Thổi hồn vào ly cà phê

22/06/2016 11:30 GMT+7

Ngày càng nhiều bạn trẻ Việt chọn nghề pha chế cà phê làm sự nghiệp. Không chỉ thổi hồn vào ly cà phê, họ còn góp phần nâng tầm nghệ thuật thưởng thức cà phê tại VN bằng chính tài năng và niềm đam mê của mình.

Đó là bộc bạch của Hồ Ngọc Hoàng Long, nhà vô địch mới của cuộc thi Vietnam Super Barista Championship 2016, diễn ra giữa tháng 6 tại TP.HCM. Vượt qua 46 thí sinh, chinh phục được cả 9 vị giám khảo quốc tế là các chuyên gia hàng đầu, Hoàng Long sẽ là thí sinh đại diện VN tham dự giải barista (nghề pha chế cà phê) thế giới tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng 4.2017. Từng tham gia một cuộc thi lớn vào năm 2012 nhưng không đoạt giải, với Long, chiến thắng lần này thật sự là một bất ngờ ngọt ngào.
Để có được thành quả ấn tượng này, dĩ nhiên con đường không hề dễ dàng. Long kể, chập chững bước vào nghề cách đây 6 năm, anh mất đến 2 tháng mò mẫm mới tạo hình được ly cà phê đầu tiên.
“Mình chủ yếu tự học bằng cách xem video trên YouTube và hỏi han bạn bè đồng nghiệp. Nhiều người cũng hay nhập nhằng với nghề bartender (pha chế rượu, cocktail), nhưng barista thì chuyên về cà phê và những thức uống hỗn hợp từ cà phê. Càng tìm hiểu, mình càng mê”, Long cho biết.


Một bạn trẻ làm nghề pha chế cà phê cho biết bên cạnh chuyện thỏa sức sáng tạo thì mức lương cũng là yếu tố hấp dẫn đối với barista. Một người mới vào nghề có thể thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Nếu có giải thưởng, thâm niên thì mức lương có thể lên đến 8 - 10 triệu đồng hoặc hơn.

Theo Long, bên cạnh nắm vững kiến thức về cách sử dụng công cụ như: máy rang, xay, pha cà phê theo định lượng chuẩn, thành thục các kỹ thuật đặc thù (đánh sữa, tạo bọt, tạo hình…), barista còn là một chuyên gia về lịch sử, chủng loại cũng như quá trình rang, xay cà phê. Thời gian và thời lượng là hai yếu tố quyết định để tách cà phê pha được ngon lẫn đẹp mắt, bởi nếu không tính toán và xử lý đúng, chất lượng lẫn hình thức của tác phẩm đều không đạt.
Trải qua những ngày tháng luyện tập chăm chỉ với nhiều công sức, thời gian, lẫn tiền bạc, Long chia sẻ: “Đam mê là yếu tố quyết định. Nghe có vẻ hơi lý thuyết nhưng nếu không có đam mê chắc mình đã bỏ cuộc lâu rồi. Mỗi ngày mình đều phải học và cảm thấy kiến thức lẫn kỹ năng chưa bao giờ là đủ”.
Những tách cà phê đẹp mắt Ảnh: NVCC
Long cho rằng chính nghề này đã làm thay đổi tính cách của anh rất nhiều, giúp anh trở nên tự tin và hoạt ngôn hơn. “Việc nói chuyện với khách hàng, nghe phản hồi của họ hay xử lý tình huống cũng là cơ hội để mình tự tin hơn trong giao tiếp. Ngoài ra, nghề này rèn luyện cho mình tính tỉ mỉ, cẩn thận, khéo léo”, Long nói.
Dù đang được đánh giá là một trong những nghề “thời thượng”, thế nhưng con đường để trở thành barista không phải dễ. Thời gian đầu khi mới bắt tay vào luyện tập, nhiều lần Long muốn bỏ cuộc vì bế tắc. Có khi, chỉ một lỗi kỹ thuật như để bọt sữa quá lâu, cà phê nguội hoặc sữa không đủ thì cả quá trình cũng “đi tong” vì thành phẩm sẽ không đạt.
“Chuyện đi thi cũng là cách để mình trau dồi thêm kỹ thuật và học hỏi. Nhận xét của giám khảo cũng cho biết mình còn thiếu sót ở đâu để khắc phục. Hơn nữa, việc thi thố ở các cuộc thi chuyên nghiệp là cách để thể hiện năng lực và biết mình đang ở vị trí nào trong ngành này”, Long nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.