Thoát 'vùng trũng' Khe Cạn

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
13/12/2019 20:02 GMT+7

Hơn 20 năm sống chung với ô nhiễm, người dân Khe Cạn (P.Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) đã có thể thoát khỏi vùng trũng ô nhiễm của muỗi mòng, dịch bệnh…

Dự án tuyến cống thoát nước Khe cạn được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt từ tháng 9.2016 với tổng diện tích quy hoạch 64.834 m2, dài 2,1 km, đi qua 3 phường Hòa Phát, Hòa An (Q.Cẩm Lệ) và Thanh Khê Tây (Q.Thanh Khê).
Tuy nhiên, theo UBND Q.Thanh Khê, từ tiến độ 1 năm ban đầu, đến nay dự án đã qua 2 năm nhưng chỉ hoàn thành được khoảng 1,5 km. Nguyên do chính là vướng giải phóng mặt bằng, trong đó đoạn qua P.Thanh Khê Tây có hơn 500 m “đứng bánh” vì chưa giải tỏa đền bù được.

“Điểm nóng” ô nhiễm suốt 20 năm qua tại Khe Cạn

ẢNH: N.T

Hơn 20 năm qua, nơi đây là vùng trũng ô nhiễm, dịch bệnh, người dân cũng rất muốn thoát cảnh sống chung bất đắc dĩ với nước thải tù đọng, hôi thối. Nhất là vào mùa nắng nóng, hầu như năm nào trên tuyến cống này cũng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, bốc mùi kinh khủng. Tuy đồng thuận với chủ trương giải tỏa của địa phương để đến với nơi ở mới khang trang, cao ráo hơn, nhưng thực tế còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Cụ thể, khu vực này có 380 hồ sơ đền bù giải tỏa, kế hoạch năm 2019 xử lý 134 hồ sơ ở vùng lòng tuyến cống (101 hồ sơ) và khu vực xây 2 block chung cư tái định cư (33 hồ sơ). Chính quyền 2 quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ cũng đã chuẩn bị 95 lô đất để bố trí tái định cư. Trong đó, đất ở có 19 hồ sơ (2 nhà và 17 khu đất trống), 115 hồ sơ đất nông nghiệp (63 nhà và 52 khu đất trống). Ttrong 134 trường hợp giải tỏa, hiện đã vận động được 15 hồ sơ nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng và nhận đất tái định cư.

“Vận dụng” để tăng quyền lợi cho dân

UBND Q.Thanh Khê cho biết, phần lớn các hộ dân tại khu vực dự án có nguồn gốc đất là đất nông nghiệp (115/134 hồ sơ), quy định không được đền bù về đất; nhà cửa xây trên đất nông nghiệp chỉ được hỗ trợ 50 - 80% đơn giá, nên mức đền bù rất thấp, nhiều hộ “được” phê duyệt mức đền bù 0 đồng, nên rất khó khăn vận động bàn giao mặt bằng.
“Vướng mắc lớn nhất là người dân có nhà trên đất nông nghiệp, không thể đền bù như đất ở. Tuy nhiên quận đã vận dụng, xin mọi cách để tăng quyền lợi cho người dân, nhất là về nơi ở sau giải tỏa”, một cán bộ lãnh đạo UBND Q.Thanh Khê chia sẻ.
Do đó, Q.Thanh Khê đã nhiều lần đề xuất UBND TP.Đà Nẵng và được tăng mức hỗ trợ như hỗ trợ 100% giá đất trồng cây lâu năm, hỗ trợ cây cối hoa màu, nâng mức bồi thường nhà cửa. Đặc biệt, TP cũng đã thống nhất tạo mọi điều kiện để người dân được có chỗ ở, như bố trí căn hộ chung cư cho các hộ có nhà, cư trú thật hoặc có hộ khẩu nơi giải tỏa; thưởng tiến độ cho hộ bàn giao mặt bằng sớm nhằm khuyến khích người dân chung tay vì chủ trương lớn của TP, xóa điểm nóng ô nhiễm. Đối với một số trường hợp mua bán trái phép nhằm trục lợi chính sách đền bù giải tỏa, UBND Q.Thanh Khê cho biết địa phương sẽ kiên quyết xử lý.
Mới đây, UBND P.Thanh Khê Tây (Q.Thanh Khê) đã lập 3 tổ vận động do Chủ tịch và 2 Phó chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng, tiếp tục tiếp thu nguyện vọng người dân. Qua đó, địa phương đã kiến nghị về nâng mức tiền thuê nhà trong khi chờ bố trí chung cư, từ 1,8 triệu đồng/tháng/hộ lên 3 triệu đồng/tháng/hộ. Tin vui đã đến với người dân dịp cuối năm khi được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.