Sáng 31.5, nêu ý kiến thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) dành nhiều thời gian để góp ý về những bất cập ngành y tế thời gian qua.
"Bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc, BHYT có đền bù?"
Đại biểu đoàn TP.HCM đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có câu trả lời khi nào đảm bảo được vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Bà Lan cho rằng, hiện đã có chỉ đạo quyết liệt của phó thủ tướng trong việc Bộ Y tế phải lấy lại vai trò của mình và phải tiến hành đấu thầu, đàm phán giá hay thế nào đó chủ động chứ không đẩy trách nhiệm về địa phương như hiện nay.
"Trong quá trình cứ đẩy qua đẩy lại thế này người phải trả giá chính là trẻ em của chúng ta. Trách nhiệm và hậu quả sẽ hết sức nặng nề nếu như vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia chậm trễ. Chậm ngày nào là chết ngày đó. Đề nghị có trả lời rành rọt, dứt khoát vấn đề này", bà Lan nêu.
Vấn đề thứ 2, bà Lan cho rằng, thời gian qua, các cơ sở y tế gặp rất nhiều vấn về về cung ứng, mà đỉnh điểm là thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế ở bệnh viện.
Theo đại biểu đoàn TP.HCM, Chính phủ đã có phản ứng quyết liệt thể hiện ở Nghị định 07 ngày 3.3.2023 sửa đổi Nghị định 98 năm 2021 về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị quyết 30 ngày 4.3.2023 về các giải pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế...
"Tôi xin hỏi từ đó tới nay ngành y tế đã có tổng kết, sơ kết ban đầu để thấy được những cái nào có ích, cái nào thực sự tháo gỡ khó khăn trong quá trình mua sắm thuốc, trang thiết bị để có thể luật hóa, để chúng ta không lâm vào tình trạng năm nào cũng thiếu. Không lẽ lúc nào Thủ tướng cũng phải ra nghị quyết. Tôi đề nghị cũng phải khẩn trương làm vấn đề này", bà Lan kiến nghị.
Vấn đề thứ 3, bà Lan cho rằng, khi thiếu thuốc, trang thiết bị chúng ta đã có tình trạng nhiều bệnh nhân đến bệnh viện phải tự đi mua thuốc, phải tự đi chụp chiếu ở các cơ sở tư nhân, phải tự đi mua vật tư y tế.
"Tôi xin hỏi vai trò của BHYT trong việc đền bù những chi phí này. Bởi vì đây là quyền lợi chính đáng của người được BHYT", bà Lan nêu, và cho rằng, đây là những vấn đề phải hết sức tập trung có câu trả lời chính thức.
Hướng dẫn rõ ràng về tự chủ trong y tế
Trong khi đó, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc do còn tình trạng cán bộ không dám làm, sợ chịu trách nhiệm.
Theo bà Thu, việc chậm giải quyết các công việc, thủ tục hành chính đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Nếu tình trạng kéo dài sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân.
Nói về nguyên nhân, bà Thu nhìn nhận, có nguyên nhân khách quan là pháp luật có những điểm thiếu cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Ngoài ra, đại biểu kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các quy định rõ ràng về tự chủ trong y tế, để khắc phục những bất cập trong vấn đề này.
Bình luận (0)