(TNO) Thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran vừa vượt ải khó tại Thượng viện Mỹ khi nghị quyết phản đối thỏa thuận này không được thông qua; đây được xem là một thắng lợi của chính quyền Tổng thống Barack Obama, theo Reuters ngày 11.9.
>> Thỏa thuận hạt nhân Iran có thể bị Quốc hội Mỹ bác bỏ
Tổng thống Mỹ Barack Obama coi việc thỏa thuận hạt nhân qua ải khó ở Thượng viện là thắng lợi ngoại giao - Ảnh: Reuters
|
Thượng viện Mỹ ngày 10.9 đã bỏ phiếu về nghị quyết phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran mà đảng Cộng hòa hậu thuẫn. Các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã huy động được 42 phiếu (40 nghị sĩ đảng Dân chủ và 2 nghị sĩ độc lập) để ngăn chặn nghị quyết này, theo Reuters. Điều này đồng nghĩa với việc phe phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran đã không hội đủ 60 phiếu cần thiết để xúc tiến nghị quyết nói trên.
Phát biểu sau khi có kết quả bỏ phiếu, Tổng thống Barack Obama tuyên bố đây là một bước tiến lịch sử và khẳng định: “Đây là một thắng lợi về ngoại giao cũng như an ninh quốc gia Mỹ, thắng lợi đối với sự an toàn và an ninh của thế giới”.
Mặc dù vậy, đảng Cộng hòa vẫn chưa từ bỏ mục tiêu ngăn chặn thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell ngay lập tức đã có những động thái mở đường cho Thượng viện xem xét lại và mong chờ sự thay đổi lá phiếu của môt số nghị sĩ đảng Dân chủ.
Bên cạnh đó, thỏa thuận về hạt nhân Iran cũng gặp trở ngại tại Hạ viện Mỹ. Cũng trong ngày 10.9, với 245 phiếu thuận, 186 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết trong đó tuyên bố Tổng thống Obama đã chưa hoàn thành nghĩa vụ quy định tại đạo luật xem xét thỏa thuận hạt nhân Iran, vì ông Obama không gửi chi tiết các thỏa thuận kín kèm theo thỏa thuận hạt nhân cho Quốc hội.
Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức) đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran vào tháng 7.2015. Tuy nhiên trong nội bộ Mỹ vẫn có nhiều bất đồng về thỏa thuận này cũng như việc thực thi thỏa thuận, việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran sẽ còn phụ thuộc vào các quyết định của Quốc hội Mỹ. Quốc hội Mỹ có hạn chót tới ngày 17.9 để chấp thuận hoặc phản đối thỏa thuận mang tính lịch sử này.
Bình luận (0)