Cuộc đi mạo hiểm
Quảng Nam không chỉ nổi tiếng với sâm Ngọc Linh mà còn được thiên nhiên ưu ái cho những dược liệu quý khác, trong đó nấm lim xanh là một trong những vị thuốc có tác dụng chữa bệnh được nhiều người lựa chọn. Trong chuyến chinh phục cánh rừng già, chúng tôi theo chân người dân bản địa luồn rừng sâu săn loại thuốc quý này.
Vì đã có hẹn trước nên đúng 8 giờ sáng, chúng tôi được ông Nguyễn Ba (61 tuổi, xã Đại Hồng, H.Đại Lộc, Quảng Nam) cùng 2 thành viên trong đoàn đón tại khu vực hồ thủy điện Sông Bung 6 (thuộc H.Nam Giang, Quảng Nam) để vào rừng sâu tìm nấm. Theo lý giải của ông Ba, nấm lim mọc nhiều nhất tập trung ở 2 huyện Tiên Phước và Nam Giang, vì ở đây còn rất nhiều cây gỗ lim. Nhất là ở trong khu vực lòng hồ thủy điện, nhiều cây gỗ khi ngập nước đã chết, rồi mục nát nên nấm dễ mọc hơn các nơi khác.
Để chuẩn bị cho chuyến đi này, ngoài những nhu yếu phẩm cần thiết như: gạo, muối, thức ăn... được chất đầy trong ba lô trên lưng các thành viên trong đoàn, thì những thứ theo kèm như thuốc đau bụng, võng ngủ cũ... cũng sẵn sàng cho cuộc săn tìm kéo dài 2 ngày. Ông Ba cho biết đối với một người đi rừng thường xuyên thì thức ăn sẵn được chuẩn bị một ít, còn lại vào rừng rồi mới tự kiếm. “Nếu chuẩn bị sẵn chất vào ba lô thì sức đi sẽ giảm vì phải vác nặng. Như thế hiệu suất tìm kiếm cũng sẽ giảm. Vì vậy, các dụng cụ hỗ trợ để tự sinh tồn được ưu tiên hơn. Dù có dày dạn kinh nghiệm đến mấy, cũng có lúc lạc giữa rừng già. Những lúc đó, cái cần thiết nhất là la bàn”, ông Ba nói.
|
Đoàn vừa đến bìa rừng, bất chợt cơn mưa đổ xuống khiến con đường mòn vào rừng trở nên trơn và ẩm ướt hơn. Sau khi luồn qua những bụi cây rậm rạp để mở đường, ông Ba vừa đi vừa kể cho chúng tôi nghe về những chuyến đi săn lộc rừng.
Theo ông Ba, mùa săn nấm lim xanh thường bắt đầu từ tháng 3 - 7 dương lịch hằng năm. Nấm lim xanh chỉ mọc ở gốc cây lim đã chết. Khu vực này là rừng phòng hộ đầu nguồn thủy điện Sông Bung 6, có nhiều cây gỗ lim nên nấm mọc rất nhiều. Mấy hôm nay, chiều nào trời cũng đổ mưa nên nấm theo đó mọc nhiều và phát triển nhanh hơn. “Nghề hái nấm này cũng lắm nguy hiểm. Ngoài băng rừng vượt núi, chịu gai cào, chúng tôi còn phải đối diện với nhiều nguy hiểm nơi rừng thiêng nước độc như trượt ngã, rắn rết cắn... Do đó, chúng tôi thường đi thành từng nhóm, lỡ gặp bất trắc thì còn giúp đỡ nhau. Săn nấm lim là cuộc đi mạo hiểm và đánh cược với vận may”, ông Ba trải lòng.
Sau gần 1 giờ đồng hồ luồn rừng, chúng tôi đến một khoảnh rừng già nằm ngay đầu nguồn sông Bung, nơi được các thợ săn mệnh danh là “thiên đường nấm lim”. Tại một gốc lim, những thợ săn đã phát hiện 9 nấm lim xanh mọc ở gốc cây lim, có chiều dài 5 - 25 cm. Tuy nhiên chỉ thu hái 7 nấm lớn, không hái 2 nấm còn lại vì nhỏ, chưa đủ kích thước. “Chúng tôi chỉ thu hoạch nấm trưởng thành, còn nấm nhỏ thì để lại cho chúng phát triển. Nếu cứ mãi chạy theo giá trị kinh tế mà tận thu cả những cây nấm mới mọc thì sợ rằng sau này không còn nấm tự nhiên nữa”, ông Ba nói.
|
Đoàn tìm nấm luồn sâu vào những nơi “khả nghi” nhất, vạch từng bụi cây để tìm kiếm vận may. Để lấy được nấm, các thợ săn phải chấp nhận đôi tay rớm máu vì những vết gai cào, bộ quần áo nhiều chỗ đã rách toạc vì gai nhọn, cây rừng.
