Thổ cẩm làng Teng

30/01/2020 09:00 GMT+7

Đó là ngôi làng duy nhất của người H’rê ở Quảng Ngãi biết dệt thổ cẩm và cũng là nơi cung cấp trang phục bằng thổ cẩm cho phần lớn đồng bào dân tộc vùng cao tỉnh này.

Bộ VH-TT-DL vừa công nhận nghề dệt thổ cẩm của làng Teng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhận diện làng Teng

Những nét đặc trưng của văn hóa Đông Sơn lẫn Chămpa được thể hiện trên hoa văn của thổ cẩm làng Teng, đó chính là sự khác biệt với thổ cẩm các dân tộc khác cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn

 Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi

Ngôi làng cạnh QL24 đi Kon Tum, thuộc xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, cách nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa cùng sự ra đời của Đội du kích Ba Tơ lừng danh vào tháng 3.1945 chừng 3 cây số về phía đông. Làng nằm bên sông Liêng, gần địa danh “Bến Buôn”, có thể là một bến đỗ của thuyền bè, từng là nơi giao thương giữa hai miền xuôi ngược từ nhiều thế kỷ trước. Làng có 200 hộ, toàn người H’rê. Nếu không có “nhà truyền thống” cùng một cụm “nhà sàn mẫu” ở đầu làng thì khó mà biết được đây là ngôi làng của đồng bào thiểu số vùng cao vì phần lớn nhà cửa của họ đã được xây theo kiểu người Kinh.

Truyền nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng

Ảnh: Vinh Danh

Có vẻ như những trật tự có tính truyền thống của một ngôi làng người H’rê nơi đây đã bị nghiêng lệch. Chỉ có trang phục của phụ nữ H’rê thì dường như thách thức trước những đổi thay. Những bộ áo váy thổ cẩm không lẫn vào đâu được như cố níu giữ chút mảnh vỡ cuối cùng còn sót lại của người H’rê cổ xưa ở làng này.
Cùng với nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu ở Quảng Nam, làng Teng là địa danh thứ 2 ở khu vực trung Trung bộ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, nếu như ở Quảng Nam, nghề dệt truyền thống này xuất hiện ở rất nhiều làng của đồng bào Cơ Tu thì làng Teng là nơi duy nhất biết dệt thổ cẩm, cung cấp cho toàn bộ hơn 200 ngôi làng của đồng bào thiểu số phía tây Quảng Ngãi từ nhiều đời nay.
Theo tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, chữ Teng là ký âm theo giọng Quảng Ngãi, còn tên gốc của nó là T’răng (Tăng). Người Quảng Ngãi, âm Ă được đọc thành E nên chữ Tăng được đọc thành Teng và “đóng dấu” luôn trên văn bản hành chính của làng.
Cụ bà Phạm Thị Thao, một nghệ nhân của làng, nay đã 80 tuổi, giải thích chữ Tăng ở đây có nghĩa là “đất bằng”. Còn tiến sĩ Khôi thì nói, gốc của chữ Tăng có nghĩa là đan lát, dệt. Giải thích theo cụ bà Thao hay tiến sĩ Khôi đều có nguyên nhân của nó về ngôi làng đặc biệt này.

Sự khác biệt

Người H’rê ở Quảng Ngãi được chia làm 4 nhóm, dựa vào các con sông - nơi cư dân H’rê quần cư để định danh, gồm: nhóm Đăk Re, nhóm Tà Vá, nhóm Ka Rế và nhóm Nước Liêng. Dân H’rê ở làng Teng thuộc nhóm thứ tư này vì họ sống dọc sông Liêng. Cùng là người H’rê nhưng nhìn phụ nữ ở làng Teng rất khác so với phụ nữ H’rê còn lại. Đa số thiếu nữ của làng có làn da bánh mật chứ không quá đen, mũi cao chứ không tẹt, môi mỏng, mắt màu hạt dẻ… Có cảm giác như bao nhiêu vẻ đẹp tinh hoa nhất của tổ tiên người H’rê đều dồn hết cho phụ nữ của làng này.

