thịt heo làm bánh chưng, làm nem, thịt đông thì người Nam lại dành thịt heo cho bánh tét và đặc biệt là thịt kho tàu.
“Không có thịt kho tàu thì không còn hương vị ngày tết. Do giá thịt heo tăng, người ta phải nghĩ thay thế bằng nguyên liệu khác nhưng bánh chưng, bánh tét mà không có thịt heo thì vẫn sẽ thấy thiếu thiếu, nhạt nhạt. Thiếu thịt heo ngày tết là một sự thiệt thòi về văn hóa”, PGS-TS Phan An nhận định.
Tuy nhiên, quan điểm của người trẻ lại khác. Bà Mandy Nguyễn, Giám đốc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp - Startup Vietnam Foundation (SVF), cho rằng: “Mỗi năm thường có một sự chuyển biến về món ăn, thức uống gì đấy cho tết. Hãy xem đó như quy luật của thị trường hoặc đơn giản thói quen của người tiêu dùng. Đặc biệt, xu hướng người ăn chay, hoặc lựa chọn chế độ ăn tốt cho sức khỏe ngày càng lớn, nên việc món gì đó trong ngày tết tăng giá, có ảnh hưởng nhưng không đến mức độ khủng hoảng. Theo tôi, thực sự có rất nhiều sự thay thế và câu chuyện ăn chơi ngày tết thuộc về phạm trù không khí, tương tác giữa con người với con người hơn là con người với… đồ ăn”. Với ngày bình thường, những món ăn ngày tết như bánh chưng, bánh tét, mứt, hạt... vẫn được bán quanh năm và khi nào thích có thể mua ăn ngay lập tức. Tuy nhiên, theo bà Mandy Nguyễn, chúng ta ăn những món đó nhưng hoàn toàn không có cảm giác tết bởi không trong bối cảnh, không khí gia đình, thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn...
Bà Mandy Nguyễn nhấn mạnh: “Chính các thành tố đó tạo nên tết chứ bản thân chiếc bánh chưng không làm nên tết. Thế nên, để cho rằng thiếu chiếc bánh chưng, văn hóa tết hao khuyết đi phần nào thì không hẳn. Bất kỳ sự thay đổi nào đều do tự bản thân mình cảm nhận. Chính người tiêu dùng tự quyết định việc mua sắm của mình nên thay đổi khẩu vị, món ăn đôi khi tạo nên sự mới mẻ trong sinh hoạt tết ngày thường hơn là suy nghĩ về một “thiệt thòi văn hóa”.
Bình luận (0)