Phát hiện choáng váng, đàn ông và phụ nữ đã từng… tắm chung vào thời Edo

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
10/10/2022 14:33 GMT+7

3.000 năm trước Công nguyên (TCN) loài người đã biết sử dụng bồn tắm. Ở châu Á chủ yếu là tắm nước lạnh hoặc ấm, còn ở châu Âu và Bắc Mỹ thì phổ biến cách xông hơi ướt.

Thời gian gần đây, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật được 3 phòng tắm hoàng gia có từ thời Chiến quốc (475 TCN - 221 TCN) ở ngoại ô Tây An, tỉnh Thiểm Tây, nơi đã phát hiện các chiến binh bằng đất nung. Tường và sàn của phòng tắm được trang trí bằng gạch men, có lỗ thoát nước và ống dẫn nước thải.

Những vật dụng sử dụng trong phòng tắm thời nhà Hán, Trung Quốc, cách đây 2.000 năm (trái) và bồn tắm nước nóng trong hoàng cung nhà Đường, do Dương Quý Phi, phi tần của Đường Huyền Tông, sử dụng

viewofchina.com

Phòng tắm công cộng thời xưa ở Nhật Bản, khu vực dành cho nam giới

1010.or.jp

Tài liệu bằng văn bản sớm nhất về các phòng tắm ở Trung Quốc được ghi nhận bằng Giáp cốt văn, loại chữ khắc trên yếm rùa và xương thú vào thời nhà Thương (1700 TCN - 1027 TCN). Thời đó phòng tắm được gọi là bức (湢, bì), các bồn tắm thường được làm bằng đồng hoặc gỗ.

Theo sách Chu Lễ, biên soạn vào thời Xuân Thu, các quan chức chính phủ thời Chu phải gội đầu 3 ngày/1 lần và tắm 5 ngày/1 lần, sử dụng 2 khăn tắm (1 cho phần trên cơ thể và 1 cho phần dưới). Họ tắm bằng nước ấm sạch, lau khô người sau khi ra khỏi bồn rồi mặc quần áo. Toàn bộ nghi thức tắm sẽ kết thúc bằng thức uống và bữa ăn nhẹ.

Nhà tắm công cộng đầu tiên của Nhật Bản được ghi nhận vào năm 1591

Vào thế kỷ thứ 5, một hoàng đế của vương quốc Lương đã viết quyển sách có nhan đề Mộc dục kinh (沐浴 經), miêu tả toàn bộ về nhà tắm và nghi thức tắm. Đối với người Trung Quốc cổ đại, tắm không chỉ để giữ vệ sinh cá nhân mà còn để tuân thủ các ứng xử dân sự.

Ở Nhật Bản, nguồn gốc của việc tắm là nghi lễ xuất phát từ Phật giáo. Nước được xem là một chất thanh lọc thông dụng trong thần thoại Shinto. Một số ngôi chùa ban đầu có bồn tắm để làm sạch các bức tượng Phật giáo, hoặc cho chính các nhà sư sử dụng. Vài thế kỷ sau, các ngôi đền bắt đầu cho phép công chúng sử dụng phòng tắm của họ.

Vào thời trung cổ, người Nhật sử dụng suối nước nóng tự nhiên, bồn tắm đá và bồn tắm bằng lò đất sét cho mục đích trị liệu, một truyền thống vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Bức tranh khắc gỗ này miêu tả một nhà tắm công cộng ở Nhật Bản, sansuke là người đàn ông ở góc trên bên trái

Wikipedia

Giới thượng lưu Nhật thường xây dựng các phòng tắm riêng trong nhà họ vào thời kỳ Kamakura (1185-1333) và trong giai đoạn đó, việc phát minh ra “mushiburo” hay “tắm hơi” trong các hang động cũng bắt đầu xuất hiện để rồi dẫn đến sự phổ biến cách tắm chung nhiều người, trở thành đỉnh điểm của văn hóa sento trong thời kỳ Edo (1603-1868).

Sento (銭湯), kiểu nhà tắm công cộng đầu tiên của Nhật Bản được ghi nhận vào năm 1591. Trong thời kỳ Edo những người nghèo nhất cũng có thể đủ khả năng đến nơi này, ít nhất là 1 lần/ngày, bởi vì sự sạch sẽ đã trở thành một giá trị lớn trong xã hội.

Đến với văn hóa sento, du khách sẽ ngạc nhiên khi thấy thiếu sự phân biệt giới tính trong không gian tắm. Vào thời Edo, phòng thay đồ và phòng tắm kiểu Sento không được ngăn cách rõ ràng. Về sau, một số chủ sở hữu sento mới áp dụng giờ tắm khác nhau cho nam và nữ. Một số tuyên bố nhà tắm chỉ dành cho nam giới và hiếm khi nhà tắm chỉ dành cho phụ nữ. Ngoài ra, những người khác đã cố gắng ngăn cách phòng tắm nữ và nam bằng một vách ngăn bằng ván đơn giản rất thấp.

Tuy nhiên, theo trang Wattention, ban đầu việc đàn ông, phụ nữ và trẻ em tắm khỏa thân cùng nhau là điều rất bình thường và tự nhiên, song Mạc phủ Tokugawa và các nhà truyền giáo không chấp nhận các dịch vụ tắm do giới nữ thực hiện, những người được gọi là Yuna. Những Yuna này giúp rửa lưng và lấy nước, về sau công việc này do Sansuke, những chàng trai trẻ thực hiện.

Ảnh minh họa những người nữ gọi là Yuna, phục vụ trong các phòng tắm thời xưa ở Nhật Bản

wikimedia.org

Một thời gian sau, Okami (chính phủ) đã cấm các nhà tắm này do tai tiếng ngày càng tăng về các hành vi tình dục và các hình thức buông thả khác, đến năm 1657 thì chấm dứt hẳn dịch vụ “kỳ cọ tắm rửa”. Nhiều người trong số Yuna đã chuyển đến khu đèn đỏ Yoshiwara vào thời điểm đó. Các Sento ở khu vực Yamanote giàu có thì vẫn giữ lại tầng hai, sử dụng nơi đó để uống trà, chơi cờ Shogi và giao lưu. Cuối cùng, cấu trúc hai tầng cũng đã biến mất vào thời Minh Trị (1867 - 1912).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.