Thời điểm nào phù hợp để xem Covid-19 là bệnh đặc hữu?

26/03/2022 08:13 GMT+7

Theo Bộ Y tế , bệnh lưu hành (tiếng Anh: endemic disease), hay một số chuyên gia còn gọi là bệnh đặc hữu, là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định...

4 tiêu chí để xác định bệnh lưu hành, theo Bộ Y tế là: 1/ Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; 2/ Tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; 3/ Bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; 4/ Tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, các quy định về xét nghiệm sẽ có nhiều thay đổi

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Đang trong giai đoạn chuyển dần

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, cho rằng thời điểm này là phù hợp để xem Covid-19 là bệnh lưu hành. Việc chờ đợi chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm sang bệnh đặc hữu, bệnh lưu hành là vì chưa biết có thêm biến chủng mới hay không. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, biến chủng Omicron xuất hiện đến nay đã hơn 1 tháng, thời điểm này đã là phù hợp để xem xét vấn đề trên. Dù hiện tại số ca mắc mới vẫn cao, nhưng theo nguyên tắc, số bệnh cao mà tỷ lệ tử vong thấp, có thể so sánh với cúm hay các bệnh thông thường khác và độ phủ vắc xin hiện đang rất tốt, việc đưa Covid-19 thành bệnh đặc hữu sớm là rất quan trọng. Nếu không, nhiều người sẽ tốn kém và mất thời gian trong việc xét nghiệm nhiều lần, nhiều lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng từ việc cách ly F0. Bác sĩ Khanh thông tin thêm nhiều nước trên thế giới sau sự xuất hiện của biến thể Omicron cũng đã chuyển sang giai đoạn coi Covid-19 là bệnh lưu hành.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng - Trường ĐH Y Dược TP.HCM, xem Covid-19 là bệnh lưu hành là điều cần thiết để chúng ta trở lại với cuộc sống bình thường mới. Tuy nhiên, hiện nay Covid-19 đang chuyển dần từ bệnh truyền nhiễm sang bệnh thông thường chứ chưa hoàn toàn là bệnh thông thường. Do đó, trước khi xem Covid-19 là bệnh đặc hữu và trở về trạng thái hoàn toàn bình thường, theo TS Dũng, cần có tiêu chí để xác định thế nào là công ty, xí nghiệp an toàn, trường học an toàn; vì nếu không quản lý vẫn sẽ khó khăn cho các F0, F1 và các cơ quan đơn vị trong quy trình làm việc khi có người nhiễm bệnh.

Sẽ có nhiều thay đổi

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết nếu xem Covid-19 là bệnh đặc hữu thì sẽ có nhiều thay đổi. Các quy định xét nghiệm sẽ khác. Khi mọi người đã tiêm đủ các mũi vắc xin, cũng không cần làm xét nghiệm nhiều lần để giảm tải công việc cho ngành y tế. Những người có nguy cơ chuyển nặng sẽ được tách khỏi nhóm không nguy cơ để được theo dõi sát và chữa trị bằng những phương pháp tốt nhất, sớm nhất nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, vẫn cần nhiều biện pháp bảo vệ nếu xem Covid-19 là bệnh lưu hành. Trong đó, người dân vẫn nên khai báo y tế, sau khai báo thông tin người dân sẽ tiếp cận được điều trị và hướng dẫn của nhân viên y tế từ sớm.

PGS-TS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, cho biết đang tham gia cùng Bộ Y tế chỉnh sửa lại một số chính sách về việc cách ly bệnh nhân, sàng lọc và các quy trình bảo hộ… nhằm phù hợp hơn trong bối cảnh tiến tới xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Trong đó, có thể sẽ không còn sàng lọc nhiều như trước đây, bệnh nhân ngoại trú chỉ cần xét nghiệm khi làm những thủ thuật quan trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.