Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia năng lượng hạt nhân

28/04/2023 19:57 GMT+7

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố đất nước của ông đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia năng lượng hạt nhân.

Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia hạt nhân - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong buổi lễ ngày 27.4

REUTERS

Theo RT, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 27.4 tuyên bố đất nước của ông đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia có năng lượng hạt nhân. Phát biểu được đưa ra sau chuyến giao nhiên liệu đầu tiên cho nhà máy điện Akkuyu, dự án chung lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga.

"Với việc vận chuyển nhiên liệu hạt nhân bằng đường hàng không và đường biển tới nhà máy điện của chúng tôi, Akkuyu đã đạt được vị thế của một nhà máy hạt nhân", ông Erdogan tuyên bố trong một buổi lễ trực tuyến có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo ông Erdogan, trên thế giới có 422 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và 57 lò đang được xây dựng. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng ca ngợi "các kỹ sư và công nhân" đã làm việc tỉ mỉ để hoàn thành nhà máy trị giá 20 tỉ USD, công suất 4.800 megawatt và giúp nó tồn tại sau hai trận động đất tàn khốc hồi tháng 2 mà không bị hư hại gì.

Nhà máy này là "khoản đầu tư chung lớn nhất của chúng tôi với Nga," ông Erdogan tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng Akkuyu sẽ được mở rộng quy mô để hoạt động hết công suất vào năm 2028. Đến lúc đó, nhà máy Akkuyu sẽ cung cấp 10% nhu cầu năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ, giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

"Dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi trong dự án này, chúng tôi sẽ bắt tay vào xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thứ hai và thứ ba càng sớm càng tốt ở các khu vực khác nhau", ông Erdogan nói.

Dự án Akkuyu được bắt đầu xây dựng vào năm 2018, do một công ty con của công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom thực hiện. Khoảng 30.000 người đã được tuyển dụng trong giai đoạn bận rộn nhất của quá trình xây dựng Akkuyu.

Phát biểu tại buổi lễ ngày 27.4, Tổng thống Putin ca ngợi người đồng cấp Erdogan vì đã "rất quan tâm đến việc mở rộng quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ". Không giống như các đồng minh NATO còn lại, Thổ Nhĩ Kỳ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm ngoái. Thay vào đó, Moscow và Ankara đã tăng cường thương mại song phương. Hồi tháng 8.2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý sẽ mua khí đốt tự nhiên từ Nga bằng đồng rúp.

Trước buổi lễ, hai nhà lãnh đạo cũng đã có một cuộc điện đàm để thảo luận về cuộc xung đột Ukraine, thỏa thuận ngũ cốc giữa Moscow và Kyiv do Liên Hiệp Quốc và Ankara làm trung gian, cũng như những diễn biến ở Syria và các vấn đề khu vực khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.