Theo đó, tại các cuộc đàm phán được tổ chức ở Cairo (Ai Cập) vào đầu tháng 7, các quan chức Israel yêu cầu một cơ chế kiểm tra dân thường ở miền nam trở về phía bắc Gaza trong trường hợp thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, trái ngược với kế hoạch cho phép người tản cư tự do về nhà trước đó. Theo các nguồn thạo tin, những nhà thương lượng Israel đề ra biện pháp trên vì lo ngại một số thường dân trở về Gaza có thể hỗ trợ bí mật cho các tay súng Hamas, vốn vẫn còn trú ẩn tại khu vực. Nhóm Hamas đã bác bỏ điều kiện này.
Tổng thống Biden gây sức ép lên Israel về ngừng bắn ở Gaza
Trong một điểm khác, Israel được cho là yêu cầu giữ quyền kiểm soát tuyến đường dài 14 km dọc biên giới Gaza - Ai Cập hay còn được gọi là hành lang Philadelphi. Phía Ai Cập đã phản đối vì những yêu cầu của Israel nằm ngoài phạm vi bộ khung thỏa thuận sau cùng được các bên nhất trí, đồng thời khẳng định Cairo đã phá hủy các tuyến đường hầm này từ nhiều năm trước cũng như xây dựng công sự tại biên giới nhằm ngăn chặn buôn lậu. Hồi tháng 5, Israel trấn giữ dải đất này do nghi ngại khu vực chiến lược này chứa loạt đường hầm buôn lậu mà Hamas có thể sử dụng để vận chuyển vũ khí và các quân nhu khác. Theo Reuters, các cuộc đàm phán do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian đã tập trung vào việc gỡ rối vấn đề này trong thời gian qua, song kết quả đến nay vẫn bế tắc.
Phản hồi lại, thành viên cấp cao của Hamas Sami Abu Zuhri nhấn mạnh: "Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang trì hoãn. Quan điểm của ông ấy chưa hề thay đổi từ trước tới nay".
Thông tin về các bất đồng mới trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Israel thu hẹp khác biệt để đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza càng sớm càng tốt và loại bỏ những trở ngại đối với dòng viện trợ nhân đạo, trong cuộc đàm phán với Thủ tướng Netanyahu tại Washington vào ngày 25.7 (giờ địa phương).
Cùng ngày 25.7, trong một tuyên bố sau hội đàm với Thủ tướng Netanyahu, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine, kết thúc xung đột ở Gaza và tiến tới một thỏa thuận hòa bình nhằm giải cứu người dân vô tội nơi đây. Lời phát biểu của bà Harris nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ giới chức Israel. Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich chỉ trích việc đồng ý thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột ngay lập tức là đầu hàng trước Hamas, cho phép nhóm này tái tập hợp và từ bỏ sự sống các con tin. "Bà Harris đã cho thế giới thấy những gì tôi quan ngại trong nhiều tuần. Chúng ta không được rơi vào cái bẫy này".
Bộ trưởng An ninh Israel Itamar Ben Gvir cũng phản bác bà Harris rằng: "Sẽ không có thỏa thuận ngừng bắn, thưa bà ứng cử viên".
Bình luận (0)