Vật lộn với sóng biển
5 giờ sáng, khi cả xã Bình Châu vẫn còn đang tĩnh mịch thì chúng tôi đã có mặt ở Ba Làng An để cùng ông Võ Chí Tâm và nhóm người đến từ TX.Hoài Nhơn (Bình Định) ra gành đá bắt nhum biển. “Để đến được Ba Làng An, mọi người phải chạy xe máy liên tục hơn 3 tiếng đồng hồ”, ông Tâm nói.
Sau khi ăn sáng xong, mọi người lúi húi kiểm tra đồ đạc và chốt địa điểm đi săn của ngày hôm nay sẽ là bãi đá phía bắc của Ba Làng An. Nơi đó không xa lắm, cách chừng 1 km nhưng đường đi vô cùng khó khăn vì phải men theo vách đá trơn trượt. Chính vì vậy mọi người phải đi hết sức nhẹ nhàng và chậm chạp để tránh tai nạn đáng tiếc.
Nước biển buổi sáng lạnh đôi bàn chân, tuy nhiên cũng không thể làm lạnh đi sự hào hứng trong lòng họ. Ai nấy lội nước mà cứ nói nói cười cười thi nhau dự đoán địa điểm bắt nhum hôm nay có nhiều hơn những hôm trước hay không. Đến nơi đào nhum khoảng 6 giờ sáng, họ lấy đồ nghề ra và lặn xuống nước, bắt đầu công việc sinh nhai. Vì nhum là loài di chuyển rất chậm chạp và hầu như ở yên một chỗ nên dụng cụ đơn giản chỉ cần cái rổ, gương lặn và móc sắt là đủ để hành nghề. Đối với một số người không tự tin về khả năng bơi lội phải cần thêm áo phao để đảm bảo an toàn.
Theo kinh nghiệm của ông Tâm, thường những bãi biển có nhiều rong rêu, nước trong và ít sóng sẽ có rất nhiều nhum sinh sống. Nhum bắt rất dễ, chỉ cần lặn xuống khi phát hiện nhum thì bắt bỏ vào rổ, đối với những con ở trong hang hoặc kẽ đá thì phải dùng móc sắt lôi chúng ra. Dù đơn giản là thế nhưng ít ai làm được nghề này, vì phải ngâm mình trong nước lạnh cả ngày, lắm lúc sóng biển ập vào bất ngờ gây không ít hiểm nguy. Mất mạng khi đi lặn nhum cũng không phải là chuyện hiếm gặp. Chưa kể vỏ bọc của nhum rất nhiều gai, chẳng may đạp phải chúng hay trong quá trình bắt nhum, bị gai đâm cũng gây đau nhức vô cùng, thậm chí còn sưng lên và làm mủ nhiều ngày mới bớt.
Ngụp lặn hơn nửa giờ trong nước lạnh khiến tay chân chúng tôi tê đi, thỉnh thoảng còn bị sóng biển đánh ù cả hai tai. Nhìn khuôn mặt chúng tôi xanh mét, môi thâm đi vì lạnh, ông Tâm như hiểu ra vấn đề vội đưa chúng tôi lên bờ. “Tụi tui ngâm dưới nước khi nào thấy lạnh quá chịu không được nữa thì cũng phải lên bờ ngồi cho ấm, ổn rồi mới tiếp tục lặn xuống. Nếu thấy lạnh mà cố sức thì về sẽ bị cảm lạnh ngay”, ông Tâm giải thích.
|
Ngồi trên bờ, chúng tôi chứng kiến rõ hơn kỹ thuật bắt nhum điêu luyện của những thợ săn nhum. Hầu hết nhóm săn nhum đều đã trên 45 tuổi nhưng lặn rất cừ khôi, những cơn sóng lớn ập vào cũng không làm khó được họ. Người khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất là bà Võ Thị Yến (60 tuổi), người lớn tuổi nhất trong nhóm. Đôi mắt của bà Yến vẫn rất tinh tường khi phát hiện nhum dưới nước. Đôi bàn tay của bà cũng đã nhăn nheo theo tuổi tác nhưng những chiếc gai nhọn của nhum biển chưa bao giờ làm bị thương được đôi tay gầy gò ấy. Cứ lặn xuống hơn chục giây là trong rổ của bà lại thêm một con nhum, khiến chúng tôi không khỏi há hốc mồm thán phục.
Lênh đênh theo con nước
Theo kinh nghiệm của ông Tâm, nhum có quanh năm, tuy nhiên thời gian khai thác chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 8. Những tháng còn lại trời mưa, sóng to gió lớn nên rất khó để bắt nhum. Vào những tháng không có nhum thì ở nhà, ông Tâm làm nông và thỉnh thoảng đi phụ hồ để kiếm thêm thu nhập. Đi săn nhum cũng phải dựa vào con nước, nhóm của ông Tâm chỉ đi vào 4 ngày đầu tháng và 4 ngày giữa tháng (âm lịch). Những ngày đó con nước sẽ cạn, nhum dễ bắt hơn. “Bình thường, tụi tui bắt nhum từ sáng cho đến khi trời tối, chỉ nghỉ ngơi tầm một tiếng để ăn trưa”, ông Tâm nói.
