Bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đông lạnh là một cách hiệu quả để duy trì giá trị dinh dưỡng, chất lượng và hương vị của nhiều loại thực phẩm. Thời gian lưu trữ thịt đông lạnh để đảm bảo giữ được chất dinh dưỡng, giữ được mùi vị và không sinh độc tố phụ thuộc vào các yếu tố như nhiệt độ bảo quản, loại thịt, dạng sống hoặc đã qua chế biến và thịt ở dạng nguyên tảng hay đã xay nhuyễn.
Thông thường thịt sống nguyên tảng nếu giữ ở nhiệt độ dưới -18 độ ổn định thì có thể lưu trữ 6-12 tháng, đối với dạng thịt xay, hoặc đã tẩm ướp, nấu chín có thể lưu trữ từ 1-3 tháng. Để đảm bảo không sinh độc tố, cần giữ nhiệt độ ổn định, không tái cấp đông lại nhiều lần, sơ chế sạch sẽ, để khô ráo, chia vào từng hộp, túi đựng thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh, phân chia giữa thịt sống, chín trong các ngăn lưu trữ riêng.
Việc đông lạnh thịt đã trở thành cách bảo quản thực phẩm phổ biến nhằm tránh sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, làm hư thực phẩm. Tuy nhiên, chất lượng và hương vị của thịt có thể không còn đảm bảo.
Nếu thịt được đông lạnh lớn hơn -18 độ C sẽ dễ bị biến đổi chất và gây hại không nhỏ cho sức khỏe khi ăn vào cơ thể. Thói quen tích trữ thịt đông lạnh lâu ngày sẽ dẫn đến 3 mối nguy lớn với sức khỏe:
- Đẩy nhanh quá trình lão hóa do chất đạm và chất béo của thịt sẽ bị oxy hóa dần và biến chất.
- Gây hại hệ tiêu hóa nếu thịt đông lạnh đã bị hỏng do trữ quá lâu gây ra các triệu chứng khó tiêu, buồn nôn, đau dạ dày sau khi ăn thịt.
- Tăng nguy cơ ung thư do một số lượng lớn vi khuẩn, virus được sinh ra trong quá trình đông lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể.
Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà - tổ trưởng tổ Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn chia sẻ thời gian bảo quản thịt khi đông lạnh dưới -18 độ C để đảm bảo hương vị và chất lượng của từng loại thịt như sau:
Đối với thịt gia súc (bò, cừu và thịt heo) tươi. Nếu thịt được cắt thành miếng bít tết có thể bảo quản từ 6 đến 12 tháng; cắt thành từng phần còn xương bảo quản trong vòng từ 4 đến 6 tháng và cắt thành miếng thịt nướng thì bảo quản được từ 4 đến 12 tháng. Với lưỡi, thận, gan, tim và ruột thì chỉ nên bảo quản từ 3 đến 4 tháng để đảm bảo chất lượng.
Đối với thịt gia súc đã nấu chín. Thịt đã được nấu chín, chế biến thành các món ăn, nước dùng và nước xốt làm từ thịt chỉ nên sử dụng trong vòng 2 đến 3 tháng.
Đối với thịt gia cầm tươi. Gia cầm nguyên con có thể bảo quản được 1 năm, gia cầm được cắt thành từng bộ phận bảo quản được 9 tháng, còn với nội tạng chỉ nên bảo quản từ 3 đến 4 tháng.
Đối với thịt gia cầm đã nấu chín. Các món ăn đã được chế biến từ thịt có thể bảo quản từ 4 đến 6 tháng.
Đối với cá tươi. Với các loại cá tươi ít chất béo, bảo quản được từ 6 đến 8 tháng mà vẫn đảm bảo chất lượng. Với cá giàu chất béo thì thời gian bảo quản ngắn hơn chỉ trong vòng 2 đến 3 tháng.
Đối với cá đã nấu chín. Cá đã nấu có thể bảo quản từ 4 đến 6 tháng, còn cá hun khói có thể bảo quản trong vòng 2 tháng.
Đối với một số hải sản tươi (tôm, sò điệp, mực). 3 đến 6 tháng là khoảng thời gian mà thực phẩm này vẫn giữ được chất lượng khi đông lạnh.
"Người sử dụng nên tuân thủ các nguyên tắc và quy trình trong bảo quản thực phẩm và dùng thực phẩm trong khoảng thời gian được khuyến nghị để đảm bảo chất lượng và hương vị. Việc đông lạnh thịt quá lâu sẽ gây ra nhiều mối nguy cho sức khỏe. Vì vậy, chỉ nên bảo quản thịt bằng phương pháp đông lạnh khi thật sự cần thiết và không được lạm dụng phương pháp này", bác sĩ Thu Hà khuyến cáo
Bình luận (0)