Thời đại chuyển đổi số: Nếu dạy cho các con kiến thức là thất bại?

19/12/2020 21:35 GMT+7

Trong một buổi hội thảo bàn về câu chuyện chuyển đổi số trong giáo dục , chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng trong thời buổi hiện nay nếu chúng ta dạy kiến thức thì các con sẽ thất bại!

Ngày 19.12, tại buổi hội thảo “Erobo 2 - Cùng con bước ra thế giới” do Cục công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Liên doanh công ty cổ phần Worlde và Công ty cổ phần Captaineye tổ chức, trong phần trình bày về giải pháp kết nối nhà trường và gia đình trong thời đại chuyển đổi số của mình, bà Tô Thụy Diễm Quyên (chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft) đã có những chia sẻ ấn tượng về việc giáo dục và dạy con cái trong thời đại chuyển đổi số.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ tại buổi hội thảo

HOA NỮ

Tại buổi hội thảo, bà Quyên chia sẻ một vài thành tựu của thế kỷ 21 để từ đó nhìn thấy chiến lược của thế kỷ này như thế nào.

Câu chuyện của năm 2009 khi người ta sáng tạo ra xe hơi không người lái và với thành tựu này thì những đứa trẻ nào nghĩ rằng bố con làm nghề lái xe thì sau này con cũng làm tài xế là sẽ thất bại, sẽ phá sản.

Năm 2010, chỉ trong 1 đêm thị trường chứng khoán New York biến mất hàng nghìn tỉ đô vì sự cố của máy tính và người ta giật mình nhận ra là thế giới chúng ta đang lệ thuộc quá nhiều vào máy tính.

Câu chuyện tiếp theo là trong một cuộc thi về trí tuệ của chương trình “Ai là triệu phú” thì con robot đã chiến thắng 2 người giỏi nhất thế giới. Và mọi người giật mình rằng trí tuệ nhân tạo đã thông minh hơn con người.

Câu chuyện thứ tư là năm 2015 người ta đã thử nghiệm một luật sư robot và một luật sư giỏi nhất nước Mỹ. Và cuối cùng là robot luật sư đã chiến thắng. Robot này nhớ tất cả điều luật trên thế giới và nó truy tìm ra thông tin rất là nhanh chóng. Vậy thì không chỉ những nghề đơn giản như nghề tài xế taxi có thể biến mất mà đến những nghề phức tạp như nghề luật sư cũng có thể biến mất thì giáo dục sẽ đi về đâu, nhà giáo có cần thiết nữa hay không?

Theo bà Tô Thụy Diễm Quyên nếu các bé chỉ học với robot không thì sẽ không hiệu quả bằng việc kết hợp giữa con người và robot

HOA NỮ

Năm 2017 một công ty bảo hiểm Nhật Bản đã sa thải 34 nhân viên tư vấn bảo hiểm và thay vào đó là một vài con robot. Những con robot này xử lý hồ sơ cực kỳ nhanh chóng, làm việc 365 ngày/năm và 24 giờ/ngày và nó đã làm cho công ty này tiết kiệm hàng trăm triệu yên mỗi năm.

Câu chuyện cuối cùng là năm 2018 có anh chàng Neil Harbisson người Tây Ban Nha bị bệnh mù màu nên thế giới của anh chỉ có màu trắng và đen. Vào một ngày kia, người ta cấy cho anh ta một cái chip và anh ta đã nhìn thấy màu sắc như những người bình thường. Như vậy là anh ta đã được máy hóa một con người và con người hoàn toàn có thể biến thành nửa người nửa máy để được tối ưu hóa tất cả những gì mà con người đang thiếu sót và kém cỏi.

Chính vì vậy, các đứa con nhỏ chúng ta sau này có thể rằng sẽ không còn đi học từ lớp 1 đến lớp 12 nữa, mà người ta cấy vào các bé những con chip và các bé sẽ biết hết tất cả mọi thứ. Vậy có cần bố mẹ dạy bảo nữa không, có cần thầy cô dạy dỗ nữa không?

Phối hợp giữa robot và con người

Xin thưa vẫn cần, bởi vì đó chỉ là thông tin và từ thông tin chuyển thành kiến thức, từ kiến thức chuyển thành kỹ năng vẫn cần sự tương tác của con người. Một đứa trẻ chỉ học với robot không thì sẽ không hiệu quả bằng phối hợp giữa robot và con người.

Ta phải khẳng định rằng trí tuệ nhân tạo là đòn bẫy làm thay đổi thế giới này một cách nghiêm túc. Thách thức và mối nguy của chúng ta là robot sẽ thay thế hàng loạt công việc từ đơn giản đến phức tạp và kiến thức là thứ nhanh chóng lạc hậu nhất. Nếu chúng ta cứ bám vào kiến thức, cứ nghĩ con chúng ta học sinh giỏi cấp quận, cấp huyện là thành công, thì đó là một sai lầm nghiêm trọng.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng trong thời đại số kiến thức là thứ nhanh lạc hậu nhất

HOA NỮ

Theo thống kê của Microsoft năm 2017 có khoảng 51% nghề nghiệp đang có trên thế giới này liên quan đến khoa học kỹ thuật và công nghệ. Con số này sẽ tăng lên 77% vào năm 2025, nghĩa là 5 năm tới cứ 10 đứa trẻ ra trường thì 8 em phải giỏi về khoa học công nghệ và kỹ thuật nếu không sẽ bị đào thải. Chính vì thế, mục tiêu giáo dục phải thay đổi!

Thách thức và khó khăn của người này có thể sẽ là cơ hội của người khác. Quan trọng là chúng ta nhìn ra được bản chất của vấn đề, tương lai của vấn đề để chúng ta đón chờ nó và tất cả mọi người đều sẽ đón nhận như nhau, vậy chúng ta sẽ gặp thách thức gì? Thách thức của chúng ta là sẽ dạy cho những đứa trẻ này những thứ mà hiện tại chưa có, tương lai cũng chưa biết là gì vì vậy nếu chúng ta dạy kiến thức thì các con sẽ thất bại, mà thay vào đó chúng ta phải dạy cho các con cách tư duy về vấn đề.

Và khi đứa trẻ biết cách tư duy, biết cách giải quyết vấn đề thì đứa trẻ sẽ tự linh hoạt trong nhận thức để tự lựa chọn là học gì, làm gì. Và đó cũng là câu chuyện cá thể hóa việc học, các con sẽ lựa chọn nhu cầu của các con, lựa những điều phát triển đúng năng lực của các con chứ không phải là học hết toàn bộ 12 môn học, học hết toàn bộ 144 cuốn sách giáo khoa sẽ trở thành giỏi.

Và công nghệ là đòn bẫy cực lớn mà chúng ta không thể né tránh được. Vậy thì chuyển đổi số trong giáo dục là gì? Đó là có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để tuyển dụng, tư vấn tuyển sinh rồi cá nhân hóa việc học tập như khi các em làm bài kiểm tra xong, trí tuệ nhân tạo sẽ đưa ra một lộ trình để các em nên học cái gì và học ra sao, rồi nhận dạng khuôn mặt, đưa ra nội dung thích ứng với nhu cầu của trẻ… Hay như ở Đài Loan, học sinh ngồi thi không cần một giám thị nào cả nhưng chỉ cần một em chuẩn bị quay cóp là trí tuệ nhân tạo sẽ phát hiện hết hành vi các em và gửi thông báo cho thầy cô… Nhìn chung trí tuệ nhân tạo có thể vận dụng trong giáo dục rất nhiều.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.