Nền văn minh Thung lũng Indus ở tây bắc Ấn Độ và Pakistan là nơi giải quyết "nỗi buồn khó nói” bằng hệ thống nhà vệ sinh đô thị được biết đến đầu tiên trên thế giới.
Ở Mohenjo-Daro, một di tích khảo cổ tại Pakistan (khoảng năm 2800 TCN), người ta phát hiện những nhà vệ sinh gắn vào tường ngoài của các ngôi nhà. Những nhà vệ sinh này có máng thẳng đứng, để từ đó chất thải được đưa vào các bể chứa hoặc cống rãnh trên đường phố.
Loại nhà vệ sinh công cộng ở La Mã cổ đại |
historyhit.com, eaglesanddragonspublishing.com. |
Trong nền văn minh Thung lũng Indus (khoảng năm 2600 -1900 TCN), các đường phố được xây dựng trên mô hình lưới, phía dưới là hệ thống cống rãnh, có nhà vệ sinh dội bằng nước. Skara Brae, ngôi làng thời kỳ đồ đá mới khoảng năm 2.000 TCN vẫn còn di tích về các nhà vệ sinh nhỏ nằm trên cống chung, chứ không phải là hố vệ sinh.
Nhà vệ sinh ở Ai Cập và La Mã thời cổ đại
Ở Ai Cập cổ đại, những người giàu có nhà tắm và nhà vệ sinh trong nhà của họ. Ghế ngồi trong nhà vệ sinh làm bằng đá vôi. Người nghèo thì có bệ xí giống như một chiếc ghế đẩu bằng gỗ, có lỗ thủng. Bên dưới là một thùng chứa đầy cát, phải đổ đi sau một thời gian.
Trên đảo Crete, nền văn minh Minoan phát triển mạnh mẽ từ năm 2.000 đến năm 1.600 TCN, người ta cũng đã xây dựng hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh dùng xong thì dội nước.
Người La Mã cũng xây cống để thu gom nước mưa và nước thải, đặc biệt là họ có một nữ thần cống tên là Cloacina. Người giàu có nhà vệ sinh riêng nhưng người La Mã cũng xây nhà vệ sinh công cộng… không có vách ngăn.
Vào thời Trung cổ, nhà vệ sinh chỉ đơn giản là những cái hố trên mặt đất với ghế ngồi bằng gỗ. Tuy nhiên, các nhà sư đã biết xây nhà vệ sinh bằng đá hoặc gỗ trên sông. Theo nhà báo Tim Lambert, tại Lâu đài Portchester vào thế kỷ 12, các nhà sư đã xây các máng đá dẫn ra biển. Khi thủy triều lên và xuống, nó sẽ cuốn trôi nước thải.
Loại nhà vệ sinh ngồi xổm thời cổ đại |
tripadvisor.com, dreamstime.com |
Trong các lâu đài thời Trung cổ, nhà vệ sinh được gọi là garderobe. Nó chỉ đơn giản là một trục thẳng đứng với một chỗ ngồi bằng đá ở trên cùng. Về sau, một số thị trấn ở châu Âu đã có nhà vệ sinh công cộng.
Garderobe là loại nhà vệ sinh thường thấy nhất trong các ngôi nhà của tầng lớp thượng lưu. Về cơ bản, chúng là những miếng gỗ hoặc đá phẳng trải dài từ bức tường này sang bức tường kia, có một hoặc nhiều lỗ để ngồi, có máng trượt hoặc đường ống thải ra bên ngoài lâu đài hoặc dinh thự. Thông thường người ta thiết kế loại nhà vệ sinh này cách xa phòng ngủ để tránh mùi, tuy nhiên lại gần bếp hoặc lò sưởi để giữ ấm bên trong nhà vệ sinh.
Vào thời Trung cổ, loại nhà vệ sinh công cộng trả tiền xuất hiện ở London và những nơi khác ở nước Anh. Đó là loại nhà vệ sinh có ổ khóa hoạt động bằng đồng xu. Muốn mở cửa người ta phải nạp một xu để sử dụng nó.
Vào năm 1596, Sir John Harrington đã phát minh ra một nhà vệ sinh xả nước có bể chứa nước. Tuy nhiên, ý tưởng này không thành công. Người ta tiếp tục sử dụng các chậu hoặc thùng chứa nước.
Mãi đến năm 1775, nhà phát minh Alexander Cumming được cấp bằng sáng chế cho kiểu nhà vệ sinh xả nước. Năm 1778, Joseph Bramah lại tạo ra một thiết kế tốt hơn.
Đến khi Thomas Crapper đã phát minh ra bồn cầu xả nước thì đó là một huyền thoại lịch sử. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, nhà vệ sinh xả nước là một vật dụng xa xỉ. Kế tiếp là loại bộ bồn cầu bằng đất ra đời, có cần gạt bằng đất sét. Tuy nhiên, bồn cầu trong nhà vẫn là thứ xa xỉ cho đến cuối thế kỷ 19, nhà của tầng lớp lao động hầu như luôn có nhà vệ sinh bên ngoài.
Nhà vệ sinh công cộng ở thành phố Ephesus (Hy Lạp) thời cổ đại |
BROKER /Corbis (theatlantic.com) |
Để giải quyết "nỗi buồn khó nói” tốt hơn, năm 1857 người Mỹ bắt đầu bán… giấy vệ sinh dưới dạng tờ, đến năm 1890 mới bán giấy dạng cuộn. Lần đầu tiên loại giấy vệ sinh dạng cuộn được bán ở châu Âu là vào năm 1928. Loại giấy vệ sinh mềm xuất hiện trên thị trường năm 1942. Tuy nhiên, giấy vệ sinh chỉ phổ biến ở phương Tây, nó vẫn còn là một thứ xa xỉ ở những nơi khác. Ngày nay ở các nước giàu, nhà vệ sinh là nơi hiển nhiên phải có trong gia đình, nhưng ở các nước nghèo, hàng triệu người vẫn chưa có nhà vệ sinh đúng với nghĩa là… hợp vệ sinh.
Bình luận (0)