Không riêng ở Ba Làng An, nhóm của ông Tâm đi khắp nơi để bắt nhum, cứ nơi nào có nhum là nhóm của ông lại đến. Mỗi chuyến đi như vậy, họ thường ở lại từ 4 đến 5 ngày mới về. “Có nơi gần nhà dân thì xin vào ngủ nhờ, nơi xa nhà dân quá thì mình ở “khách sạn ngàn sao”. Ngủ ngoài trời ngắm sao thì cũng vui lắm, nghe sóng vỗ rì rầm có nhiều cái thú vị, nhưng mà đôi lúc bị muỗi hút máu”, ông Tâm dí dỏm.
Nghe vậy, bà Yến tiếp lời: “Đáng sợ hơn là đang ngủ thì trời đổ mưa rào, những lúc ấy ai nấy xách đồ chạy không kịp”.
Nhum sau khi bắt lên bờ sẽ được dùng dao để tách làm đôi, sau đó lấy thìa nạo phần ruột ra và vứt phần vỏ. Vì phải xa nhà nhiều ngày nên họ phải mang muối theo để muối ruột nhum, tránh tình trạng bị hư, đồng thời đó cũng là cách để làm mắm nhum. Đôi lúc cũng có một số khách đến tận nơi bắt nhum để mua ruột nhum tươi. Hiện nay, giá ruột nhum tươi là 300.000 đồng/kg, mắm nhum là 350.000 đồng/lít. Mắm nhum hay ruột nhum tươi đều rất được thị trường ưa chuộng nên thợ săn nhum chưa bao giờ lo đầu ra. “Mỗi khi mang nhum vừa được muối quay về Bình Định thì đã có thương lái đợi sẵn ở nhà”, ông Tâm chia sẻ.
|
Nghề kiếm cơm của người nghèo
Nhiều năm nay tại vùng biển Ba Làng An gần như không có ai khai thác nên số lượng nhum tại đây rất lớn. Nhóm của ông Tâm chỉ mới đến đây lần thứ hai nhờ sự chỉ điểm của một số người bạn trong nghề. Ông Tâm nói có nghe Ba Làng An nhiều rồi, nhưng chưa bao giờ nghĩ ở đây lại nhiều nhum đến vậy. “Tháng trước nghe ông bạn giới thiệu nhum ở đây con to và nhiều nên mọi người bàn nhau và lên đường”, ông Tâm nói. Mỗi ngày bình quân mỗi người trong nhóm của ông Tâm thu hoạch được 3 đến 5 kg ruột nhum, với giá bán như hiện tại thì thu nhập của họ cũng đủ lo cho gia đình.
Còn anh Tiêu Viết Phúc (ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu) cho biết, hơn 6 năm nay tại đây không có ai khai thác nên nhum nhiều vô kể. Anh Phúc là người duy nhất trong xã Bình Châu chuyên khai thác nhum để bán. Điều đặc biệt là anh Phúc không bắt nhum một cách tùy hứng mà thường chỉ bắt đúng số lượng khách đặt. “Làm như vậy mình vừa đảm bảo được thu nhập, vừa không lãng phí nguồn lợi nhum biển”, anh Phúc nói.
Suốt thời gian qua, cứ 6 giờ sáng anh Phúc lại đi săn nhum, đến trưa thì vợ và hai con trai ra bãi đá để phụ anh tách vỏ lấy ruột nhum. Ngày nào cũng thế, gia đình anh Phúc lại quây quần ở bãi biển Ba Làng An đến tờ mờ tối mới xong việc. Tuy vất vả nhưng từ khi có nhum biển, gia đình anh Phúc cũng bớt đi gánh nặng về kinh tế, hai đứa con của anh không phải lo tiền học phí như những năm trước.
Khi Ba Làng An nhá nhem tối, ông Tâm và nhóm thợ săn nhum mới kết thúc ngày ngụp lặn dưới biển. Họ lên bờ cùng nhau xử lý số nhum đã khai thác được. Hôm nay có vẻ là một ngày bội thu nên ai cũng vui vẻ, rạng rỡ, tiếng cười hòa lẫn tiếng sóng biển khiến chúng tôi cũng vui theo.
Nhum, có nơi còn gọi là nhím biển hay cầu gai, thường sống từng nhóm trong hốc đá lẫn rong rêu ở vùng biển dọc miền Trung. Nhum biển là một loại hải sản ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, đem lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Thông thường, nhum biển được chế biến thành món ăn chủ yếu theo 3 cách ăn sống, nướng và nấu cháo.
|
Bình luận (0)