Thiếu tướng Huỳnh Phan Hộ: Hùng thay Tầm Vu

28/09/2021 06:30 GMT+7

“Hùng thay Tầm Vu! Vang danh oai Huỳnh tướng quân...” là lời mở đầu của ca khúc về chiến thắng Tầm Vu do nhạc sĩ Đắc Nhẫn soạn nhạc, Quốc Hương viết lời. Bài hát ca ngợi thiếu tướng Huỳnh Phan Hộ, Khu bộ trưởng Chiến khu 9 với trận đánh nổi tiếng do ông chỉ huy tại Tầm Vu.

Vang danh chiến thắng Tầm Vu
Thống kê của Hội đồng Khoa học Quân khu 9, tại Cần Thơ, trong năm 1947 đã diễn ra nhiều trận đánh hạ gục những tên thực dân Pháp xâm lăng. Nổi tiếng nhất là trận phục kích trên lộ 4 đoạn Tầm Vu (đi vào lịch sử là chiến thắng Tầm Vu lần thứ 3) ngày 3.5.1947 do Khu bộ trưởng Huỳnh Phan Hộ chỉ huy (có sự phối hợp của lực lượng vũ trang tỉnh Cần Thơ) đã đốt cháy 6 xe cam-nhông, diệt trên 100 tên địch, thu 8 súng đại liên, 2 súng cối, 4 trung liên và 47 súng trường cùng nhiều đạn dược, quân trang quân dụng. Đây là trận đánh “vận động chiến” rất nhanh gọn. Chiến thắng Tầm Vu lần thứ 3 gây tiếng vang lớn đã mau chóng lan truyền trên khắp các tỉnh, làm nức lòng quân và dân miền Tây Nam bộ.
Ở Tầm Vu (hồi đó thuộc xã Thạnh Hòa, H.Phụng Hiệp - nay thuộc xã Thạnh Xuân, H.Châu Thành, cách TP.Cần Thơ 17 km) trước đó đã diễn ra 2 trận đánh: trận Tầm Vu 1 do Nguyễn Đăng vạch kế hoạch; trận Tầm Vu 2 do Ngô Hồng Giỏi chỉ huy. Sau đó, trận Tầm Vu 4 do Trương Văn Giàu và Võ Quang Anh chỉ huy. Ở trận Tầm Vu 4, các chiến sĩ cho địa lôi nổ đồng loạt rồi xung phong chiếm lĩnh trận địa. Trong chiến thắng này, quân dân Cần Thơ đã diệt 100 tên địch, trong đó có tên đại úy chỉ huy và thu gần 200 súng, có 1 đại bác 105 ly với toàn bộ quân trang quân dụng. Đây là lần đầu tiên ta tịch thu được khẩu pháo 105 ly rồi đưa về căn cứ an toàn. Sau đó, kẻ địch nhiều lần đánh vào căn cứ, lùng sục để chiếm lại khẩu pháo 105 ly nhưng đều thất bại. Khi thành lập Bảo tàng Quân đội, khẩu pháo 105 ly này trở thành hiện vật bảo tàng.

Quản đốc đồn điền thành chỉ huy kháng chiến

Huỳnh Phan Hộ sinh tại Bãi Xàu, Sóc Trăng trong một gia đình trung lưu. Tên thật của ông là Phan Trọng Hộ. Khi còn là học sinh trung học Cần Thơ, với tinh thần yêu nước, học trò Hộ đã tham gia phong trào học sinh bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh. Từ một học sinh yêu nước, đến khi làm việc cho đồn điền Cờ Đỏ (Cần Thơ), anh được giác ngộ lý tưởng cách mạng do Xứ ủy viên Nam Kỳ là Ung Văn Khiêm tuyên truyền, sau đó là kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Từ năm 1942, Huỳnh Phan Hộ tạo điều kiện cho Ung Văn Khiêm và các chiến sĩ cách mạng bám đồn điền hoạt động. Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, nhiều cơ sở bị đánh phá, đàn áp, và dìm trong bể máu; lúc này các cơ sở của Đảng đã dần phục hồi. Tháng 8.1945, Huỳnh Phan Hộ tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Cần Thơ, lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng.
Các nhà sử học trong Ban biên soạn Lịch sử Tây Nam bộ kháng chiến (1945 - 1954) đánh giá về trường hợp Huỳnh Phan Hộ như sau: Ông đã làm quản đốc cho một đồn điền lớn của Pháp. Như vậy, nếu xem xét một cách máy móc về quan điểm giai cấp thì ông là người gắn bó rất chặt chẽ với lợi ích của tư bản ngoại quốc, với chủ nghĩa thực dân. Nhưng trong thực tế, ông đi theo cách mạng một cách dứt khoát, không đắn đo. Sự dứt khoát đó đã được cộng đồng những đồng chí nhìn nhận và trân trọng. Nếu cứ máy móc vận dụng quan điểm giai cấp thì Tây Nam bộ mất đi không chỉ một mà rất nhiều người yêu nước có tài năng, có ý chí, có tấm lòng, và thực tế đã đóng góp gần như cả cuộc đời mình cho cách mạng, cho kháng chiến. Thiếu tướng Huỳnh Phan Hộ là một trong những người như vậy.
Tháng 9.1945, ông được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Cộng hòa vệ binh Cần Thơ, là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hậu Giang, phụ trách mặt trận Cần Thơ. Thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ, ông trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang kiên cường chống cự.
Khi có điều kiện hòa hoãn, Huỳnh Phan Hộ đến Vàm Xáng - Ngang Dừa gặp chỉ huy Pháp trên một chiếc tàu chiến để bàn việc thi hành Hiệp định Sơ bộ (6.3.1946) trên địa bàn Tây Nam bộ. Nhưng phía Pháp từ chối.
Cũng dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến chống Pháp (1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bảng vàng danh dự truy phong hàm đại tá cho ông Nguyễn Văn Thái, một chiến sĩ cách mạng, đã hy sinh tại mặt trận Bình Diên - Tân An (tháng 2.1948). Tiếc rằng đến nay thông tin về ông Nguyễn Văn Thái chúng tôi không có nhiều. Hy vọng sau bài viết này, bạn đọc của Báo Thanh Niên sẽ bổ sung giúp những thông tin về đại tá Nguyễn Văn Thái.
Huỳnh Phan Hộ hy sinh trong trận đánh giao thông trên quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) tại Cống Đôi, xã Đại Hải, H.Kế Sách, Sóc Trăng. Đó là một cái tang chung cho các lực lượng vũ trang Khu 9. Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bảng vàng danh dự truy phong hàm thiếu tướng cho ông dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến chống Pháp (1948).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.