Ngủ rừng tìm nấm
Cơn mưa rừng vừa dứt, cũng là lúc đồng hồ điểm 18 giờ, cả khu rừng tối sập xuống. Các thành viên trong đoàn chọn một vị trí thoáng cạnh bờ suối để làm nơi dựng lán trại. Theo họ, việc chọn nơi làm lán trại rất quan trọng, vừa gần nguồn nước để có thể lấy nước nấu ăn, vừa thoáng, ít muỗi, không có vắt rừng... Đặc biệt, phải tránh những nơi đầu nguồn hoặc vùng nước suối có nhiều dấu chân thú. Bởi về đêm, nhiều con thú dữ tìm ra bờ suối uống nước, rất nguy hiểm.
|
Sau gần một ngày cõng chiếc ba lô trên lưng, đôi chân vượt hàng chục cây số đã khá mỏi. Người thì nấu cơm, người cầm đèn pin đi dọc bờ suối kiếm thêm bó rau, con ếch về cải thiện bữa ăn. Đêm, rừng già vắng lặng. Mâm cơm được dọn ra dưới ánh sáng mập mờ của đèn pin. Những câu chuyện gắn với nghề săn nấm lim dần được hé mở.
Mỗi người đến với công việc này rất khác nhau. Có người thất nghiệp nên mới theo nghề này, cũng có người bỏ nghề phu vàng rồi bám víu với nghề... “Hơn 10 năm trước, chạy theo giấc mơ vàng, rồi cũng lăn lộn ở “thánh địa vàng” H.Phước Sơn ngót nghét 10 năm. Thời gian đầu, khi vàng còn trúng đậm nên tôi sa vào những cuộc ăn chơi, ma túy. Nhưng cái nghề nó bạc quá, làm được bao nhiêu rồi cũng không cánh mà bay. Cả 10 năm trời chẳng tích cóp được gì, đằng sau mình còn vợ con, cuộc đời mình không thể mãi gắn bó với những bãi vàng nên tôi quyết định từ bỏ về sống cuộc sống nhẹ nhàng nơi quê nhà”, ông Ba tâm sự.
Sau khi trở về quê nhà, ông theo bạn bè vào rừng hái nấm. Và rồi, công việc lội suối băng rừng săn loại thảo dược quý cũng gắn với ông từ đó. Đến nay ông có thâm niêm gần 10 năm gắn với cái nghề lắm gian truân này. “Hiện nay, việc tìm thấy nấm cũng khó khăn hơn, phạm vi tìm kiếm cũng rộng hơn, nhiều khi qua tận những cánh rừng của các tỉnh giáp ranh. Nhiều người đi ròng rã 2 - 3 ngày may mắn cũng chỉ hái được 1 - 2 kg nấm tươi, nhưng có người dù kinh nghiệm dày dạn, không gặp may thì cũng về tay không”, ông Ba trải lòng.
|
Nhờ nấm... không phải nợ
Trong những câu chuyện được hé mở, có lẽ chuyện mẹ ông Nguyễn Văn Hoan (47 tuổi, xã Đại Hồng) khỏi bệnh ung thư nhờ nấm lim xanh vẫn được nhiều người truyền tai nhau. Theo lời kể của ông Hoan thì cách đây hơn 10 năm, mẹ ông không may bị bệnh ung thư thận, di căn biến chứng qua gan, bệnh viện khuyên nên đưa về nhà. “Khi đưa mẹ về nhà, nghe một số người dân bảo nấm lim xanh có thể chữa bệnh gan nên tôi lên rừng hái về cho bà uống thử. Nào ngờ, 2 tháng sau mẹ tôi khỏe hẳn ra, có thể đi lại được và làm được một số việc lặt vặt trong nhà”, ông Hoan nói.
Nhận thấy công dụng mà nấm lim xanh mang lại, từ đó vào mùa nấm, ông lại lên rừng tìm về cho mẹ uống. Khi nấm lim xanh được nhiều người biết đến và có giá cao, ông thu mua nấm từ người đi rừng hái về rồi bán lại cho những người có nhu cầu. “Nấm lim xanh là một trong những loài thuộc họ nấm linh chi. Loại thảo dược này có tác dụng giải độc cơ thể, hỗ trợ điều trị bệnh gan. Những năm gần đây, ngoài việc thu mua thì thỉnh thoảng tôi cũng đi rừng để hái. Trước đây thường xuyên đi rừng nên khi nghỉ một thời gian là nhớ rừng và cảm thấy khó chịu”, ông Hoan chia sẻ.
Nấm sau khi hái về, người dân bán cho thương lái với giá trung bình khoảng 1 triệu đồng/kg tươi. Mỗi chuyến đi rừng, người dân kiếm 500.000 - 1 triệu đồng. Nếu chịu khó thì thu nhập cũng khấm khá. “Nhờ cái nghề này mà chúng tôi có tiền cho con cái ăn học, không phải nợ nần”, ông Ba nói.
Chia tay nhóm ông Ba, chúng tôi ra về khi mặt trời đã khuất sau những ngọn núi, để lại sau lưng bầu trời se se lạnh. Đâu đó trên những cánh rừng già vẫn còn những người săn nấm bất chấp khó khăn và nguy hiểm.
Nấm lim xanh có tên khoa học là Ganoderma Lucidum, là dòng linh chi đặc hữu, mọc trên cây lim xanh trong rừng nguyên sinh. Nấm lim xanh được sử dụng trong y học cổ truyền hơn 2.000 năm. Đây là một loại dược liệu quý được đánh giá cao hơn cả nấm linh chi và nhân sâm. Viện Dược liệu T.Ư đã nghiên cứu và xác nhận nấm lim xanh có hiệu quả điều trị bệnh gan; phục hồi tai biến mạch máu não sau đột quỵ, chữa bệnh gout. Nấm lim xanh hoạt động trên cơ chế phục hồi các tổn thương của bệnh. Nấm lim xanh có tác dụng hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa ung thư.
|
Bình luận (0)