Mặt biển như... mặt đất
Một ngày đẹp trời năm chưa Covid-19, cùng đám bạn bè đi trên một chiếc tàu ra vịnh làng Vân (Đà Nẵng) câu cá bên bãi rạn, thấy có 3 người nằm trên... biển, hai lớn, một nhỏ. Ủa, sao 3 người này bơi hoài mà không mệt rứa trời? Tôi nghĩ thầm và lấy làm ngạc nhiên vô cùng nên chẳng câu kéo được gì, cứ thế nhìn hoài.
Mãi trưa, họ mới lên tàu. Một cậu bé, một phụ nữ và sau cùng là một người đàn ông. Người đàn ông cởi đồ bơi, mắt kính và... trông giống như Cung Lê (võ sĩ MMA nổi tiếng). Giống cả thể hình lẫn gương mặt. Đó là Hoàng Tuyển. Hai người kia là vợ và con trai anh.
Trò chuyện một hồi, ba người lại xuống bơi. Như thể họ sống trên bờ không được.
Tuyển hỏi mọi người chiều nay thích ăn gì? “Cua đá và hàu nhé?”.
Cả bọn câu kéo cả buổi cũng đủ nấu một nồi canh chua nên gật.
Chiều, Tuyển chuẩn bị mồi (là cá ươn), đồ nghề, túi lưới, cùng Trương Phong chèo kayak đi về phía đông bắc, nơi có vách đá dựng đứng.
Xế chiều, thấy Trương Phong chèo thuyền về, hỏi Tuyển đâu? Phong chỉ ra phía xa. Hóa ra, Phong chở “chiến lợi phẩm” về, còn Tuyển thì bơi. Từ xa tít mù khơi, chấm đen hiện rõ dần cho đến khi đu thang leo lên thuyền.
Tuyển tự tay đục tách hàu làm món sashimi “ngon nhất quả đất”, tôi giúp Phong xử lý cua đá làm hai món, luộc và giã nấu canh. Món này chỉ “ngon nhì quả đất”.
Đang làm thì cậu con trai gọi bố, bảo cái mái chèo chiếc sup lỏng bị nước vào nên rơi xuống biển chìm mất. Tuyển mặc đồ vào, mặt thản nhiên, “chỗ này chắc cũng tầm 15 m nước”, nói xong liền nhảy xuống. Chỉ hai lần lặn, anh đã lấy mái chèo lên.
|
Bị biển mê hoặc
Đó là chuyến đi chơi, còn nghề chính của hai vợ chồng anh là làm du lịch. Chị vợ là giám đốc một công ty, chồng làm giám đốc một công ty, hai người hai lĩnh vực, “không đụng hàng”. Chỉ có cái giống nhau là mê... du lịch.
Công ty của Tuyển có đoàn xe Jeep khám phá bán đảo Sơn Trà, Hải Vân và lặn biển ngắm san hô. Nhưng thứ mà Tuyển mê nhất là săn cá trong lòng biển cùng những người bạn có cùng sở thích.
Sau này quen nhau, tôi mới lân la trò chuyện, bị chuyện Tuyển kể quá ư hấp dẫn nên cũng dò la để mua một bộ đồ và khẩu súng bắn cá, định bụng thử xem sao.
Khi ra shop, họ giới thiệu bộ đồ lặn thường thường kiểu “lặn được” chừng dăm, bảy triệu, một cây súng bắn cá cỡ từ 1,2 - 5 triệu đồng tùy loại.
Hoàng Tuyển nói, là giá thế thôi chứ anh mua về chưa chắc đã xài được. Vì áo quần phải ôm người, chân nhái bơi phải vừa vặn, nếu không nó sẽ làm gót chân anh loét ra. Đồ mới, đắt tiền chưa chắc đã dùng tốt bằng đồ cũ của mình.
Anh chưa hiểu được cảm giác của người thợ săn phục con mồi của mình đâu. Nó ở đâu, xuất hiện vào lúc nào? Loại cá nào thì thấy phải bắn ngay, vì nó đã đi là đi luôn, loại cá nào thì phải chờ nó vòng trở lạiHoàng Tuyển, một người làm du lịch |
“Nói chung là “nghề chơi cũng lắm công phu” nhưng mà mê lắm anh. Anh chưa hiểu được cảm giác của người thợ săn phục con mồi của mình đâu. Nó ở đâu, xuất hiện vào lúc nào? Loại cá nào thì thấy phải bắn ngay, vì nó đã đi là đi luôn, loại cá nào thì phải chờ nó vòng trở lại. Phải làm sao nhắm bắn trúng huyệt của nó chứ cá to cỡ vài chục ký mà không trúng huyệt thì nó lôi cả súng với anh đi luôn. Có lần bắn con cá cỡ ba chục ký, mũi tên xuyên từ đuôi đến đầu nhưng nó vẫn không chết mà kéo khẩu súng (mũi tên có dây cước) với em xuống độ sâu mấy chục mét nước. Thả thì mất khẩu súng đắt tiền mà theo thì chết. Thôi thì chọn sống cái đã”, Tuyển nói.
Hoàng Tuyển người gốc Bắc Ninh, học thể dục thể thao, cũng đã sống nhiều nơi, làm nhiều nghề, nhưng duyên phận thế nào anh lại “dính” với Đà Nẵng và lại đam mê vùng biển này. Từ tay không, vợ chồng anh đã tạo dựng lên, có thể nói là cơ nghiệp, với một đoàn xe Jeep hiếm có và những con tàu có thể ra khơi câu cá, lặn biển. Có thể làm du lịch, cũng có thể chỉ đi chơi cùng bạn bè.
|
Nhớ biển, nhớ núi
Năm 2020, hết dịch bệnh thì đến bão lũ. Những ngày không thể ra biển, lên núi, anh có một đam mê khác là luyện võ và lái xe Jeep. Nhìn con người cơ bắp cuồn cuộn như một võ sĩ MMA tự trào “Khỏe để làm gì?”, thấy anh nhớ biển, nhớ núi vô cùng.
Tuyển là người làm cái gì thì tìm hiểu, học hỏi đến tận cùng nên kiến thức của anh rất phong phú về cả thực tế lẫn lý thuyết. Sống nhiều ở biển nên tính tình rổn rảng. Khi có, sắm nhiều “đồ chơi” đắt tiền nhưng ai thích thì cho liền, khi du lịch “đứng bánh”, anh đau đớn nói về những chiếc xe Jeep còn nguyên từng ốc vít bị “gả” đi để cầm cự.
Tuyển đau đáu: “Có ba thứ nhạy cảm nhất là chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh thì trong quá khứ Đà Nẵng là nơi nhạy cảm nhất, bằng cớ là hứng chịu nhiều nhất. Giờ không còn chiến tranh thì thiên tai, dịch bệnh và... du lịch, vẫn là ba thứ. Một vùng đất xinh đẹp, có tiềm năng du lịch như Đà Nẵng giờ phải chịu tổn thương như thế này, đau lắm!”.
Rồi anh nhớ những chiều tối lặn xuống, thấy hàng đàn sứa phát sáng lấp lánh. “Nó đẹp mê hồn luôn anh ơi”.
Với bản tính rổn rảng, Tuyển bảo: “Con người cũng có lúc đau ốm huống chi một vùng đất. Rồi mọi thứ sẽ qua, biển muôn đời vẫn là biển, tuyệt vô cùng!”.
Bình luận (0)