Một lớp dạy thổ cẩm ở làng Teng

Ảnh: Vinh Danh

Một khác biệt nữa, người H’rê ở Quảng Ngãi chiếm tỷ lệ rất đông với gần 120.000 người, nhưng đây là ngôi làng duy nhất biết trồng bông và dệt thổ cẩm. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi nói rằng, trong các cuộc chiến tranh liên miên giữa vương quốc Chămpa và Đại Việt từ nhiều thế kỷ trước, để tránh gươm đao, một bộ phận dân Chăm đã lánh nạn lên vùng cao này rồi trà trộn với người dân tộc bản địa. Trải qua nhiều đời, các cuộc hòa huyết giữa người Chăm và người dân tộc thiểu số ở vùng cao đã sinh ra một “tạng” người như người H’rê ở làng Teng này. Một tên gọi khác về người H’rê là Chăm Rê được xuất phát từ cuộc hòa huyết này chăng? Cũng chỉ phỏng đoán thôi nhưng điều này là có thật: Trồng bông hoặc trồng dâu nuôi tằm dệt vải là nghề truyền thống của người Chăm chứ người H’rê hầu như không thấy dấu vết nào sót lại cho đến hôm nay. Chọn một bãi đất bằng, lại nằm cạnh dòng sông để định cư cũng là một cách “nhìn xa trông rộng” của tổ tiên ngôi làng này. Vì thường thì dân H’rê ở trên núi cao chứ hiếm khi sống ven sông và làm lúa nước rất bài bản như làng Teng.
Dân H’rê có gần 12 vạn người nhưng chỉ riêng Ba Tơ thì mang họ Phạm như người Kinh còn tất cả các huyện còn lại đều mang họ Đinh. Bà Thao được nhắc trên đây mang họ Phạm là vì vậy. Nghe đâu người H’rê ở Ba Tơ lấy họ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - một người con của Quảng Ngãi để đặt họ cho dân tộc mình. Chưa biết thực hư thế nào, chỉ biết rằng cả huyện Ba Tơ, hễ ai là dân H’rê, dĩ nhiên là mang họ Phạm. Cũng như người Cor ở huyện Trà Bồng - một huyện vùng cao khác của Quảng Ngãi, tất cả đều mang họ Hồ sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.

Đặc trưng thổ cẩm làng Teng

Nét độc đáo của thổ cẩm làng Teng không chỉ là sự tinh xảo của tấm vải qua bàn tay tài hoa của người thợ ở làng mà người H’rê còn ký thác vào đó rất nhiều ẩn ý của dân tộc mình. Họ quan niệm về âm - dương đối lập qua hai màu đen và đỏ, điều hiếm gặp trong các loại thổ cẩm Tây nguyên. Hoặc trên băng hoa văn của tấm thổ cẩm làng Teng không có “hồi văn”, tức hoa văn không lặp lại trên các đường viền mà nó kéo dài hết lớp này tới lớp khác đến vô tận. Nó buộc người xem phải “đi theo” đến tận cùng mà không chán mắt. Sự cách điệu trong cách thể hiện trên hoa văn thổ cẩm làng Teng cũng được người H’rê rất chú trọng. Có một dòng chảy của văn hóa Đại Việt lẫn văn hóa Chămpa đã hiện diện trên các hoa văn thổ cẩm của làng Teng. Ví dụ như hoa văn răng lược trên trống đồng Đông Sơn hoặc hoa văn sóng nước rất đặc trưng trên đồ gốm Chăm đều được người H’rê dệt vào thổ cẩm một cách mềm mại và tinh xảo. Cảnh sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của người H’rê, thậm chí cả những con vật quen thuộc như chó, gà cũng xuất hiện trên thổ cẩm của làng.
“Những nét đặc trưng của văn hóa Đông Sơn lẫn Chămpa được thể hiện trên hoa văn của thổ cẩm làng Teng, đó chính là sự khác biệt với thổ cẩm các dân tộc khác cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn”, TS Đoàn Ngọc Khôi nhận xét.
Dạo một vòng quanh làng thì thấy hầu như nhà nào cũng có khung dệt thổ cẩm dù nghề này mang lại cho phụ nữ của làng mức thu nhập không nhiều. Cụ Phạm Thị Thung, một trong 15 nghệ nhân của làng, nay sang tuổi 82 nhưng vẫn miệt mài bên khung dệt để truyền nghề cho các thiếu nữ H’rê của làng Teng lẫn các làng khác. Cụ Thung cho biết, mỗi bộ áo và váy thổ cẩm bán được 800.000 đồng nhưng tiền chỉ và công may đã hết 250.000 đồng, mà phải miệt mài trong 3 ngày mới xong. “Chỉ giải quyết việc lúc nông nhàn thôi chứ bán rất chậm lại rẻ nên không lời lãi gì đâu”, cụ Thung nói.
Dù “không có lãi” nhưng những khung dệt thổ cẩm của làng mỗi năm một tăng lên.
15 nghệ nhân của làng Teng như 15 thỏi nam châm đủ sức để hút về mình những thiếu nữ H’rê đam mê thổ cẩm. “Mỗi phụ nữ H’rê đều có một bộ thổ cẩm mới nhất để không chỉ chưng diện mỗi khi làng có việc mà còn để được “gặp ông bà” khi nhắm mắt xuôi tay. Đồ tùy táng này là bất di bất dịch đối với phụ nữ H’rê”, cụ bà Phạm Thị Thao tiết lộ điều “bí mật” ấy khi khách tò mò hỏi về ý nghĩa của từng bộ áo váy.
Để “được gặp ông bà khi nhắm mắt xuôi tay” cũng là một trong những lý do để thổ cẩm làng Teng trường tồn với thời gian vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.