Thợ săn mìn trong lòng biển

10/06/2013 03:05 GMT+7

Quân đội Mỹ đang đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ tối tân để phát triển “ tàu ngầm không người lái” chuyên dò tìm và phá hủy thủy lôi.

Hơn một năm trước, khi Iran liên tục đe dọa sẽ rải thủy lôi và triển khai chiến hạm, tên lửa phong tỏa eo biển Hormuz, Mỹ cùng nhiều nước phương Tây không khỏi lo lắng. Đơn giản vì Hormuz là cửa ngõ nối vịnh Persia với Ấn Độ Dương, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống vận chuyển dầu khí từ Trung Đông. Cho nên, Washington và các đồng minh liên tục tiến hành tập trận chống phong tỏa ở khu vực này.

Trong đó, phương tiện không người lái dưới mặt nước (UUV) chuyên chống thủy lôi được tăng cường vận hành thực tế, theo tạp chí chuyên ngành quân sự Jane’s Defence Weekly. Hồi tháng 5.2013, Mỹ cùng 40 nước tổ chức tập trận Chống thủy lôi quốc tế (IMCMEX) 2013 tại vùng biển Ả Rập quy tụ khoảng 35 chiến hạm, 18 UUV cùng lực lượng nhân sự lên đến 6.500 người. Tại IMCMEX 2013, các UUV đã dần chứng minh được hiệu quả thực tế đáng kinh ngạc nhờ vào nhiều tính năng tiên tiến. Ngoài ra, loại thiết bị này giúp hạn chế tối đa nguy cơ cho con người bằng cách “săn mìn” từ xa. 

 Thợ săn mìn trong lòng biển 1
AN/SLQ-48 được xem là một thiết bị dò tìm, săn thủy lôi và do thám hữu hiệu - Ảnh: FAS

Những cỗ máy lặn không người lái

Trong số các loại UUV săn thủy lôi, loại Swordfish được hải quân Mỹ triển khai vận hành hoàn thiện từ năm 2008. Theo tài liệu của hải quân Mỹ, UUV Swordfish mang dáng dấp của một ngư lôi, được điều khiển từ xa để di chuyển trong lòng biển. Nó được tích hợp các công nghệ cảm biến hiện đại, hệ thống dò tìm định vị bằng sóng âm (sonar) thế hệ mới. Nhờ đó, UUV Swordfish có thể tìm kiếm, phân loại thủy lôi. Tất cả thông tin được truyền về đơn vị xử lý để thiết lập bản đồ đường đi an toàn, tránh thủy lôi và đưa ra phương thức vô hiệu hóa những mối nguy cơ. Nó có thể liên lạc với đơn vị xử lý, thậm chí ứng dụng cả kết nối với hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu. Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch để triển khai trên những tàu chiến hiện đại của Mỹ.

Không chỉ Swordfish, thiết bị săn thủy lôi AN/SLQ-48 cũng được xem như một loại UUV mà Lầu Năm Góc rất đề cao. Theo tài liệu của cơ quan khảo cứu thuộc Quốc hội Mỹ, AN/SLQ-48 được điều khiển từ xa có thể lặn được để tìm kiếm các mục tiêu dưới nước. Loại thiết bị này tích hợp một máy quay phim truyền trực tiếp hình ảnh về trung tâm xử lý. Nếu đối tượng mục tiêu được xác định là thủy lôi, AN/SLQ-48 có thể đặt thuốc nổ để phá hủy hoặc tiến hành cắt cáp. Tất nhiên, các trang bị dò tìm định vị và truyền hình ảnh tối tân cũng giúp AN/SLQ-48 trở thành một phương tiện do thám hiệu quả trong lòng biển. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, nó sẽ quay về “tàu mẹ”.

Tương tự, dòng UUV Archerfish do Tập đoàn công nghiệp quốc phòng BAE cung cấp cũng khá nổi bật với nhiều ưu điểm. Đặc biệt, với kích thước nhỏ gọn, nó có thể mang theo bởi máy bay trực thăng để dễ dàng triển khai khẩn cấp.

Với những ưu điểm trên, bên cạnh Mỹ, nhiều quốc gia khác như Anh, Pháp… cũng đang đẩy mạnh trang bị UUV cho lực lượng hải quân.

Kỷ nguyên không người lái trên biển

Các chương trình phát triển “tàu ngầm không người lái” săn thủy lôi chỉ là một phần trong chiến lược đẩy mạnh phương tiện khí tài không người lái của hải quân Mỹ. Lầu Năm Góc đang tăng cường trang bị tàu nổi không người lái (Unmanned Surface Vehicle - USV) phục vụ hải chiến lẫn do thám, cứu hộ trên biển.

Thợ săn mìn trong lòng biển 2
Một chiếc USV Spartan được vũ trang - Ảnh: US Navy

Cuối năm ngoái Jane’s Defence Weekly đưa tin Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến Mỹ (DARPA) vừa tăng đầu tư để phát triển SUV chống tàu ngầm.

Cụ thể, DARPA quyết định cung cấp 58,4 triệu USD để nhà thầu quốc phòng Mỹ SAIC thực hiện 3 giai đoạn sau cùng của chương trình USV chuyên săn tàu ngầm (ACTUV). Dựa vào đó, SAIC sẽ chế tạo ACTUV có thiết kế 3 thân dài 40 m, được tích hợp các công nghệ dò tìm và định vị tàu ngầm tối tân nhất. Những loại tàu ngầm dùng động cơ điện kết hợp diesel, nổi danh chạy cực êm, cũng khó thoát khỏi “mắt thần” của ACTUV. Đặc biệt, ACTUV này có tầm hoạt động đến 6.200 km, vận hành liên tục 80 ngày. Dự kiến, DARPA chạy thử chiếc đầu tiên vào giữa năm 2015 và chi phí sản xuất khoảng 20 triệu USD mỗi chiếc.

Ngoài ra, từ năm 2007, hải quân Mỹ lập kế hoạch phát triển toàn diện các loại USV. Theo đó, Mỹ sẽ chú trọng phát triển 4 lớp USV cơ bản gồm: lớp X, lớp Harbor, lớp Snorkeler, lớp Fleet. Trong đó, Harbor, Snorkeler và Fleet có thể dò và phá thủy lôi, tấn công đa nhiệm. Dự kiến, Washington sẽ phát triển 3 loại vũ khí cơ bản cho USV là: súng máy cỡ nòng 7,62 mm và pháo 25 mm, ngư lôi, tên lửa. Về tên lửa, SUV Mỹ có thể được trang bị cả tên lửa đối không lẫn tấn công mặt đất, ví dụ như tên lửa Hellfire tấn công đất liền và cả xe tăng, xe bọc thép.

Gần đây, Mỹ đẩy mạnh vận hành thực tế loại USV Spartan có thể được trang bị tên lửa tấn công và Lầu Năm Góc còn biên chế các USV vũ trang như một lực lượng quan trọng cho các tàu chiến cận bờ để tăng khả năng tác chiến phi đối xứng cho loại chiến hạm này.

Ngô Minh Trí

>> Đức: Hệ thống tàu điện ngầm không người lái sắp đi vào hoạt động
>> Nga thử nghiệm thành công tàu ngầm Kilo đóng cho Việt Nam
>> Nga chạy thử nghiệm tàu ngầm hạt nhân tối tân
>> Trung Quốc ráo riết nâng cấp máy bay chống tàu ngầm 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.